Văn hóa - Giải Trí

Nghịch lý gameshow: Người giỏi nhường người yếu

12/04/2017, 07:05
image

Trong sự bùng nổ của các gameshow hiện nay, hầu hết các nhà sản xuất, các HLV luôn phải có những “chiêu bài”...

chung-ket-sing-my-song

Cuộc thi Sing my Song. Ảnh minh họa

Cũng không biết từ bao giờ, những cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc trở thành nơi để các huấn luyện viên… xin thí sinh giỏi nhường cơ hội cho người yếu hơn, để người yếu hơn có cơ hội được rèn giũa thêm.

Câu chuyện này đang xảy ra trong chương trình Giọng hát Việt, khi HLV Thu Minh vừa ở bên dưới tấm tắc khen thí sinh Hồng Ngọc vượt trội hơn Tùng Anh thì đến lúc quyết định, nữ huấn luyện viên “tạt gáo nước lạnh” vào Hồng Ngọc khi lên sân khấu ôm cô và rỉ tai “cho Tùng Anh cơ hội đi tiếp với chị nhé”.

Trước đó, chương trình Sing my song – Bài hát hay nhất hay The Face – Gương mặt thương hiệu cũng không ít lần khiến khán giả “nổi đóa” khi huấn luyện viên lựa chọn người yếu hơn để đi tiếp vào vòng trong. Những thí sinh mạnh buộc phải ngậm ngùi ra về vì... “đã có tài năng rồi thì ở đâu cũng thành công”.

Chương trình Giọng hát Việt nhí 2016 cũng từng gây xôn xao khi huấn luyện viên Vũ Cát Tường loại thí sinh Chiara Falcone vì em… quá giỏi. Vũ Cát Tường lý giải: “Tài năng của con đã vượt xa so với khuôn khổ trong cuộc thi này và đã đến lúc chúng ta dừng lại với việc thi thố và sẵn sàng trở thành một nghệ sỹ thực thụ”. Quyết định này của cô đã gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ phía khán giả suốt một thời gian.

Có thể nói, truyền hình thực tế, gameshow đang dần phá đảo quy luật “thắng ở - thua về” vốn đã thành thông lệ trong các cuộc thi. Điều này giúp khán giả dần thừa nhận một thực tế rằng, đến với những chương trình tìm kiếm tài năng, dù bạn có tài chưa chắc đã chiến thắng những người yếu hơn bạn.

Hầu hết các thí sinh sau khi bị loại vì… giỏi đều mỉm cười như không có chuyện gì, nhưng với tâm lý của một người bình thường dành nhiều tâm huyết đi thi, chắc chắn không ít trong số họ sẽ thấy chạnh lòng và không phục. Tài năng luôn cần có sự nâng đỡ để tỏa sáng. Những cuộc thi truyền hình là nơi phát hiện và nâng đỡ, bồi dưỡng tài năng. Đành rằng các chương trình chỉ mang tính chất giải trí, gameshow vẫn chỉ là một trò chơi, nhưng việc thiếu công bằng với những người thực sự có năng lực khiến nhiều người bức xúc và tự hỏi: Cuộc thi tổ chức để làm gì? Còn đâu tính công bằng của những người mang danh “cầm cân nảy mực” trong một cuộc thi đang được phát sóng cho hàng triệu khán giả trên cả nước theo dõi?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.