Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 |
Ngày 9/6, tại Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam giữa kỳ 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ chỉ đạo tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho cộng đồng DN phát triển mạnh mẽ.
Huy động nguồn lực cho hạ tầng
“Kinh tế Việt Nam trong 5 tháng đầu năm phát triển tốt hơn, vững chắc hơn so với 2014” là nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh tại Diễn đàn sáng 9/6. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định, tăng trưởng kinh tế cả năm 2015 của Việt Nam được dự báo sẽ ở mức 6,2% hoặc có thể cao hơn, an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm…
"Chính phủ sẽ cố gắng đảm bảo đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng điện bằng nhiều nguồn lực từ ngân sách, vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ và huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội vào hạ tầng qua hình thức BOT, PPP và tạo mọi thuận lợi để DN trong và ngoài nước đầu tư tại Việt Nam”. Thủ tướng Chính phủ |
Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đơn cử như số liệu được Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đưa ra, Việt Nam hiện có gần 70% DN vẫn kinh doanh không có lãi; có tới 96% DN có quy mô nhỏ và cực nhỏ.
Về vấn đề này, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ chỉ đạo tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho cộng đồng DN phát triển mạnh mẽ hơn, để sản xuất kinh doanh tăng trưởng ở cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, đảm bảo năm 2015 tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,2%. Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế, trong đó, đối với vấn đề hạ tầng sẽ huy động vốn từ các nguồn phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng.
“Với triển vọng hoàn tất 14 Dự thảo Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20. Đây là nền tảng cơ bản để Việt Nam hội nhập quốc tế ở tầm cao mới, mở ra không gian hợp tác phát triển rộng lớn trong tương lai”, Thủ tướng nhấn mạnh.
“Nóng” chuyện điện, sữa
Tại Diễn đàn, nhiều DN thắc mắc về tình hình điện năng ở Việt Nam, nhưng Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, chưa có lúc nào tình hình sản xuất, cung ứng điện của Việt Nam lại tốt như hiện nay. “Chúng tôi có 25% công suất dự phòng và có thể tăng lên 30% khi thời tiết mát vào mùa xuân và mùa đông”, Bộ trưởng nói.
Hiện nay, vẫn có thời điểm, có địa bàn cụ thể chất lượng điện chưa được đảm bảo, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, là do chất lượng hệ thống phân phối điện của Việt Nam nhiều nơi được xây dựng từ lâu và cần có số lượng vốn cải tạo. Bộ Công thương cũng đang chỉ đạo huy động vốn từ các nguồn để nâng cấp chất lượng hệ thống. Theo dự báo, giai đoạn 2017-2018, nguồn cung tại chỗ ở một số tỉnh phía nam sẽ thiếu do chậm triển khai dự án nguồn điện mới nên Chính phủ đã đã giao ngành điện thực hiện 9 dự án cấp bách, chủ yếu tại phía nam để bù đắp thiếu hụt này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, giá điện sẽ được điều chỉnh theo thị trường, không có quy định bán điện dưới giá thành. “Việt Nam sẽ nghiêm túc thực hiện cơ chế thị trường điện, công khai minh bạch lộ trình giá điện để nhà đầu tư yên tâm đầu tư”, Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thông tin thêm, theo lộ trình, chậm nhất là đầu 2016, giá điện hoàn toàn theo thị trường. Qua đợt điều chỉnh hồi tháng 3 vừa rồi thì từ nay tới đầu 2016 sẽ có điều chỉnh cần thiết nữa để giá điện theo thị trường theo đúng chủ trương.
Về vấn đề quản lý giá sữa, bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng quyết định kéo dài biện pháp bình ổn giá các sản phẩm sữa cho trẻ em từ 6 tuổi trở xuống sẽ tác động tiêu cực tới sự phát triển của các DN và ngành sữa, mâu thuẫn với các quy định và cam kết quốc tế. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Việt Nam điều hành giá theo thị trường. Việt Nam có trên 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi, đây là đối tượng nhạy cảm mà thế giới rất quan tâm nên cần có giải pháp vừa phù hợp với cam kết quốc tế, vừa đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Tại Việt Nam, giá tính trung bình trên 1 kg sữa cho trẻ dưới 6 tuổi đang cao hơn nhiều so với một số nước khu vực, trong khi thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam không hề cao hơn các nước trên.
“Đây là biện pháp hành chính Nhà nước buộc phải làm để hài hòa lợi ích của DN và người tiêu dùng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận