Kinh tế

Nghịch lý khách tăng, doanh nghiệp lữ hành "méo mặt"

11/07/2020, 07:01

Các nhà cung cấp dịch vụ du lịch nhiều nơi bất ngờ phá bỏ cam kết, đẩy các doanh nghiệp lữ hành vào thế tiến thoái lưỡng nan…

img
Trong tháng 7, tháng 8, nhu cầu du lịch biển tăng cao, nhiều điểm du lịch nổi tiếng trở nên quá tải (Trong ảnh: Du khách tắm biển tại bãi biển Kỳ Co, TP Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: Sỹ Hòa

Sau thời gian khuyến mại, giảm giá “khủng” để kích cầu, khi thị trường vừa phục hồi, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch nhiều nơi bất ngờ phá bỏ cam kết, đẩy các doanh nghiệp lữ hành vào thế tiến thoái lưỡng nan…

Kích cầu kiểu hình thức, chụp giật

Vừa trở về từ chuyến nghỉ dưỡng tại resort trên khu Bắc bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), chị H.N. (Hà Nội) khá bức xúc với cách thức hoạt động thiếu chuyên nghiệp, không giống như quảng cáo tại đây. “Lướt mạng thấy khu nghỉ dưỡng hạng sang giảm giá, gia đình tôi quyết định thuê phòng 2 triệu đồng/đêm, bao gồm buffet 3 bữa. Ngay từ giờ check-in, dù rất đông khách nhưng rất ít nhân viên phục vụ, chờ đợi khá lâu sau đó lại phải tự xách hành lý về phòng. Buffet thì dở tệ, ngày 3 bữa y như nhau. Bể bơi đang sửa chữa không dùng được nhưng vẫn đăng hình quảng cáo…”.

Tương tự, anh Nguyễn Vũ (Hà Nội) cũng chia sẻ, cuối tuần trước gia đình anh chọn điểm nghỉ dưỡng tại Hòa Bình. “Cảnh quan khá đẹp nhưng để tiết kiệm điện, tối đến chủ resort ra lệnh tắt hết đèn, cả khu tối om, bể bơi cũng từ chối phục vụ khách”.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour cho hay, sau chuỗi dài “ngủ đông” do dịch bệnh, thời điểm từ tháng 6 đến tháng 8 là “thời gian vàng” nuôi hi vọng phục hồi của các hãng tour. “Thế nhưng, thực tế doanh thu đến nay của chúng tôi chỉ đạt khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, còn lợi nhuận thì gần như không có”, ông An nói.

Lý giải điều này, ông An cho biết, khi người dân nghe thông tin kích cầu du lịch, ai cũng đặt nặng vấn đề về giá với hãng tour. Đa phần khách đi theo hình thức chọn tour ngắn ngày vào dịp cuối tuần khiến áp lực lại càng tăng. Trong khi đó, điểm lưu trú lại chỉ khuyến mãi vào các ngày trong tuần, hàng không chỉ có vé giá rẻ ở các đường bay mới khai thác và những vị trí họ cần lấp đầy… “Tâm lý kích cầu giá rẻ đẩy cao cuộc cạnh tranh giữa các hãng tour. Có những doanh nghiệp nhỏ chỉ cần tỷ suất lợi nhuận nhỏ cũng có thể duy trì được khiến tình trạng phá giá hỗn loạn xảy ra. Giá hạ nhiều quá khiến các doanh nghiệp lớn làm ăn uy tín không thể thở nổi”, ông An ngao ngán.

Tương tự, ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Công ty CP Flamingo Redtours thông tin, mặc dù lượng khách nội địa đăng ký trong tháng 7 và tháng 8 tăng cao 150% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tổng doanh thu và lợi nhuận thì lại sụt giảm thảm hại so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ được khoảng 30 - 40%.

Thay vì niềm vui khi thị trường du lịch trong nước phục hồi, những chủ doanh nghiệp lữ hành như ông Hoan lại đang phải đau đầu bởi đây cũng là lúc các đối tác cung cấp dịch vụ phá bỏ mức giá đã cam kết với hãng tour.

“Trước đó, kỳ vọng vào chương trình kích cầu giá tốt, chúng tôi đã đầu tư chiến dịch quảng bá thị trường kèm sản phẩm cụ thể. Thế nhưng, khi nhu cầu khách tăng lên, quay lại đặt chỗ thì giá cũ đã không còn. Vậy là buộc phải điều chỉnh lợi nhuận vốn đã rất thấp, thậm chí nhiều tour phải cắt lỗ để bù những chi phí phát sinh. Ngoài ra, các điểm du lịch nghỉ dưỡng và hãng hàng không đều tung gói khuyến mãi trực tiếp tới khách hàng, khiến các hãng tour còn đang bị cạnh tranh bởi chính những nhà cung cấp dịch vụ”, ông Hoan nói và cho rằng, giá dịch vụ tăng ngay sau khi thị trường hồi phục còn tạo cho du khách cảm giác bị lợi dụng, “chụp giật”.

“Lúc cần thì kêu gọi tham gia kích cầu giá rẻ. Tới thời điểm hot thì lại đẩy giá lên khiến nhiều người cho rằng kích cầu chỉ là hình thức chứ không phải vì người tiêu dùng. Thị trường bùng nổ trong tháng 7 và tháng 8. Tiếp theo từ tháng 9 trở đi sẽ ra sao, thị trường chùng xuống chả lẽ lại kích cầu đợt 2?”, ông Hoan băn khoăn.

Làm du lịch kiểu “ăn xổi” sao phát triển?

Thời điểm chúng tôi gặp ông Nguyễn Ngọc An cũng là lúc vị Phó tổng giám đốc Fiditour vừa kết thúc 9 ngày băng rừng, lội suối cùng đoàn khảo sát nghiên cứu tour mới chặng Nghệ An - Lạng Sơn. “Lãnh đạo địa phương những tỉnh này rất mong sản phẩm nhanh chóng đưa vào khai thác trong thời điểm du lịch đã phục hồi. Chúng tôi cũng rất muốn nhưng phải thừa nhận những điểm đến đó chưa được đầu tư đủ các điều kiện cần để khai thác, hướng tới du lịch cộng đồng. Do đó, cần có thời gian nghiên cứu hoàn thiện từng bước mới có thể phát triển bền vững”, ông An chia sẻ.

Nhắc tới câu chuyện phát triển bền vững, duy trì dòng sản phẩm du lịch lâu dài, ông Nguyễn Công Hoan cho rằng: “Từ tháng 6 tới tháng 8, thị trường du lịch rất tốt, nhưng không bền vững. Cần phải xác định du lịch Việt Nam không chỉ là mùa hè, không chỉ là du lịch biển, mà rất đa dạng từ du lịch khám phá, du lịch sự kiện tới du lịch tâm linh… Nếu không thay đổi quan niệm du lịch theo mùa vụ thì tình trạng quá tải, giá cao, dịch vụ kém… là điều không thể tránh nổi”.

Ông Hoan cho biết, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp của ông đã xây dựng sản phẩm khuyến mại cho mùa thu, mùa đông, thuyết phục các đối tác cung cấp dịch vụ, định hướng lại thị trường. “Vấn đề liệu số ít thay đổi có tạo được hiệu ứng thị trường hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào “nhạc trưởng”, vai trò tổng đạo diễn của cơ quan quản lý Nhà nước và lãnh đạo địa phương”, ông Hoan nói.

Theo ông Hoan, nhu cầu, thế mạnh du lịch tại các địa phương khác nhau, có nơi là biển, có nơi là núi, có nơi mùa hè nhưng có nơi vào mùa đông mới đẹp… “Cụ thể, giải đoạn này những vùng ven biển không cần kích cầu thì cũng hot hay ngược lại vùng núi có kích cầu mấy đi chăng nữa thì cũng ít khách tới. Với những dòng sản phẩm khác nhau thì thời điểm kích cầu cũng phải khác nhau. Thế nhưng, thời gian qua các địa phương đều tung chiến dịch quảng bá kích cầu, thì tới tháng 9 trở đi, liệu có còn đủ kinh phí để phát động lại hay không?”, lãnh đạo Flamingo Redtours đặt vấn đề.

Khảo sát mới đây về xu hướng du lịch nội địa từ tác động của đại dịch Covid-19 do Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) thực hiện cho thấy sau giãn cách xã hội do dịch bệnh, nhu cầu du lịch biển tăng cao (67%), kế đến là nhu cầu du lịch thiên nhiên (56%) với các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, tác động của dịch bệnh đến chi tiêu ngân sách khiến gần 50% lựa chọn tua ngắn ngày, 89% lựa chọn đi du lịch cùng gia đình hoặc theo nhóm nhỏ bạn bè. Xu hướng đặt tua, dịch vụ trực tuyến cũng lên ngôi với gần 45% du khách lựa chọn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.