5 nhóm mô tô, xe gắn máy
Theo Bộ GTVT, Quy chuẩn này quy định các yêu cầu để kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) đối với các loại xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu để sử dụng tại Việt Nam.
Tại dự thảo, Bộ GTVT sửa đổi khái niệm xe gắn máy và xe mô tô sao cho phù hợp với quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Cụ thể, xe gắn máy là xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có vận tốc thiết kế không lớn hơn 50km/h; nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50 cm3; nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW. Xe gắn máy không bao gồm xe đạp máy.
Xe mô tô là xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, trừ xe gắn máy; đối với xe ba bánh thì khối lượng bản thân không lớn hơn 400kg.
Tại Quy chuẩn này, xe mô tô, xe gắn máy được phân làm 5 nhóm: Xe gắn máy hai bánh, xe gắn máy ba bánh, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh được bố trí không đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe (xe có thùng bên), xe mô tô ba bánh được bố trí đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe.
Dự thảo Quy chuẩn cũng bổ sung quy định xe phải có số khung (hoặc số VIN), số động cơ không bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại. Đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước, số khung phải thỏa mãn các yêu cầu trong TCVN 6578 và TCVN 6580.
Cùng đó, phải có vị trí lắp đặt biển số và vị trí này không bị che bởi các chi tiết khác của xe, có thể quan sát từ phía sau.
Bộ GTVT đề xuất chỉ nhóm xe gắn máy hai bánh và xe mô tô hai bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 300kg mới được phép trang bị cơ cấu hoặc chức năng để hỗ trợ lùi xe hoặc quay đầu.
Theo Bộ GTVT, một số xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc đang trang bị cơ cấu/chức năng lùi với tốc độ cao tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi tham gia giao thông. Do đó, chỉ nên cho phép một số xe có khối lượng lớn được trang bị cơ cấu đảo chiều hộp số, lùi để hỗ trợ quay đầu xe nhằm đảm bảo an toàn.
Thêm quy định về đèn ban ngày
Đối với quy định về đèn, dự thảo Quy chuẩn bổ sung quy định tâm hình học của đèn phải được lắp đặt đối xứng với nhau qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe. Đèn phát ra ánh sáng màu đỏ không được nhìn thấy trực tiếp từ phía trước và đèn phát ra ánh sáng màu trắng (trừ ánh sáng phát ra từ đèn lùi) không được nhìn thấy trực tiếp từ phía sau.
Các loại đèn chiếu sáng và tín hiệu được phép trang bị gồm: Đèn chiếu sáng phía trước, đèn báo rẽ, đèn cảnh báo nguy hiểm, đèn vị trí trước, đèn vị trí sau, đèn phanh, đèn lùi, đèn soi biển số sau, đèn sương mù phía trước, đèn ban ngày.
Đèn chiếu sáng phía trước phải phù hợp với quy tắc giao thông bên phải, phải có ánh sáng màu trắng, hoặc vàng nhạt.
Đèn phải lắp ở phía trước của xe, ánh sáng của đèn không gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp cho người lái qua gương chiếu hậu và/hoặc qua các bề mặt phản quang khác của xe.
Đèn phải bật sáng được bất kỳ lúc nào khi động cơ hoạt động. Khi đèn chiếu xa hoạt động phải có đèn báo hiệu màu xanh da trời (blue) và không nhấp nháy.
Ngoài ra, đặc tính quang học của đèn chiếu sáng phía trước lắp trên xe phải đáp ứng được các yêu cầu trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 35: 2024/BGTVT hoặc quy định UNECE No.149
Dự thảo quy chuẩn cũng bổ sung quy định xe gắn máy hai bánh có bàn đạp phải có bốn tấm phản quang được bố trí ở phía trước và phía sau của bàn đạp ở cả hai bên.
Đặc biệt, Bộ GTVT đề xuất tất cả các xe phải có đèn báo rẽ. Đối với đèn lùi, quy định xe gắn máy ba bánh và xe mô tô ba bánh được bố trí đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe, có số lùi phải có ít nhất một đèn lùi.
Dự thảo Quy chuẩn còn bổ sung quy định của đèn ban ngày, trong đó, xe gắn máy hai bánh và xe mô tô hai bánh chỉ được trang bị một hoặc hai đèn ban ngày (nếu có).
Đèn ban ngày được lắp ở phía trước của xe và phải tự động tắt khi bật đèn chiếu sáng phía trước.
Đối với quy định về chỗ ngồi, dự thảo Quy chuẩn quy định tất cả các vị trí ngồi phải có đệm ngồi, đệm ngồi phải được lắp đặt chắc chắn, kích thước đệm ngồi phải đủ để một người trưởng thành có thể ngồi thoải mái ở tư thế bình thường.
Tại tất cả các vị trí ngồi phải có chỗ để chân được bố trí, lắp đặt đối xứng nhau qua mặt phẳng trung tuyến dọc của xe.
Đối với nhóm xe gắn máy hai bánh và xe mô tô hai bánh có một chỗ ngồi, ngoài vị trí lái không được lắp thêm đệm ngồi, chỗ để chân khác tại bất kỳ vị trí nào trên xe nhằm tránh việc người sử dụng xe có thể nhầm tưởng và chở quá số người cho phép
Đối với quy định về khung xe, phải có khả năng chống gỉ bằng cách sử dụng vật liệu chế tạo hoặc lớp phủ bảo vệ. Lớp phủ bảo vệ (nếu có) không được bong tróc, phồng rộp.
Bổ sung yêu cầu riêng cho xe lắp động cơ điện
Quy định về hệ thống điện trên xe mô tô, xe gắn máy, dự thảo nêu rõ: Các chi tiết có dòng điện chạy qua của hệ thống điện phải được hoàn toàn che kín bằng vỏ bọc riêng hoặc phải được che lại bằng các bộ phận khác của xe và phải thỏa mãn cấp bảo vệ IPXXB theo TCVN 4255.
Đối với xe lắp động cơ điện, dự thảo Quy chuẩn quy định xe ở trạng thái không tải phải đảm bảo quãng đường hoạt động liên tục không nhỏ hơn 60km.
Xe phải hoạt động bình thường sau khi thử nước. Bộ điều khiển điện của xe phải có chức năng bảo vệ hệ thống điện khi quá tải dòng điện. Trên bộ điều khiển điện phải thể hiện được nhãn hiệu, số loại, điện áp sử dụng.
Việc điều khiển di chuyển xe chỉ có thể thực hiện được khi xe đang ở chế độ sẵn sàng di chuyển (active driving possible mode) và phải có báo hiệu cho người lái biết rằng xe đang ở chế độ này.
Xe chuyển từ trạng thái tắt sang chế độ sẵn sàng di chuyển cần phải có ít nhất hai hành động có chủ ý riêng biệt của người lái.
Để hủy chế độ sẵn sàng di chuyển chỉ cần một hành động có chủ ý của người lái.
Ngoài ra, động cơ của xe phải đảm bảo không thể được kích hoạt để di chuyển khi đang nạp điện (ngoại trừ xe sử dụng cáp nạp ngăn cản việc người lái có thể ngồi lên xe và điều khiển xe di chuyển).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận