Chuyện dọc đường

Nghiêm trị cả người mua, sử dụng GPLX giả

22/07/2019, 06:27

Thực tế, mua bán GPLX giả đang tồn tại ở hai dạng: Một là mua bán GPLX giả hoàn toàn, không cần học vẫn có bằng với giá chỉ vài ba triệu đồng.

img
Chiếc GPLX giả cùng các thông tin về người gửi, nơi gửi PV nhận được qua nhân viên giao hàng

Dạng thứ hai là có bằng thật mà như giả, để cạnh tranh, nhiều trung tâm đào tạo lái xe mời chào học viên cho một khoá học cấp GPLX với giá thấp tương tự mua GPLX giả.

Với mức giá này, gần như học viên sẽ không được học đủ chương trình đào tạo. Nếu học đúng, học đủ theo chương trình chuẩn của Nhà nước, chi phí cho một người học phải mất cả chục triệu đồng.

Mức độ mua bán và đào tạo GPLX với giá rẻ mạt như vậy sẽ gây ra những hệ lụy vô cùng lớn đối với trật tự ATGT, nguy cơ xảy ra TNGT rất cao. Chúng ta có thể hình dung sự nguy hiểm như thế nào khi những người không được học hành gì, mua bằng lái và cầm vô lăng lái xe trên đường. Những người dùng bằng giả chưa gây tai nạn có thể chỉ là do may mắn.

Tuy chưa có thống kê chính xác số lượng người sử dụng GPLX giả và gây TNGT là bao nhiêu, nhưng thực tế đã có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến đối tượng này. Tôi cho rằng, không được đào tạo hoặc đào tạo quá ít thì không thể có kỹ năng lái xe an toàn. Những đối tượng mua, dùng GPLX giả hay học ở các trung tâm có mức giá đào tạo thấp chỉ là những người biết lái, còn kiến thức lái thế nào cho an toàn gần như không có.

Thực tế việc in ấn bằng giả hiện rất tinh vi, lực lượng TTKS trên đường rất khó nhận diện bằng mắt thường. Ở một số nước tiên tiến, người ta có thể truy cập hệ thống ngay trên xe ô tô tuần tra, kiểm soát trên đường của cảnh sát, sẽ lập tức phát hiện GPLX thật - giả. Ngay trên đường, CSGT chỉ cần nhập số GPLX là biết được chủ GPLX này học ở đâu, tốt nghiệp năm nào. Tuy nhiên, rất tiếc là ở nước ta lại chưa có được công nghệ thuận tiện và tối tân đó.

Vừa qua, ngành GTVT và ngành Công an đã có phần mềm kết nối, chia sẻ dữ liệu, nhưng đó đơn thuần là chia sẻ thông tin, mức độ ứng dụng dữ liệu đó vào kiểm tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát thì hoặc không có hoặc độ khả thi chưa cao. Dữ liệu đó có gần như chưa được xây dựng, tích hợp vào một hệ thống để ứng dụng trên điện thoại thông minh, phục vụ công tác tra cứu, kiểm tra của CSGT chốt trực trên đường.

Sự chia sẻ hiện nay chỉ là chia sẻ dữ liệu về công tác đào tạo, số lượng đào tạo, số lượng cấp bằng các địa phương để chia sẻ lẫn nhau. Còn chia sẻ chi tiết từng cá nhân để ứng dụng vào kiểm tra, kiểm soát để phát hiện bằng giả hay không hoặc xác định người gây tai nạn học ở đâu, trường nào thì chưa có một hệ thống nào để cho phép lực lượng CSGT ứng dụng, truy cập được. Có chăng, trường hợp chủ phương tiện gây TNGT nghiêm trọng, CSGT phải gọi về văn phòng đề nghị tra cứu hộ thông tin người vi phạm/người gây tai nạn.

Nếu cơ quan chức năng tiếp tục để thả nổi vấn nạn này, người dân sẽ không còn tin tưởng vào cơ chế quản lý của Nhà nước. Để triệt tiêu hoàn toàn thì rất khó nhưng nếu chúng ta xác định việc mua bán, sử dụng GPLX giả là vấn đề nghiêm trọng thì cần hình sự hóa tội danh này để răn đe, ngăn chặn. Đa phần ngay từ đầu người mua GPLX giả để sử dụng cũng đã nhận thức đây là việc phạm pháp nhưng vẫn thực hiện. Rõ ràng đây là hành vi phạm pháp có ý thức, cần phải nghiêm trị triệt để.

Cũng giống như việc xử lý tội danh ăn cướp, ngoài người trực tiếp thực hiện hành vi chịu hình phạt thì người sử dụng vật dụng ăn cướp cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng việc hình sự hóa hành vi mua bán, sử dụng GPLX giả thế nào, đã xử lý được bao nhiêu đối tượng, xử lý ở mức độ nào. Việc này nếu được thực hiện thường xuyên, sẽ có tác động mạnh đến những người manh nha ý định mua GPLX, từ đó kéo giảm vấn nạn lưu hành GPLX giả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.