Quản lý

Nghiêm cấm từ chối kiểm định “xe tải thí điểm”

13/04/2016, 06:57

Từ 500 xe thí điểm, số xe chở hàng 4 bánh loại nhỏ đã vọt lên 9.000 chiếc, nhiều xe không kiểm định.

13

Kiểm định chất lượng xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ tại một đơn vị đăng kiểm TP.HCM

Với số lượng thí điểm ban đầu khoảng 500 xe, đến nay số lượng xe chở hàng bốn bánh loại nhỏ dùng để thay xe thô sơ đã lên đến hơn 9.000 chiếc, tuy nhiên nhiều xe gặp vướng mắc khi chứng nhận kiểm định.

Cục Đăng kiểm VN (VR) ngày 11/4 có văn bản chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc thực hiện việc tiếp nhận kiểm định xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ - loại xe bốn bánh nhỏ, thay thế xe công nông, ba gác, “xe tải thí điểm”. Loại xe này được quy định tại Thông tư số 16 ngày 13/5/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT (quy định về điều kiện đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông đường bộ).

“Nghiêm cấm việc từ chối kiểm định không có lý do. Các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phải thực hiện ghi nhận tất cả các kết quả kiểm định vào cơ sở dữ liệu kiểm định, thông báo các nguyên nhân không đạt (nếu có), hướng dẫn khắc phục cho chủ xe; thực hiện niêm yết trình tự, thủ tục thực hiện kiểm định xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ theo quy định tại Thông tư số 16 tại phòng chờ của khách hàng”, văn bản do Phó cục trưởng VR Nguyễn Hữu Trí ký nêu rõ.

Bên cạnh đó, Phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục có nhiệm vụ đi khảo sát thực tế tình trạng kỹ thuật của loại xe này tại khu vực phía Nam và kiểm tra việc tiếp nhận kiểm định của các đơn vị đăng kiểm.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Trí cho biết, mới đây dư luận phản ánh tại TP.HCM có hơn 2.800 xe loại này, đã được cấp số biển 50TĐ… (thí điểm), nhưng đa số không có chứng nhận đăng kiểm, người lái không có giấy phép điều khiển phương tiện. Dữ liệu của VR cũng mới ghi nhận đến nay chỉ có 186 xe có chứng nhận kiểm định.

“Đây là loại xe cơ giới được thí điểm đưa vào sử dụng năm 2009 theo một đề án được Chính phủ phê duyệt, chỉ với khoảng 500 chiếc ban đầu. Mục đích của thí điểm nhằm tìm ra loại phương tiện thay thế xe thô sơ, xe ba gác để phù hợp với khả năng của những người cần hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, phương tiện. Khi đó chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện này, đến tháng 3/2014 khi có Thông tư 16, việc kiểm định mới được áp dụng. Tuy nhiên, do nhiều xe không đáp ứng được tiêu chuẩn, hồ sơ kỹ thuật nên một số đơn vị từ chối tiếp nhận kiểm định, cũng như không hướng dẫn cho người dân. Đến nay, ước tính số lượng xe loại này đã lên đến hơn 9.000 chiếc, chủ yếu ở phía Nam”, ông Trí giải thích.

Được biết, cùng với chỉ đạo hệ thống đơn vị kiểm định tháo gỡ khó khăn cho người dân, VR cũng đã có văn bản đề nghị Cục CSGT, Sở GTVT các địa phương đề nghị tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý các trường hợp xe trên lưu thông nhưng không có Giấy chứng nhận lưu hành, Tem lưu hành. Điều này nhằm đưa loại phương tiện này vào quản lý theo Thông tư 16 của Bộ GTVT, ngăn ngừa nguy cơ mất TTATGT do loại phương tiện này gây ra.

Một số tiêu chuẩn đối với “xe tải thí điểm":

Không quá giới hạn: dài 3,5m, rộng 1,5m,  cao 2,0 m. Không quá 2 chỗ ngồi.

Khối lượng xe khi không có hàng: Không quá 550kg. Khi có hàng, người trên xe: Không quá 1.000 kg.

Người điều khiển xe phải có GPLX hạng B2 trở lên.  Niên hạn sử dụng không quá 25 năm. Xe phải đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường quy định. Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ được đăng ký và cấp biển số tại địa phương nào thì thực hiện kiểm tra lưu hành tại đơn vị đăng kiểm ở địa phương đó.
(trích Thông tư 16 của Bộ GTVT, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.