Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang trình bày báo cáo của Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam trước Quốc hội |
Tiếp tục phiên làm việc của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều 23/5, Quốc hội nghe báo cáo về Dự án Luật tạm giữ, tạm giam.
Thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình về Dự án Luật tạm giữ, tạm giam, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang cho biết, sau 16 năm thực hiện Quy chế về tạm giữ, tạm giam, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, quy định của pháp luật hiện hành về chế độ quản lý giam giữ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa cụ thể (đặc biệt là việc thăm gặp thân nhân, người bào chữa của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và việc thực hiện các quyền nhân thân của họ nếu không bị hạn chế bởi biện pháp tạm giữ, tạm giam, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tạm giữ, tạm giam…); chế độ ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế; chưa có quy định về chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đồng tính hoặc người có khiếm khuyết về giới tính; đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng…
Cũng liên quan đến dự án luật này, nhiều ý kiến quan tâm đến vấn đề khởi kiện trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam.
Chính phủ cho rằng, nếu quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết tất cả khiếu nại trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam sẽ không bảo đảm nguyên tắc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước; đồng thời sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát có thẩm quyền là không đúng pháp luật.
Chính phủ đề nghị bổ sung quyền khởi kiện cho người bị tạm giữ, tạm giam |
Do vậy, cần phải có cơ chế để giải quyết trong trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không nhất trí với quyết định giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát có thẩm quyền.
“Chính phủ thấy ý kiến đề nghị bổ sung quyền khởi kiện của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là hợp lý để bảo đảm tốt hơn lợi ích hợp pháp của họ trong điều kiện họ đang bị tạm giữ, tạm giam, khó có thể tự mình thực hiện được quyền khiếu nại khi thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm nhưng chưa được giải quyết” – Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Tuy nhiên, do Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định: “Quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên là quyết định có hiệu lực pháp luật”. Do vậy, trước mắt dự thảo Luật chưa bổ sung quy định về quyền khởi kiện của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và việc giải quyết khởi kiện trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam.
Trình bày báo cáo thẩm tra Dự án luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện khẳng định, mô hình quản lý giam giữ đối với người bị kết án tử hình tại các Trại tạm giam như hiện nay về cơ bản là phù hợp, bảo đảm phục vụ kịp thời cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; tạo điều kiện cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự của các cơ sở giam giữ; đồng thời cũng tạo thuận lợi cho thân nhân của người bị thi hành án tử hình tiếp nhận xác để an táng.
Đề xuất nghiên cứu phương án bố trí các xe thi hành án tử hình lưu động. Ảnh minh họa |
"Tuy nhiên, với việc duy trì mô hình này thì công tác thi hành án tử hình cần có sự đổi mới về phương thức, theo đó nghiên cứu phương án bố trí các xe thi hành án tử hình lưu động nhằm tránh phát sinh tốn kém cho ngân sách nhà nước trong việc tổ chức thi hành án tử hình như trên thực tế vừa qua” - ông Hiện nhấn mạnh.
Về việc khởi kiện trong việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam, Ủy ban Tư pháp nhìn nhận, việc khiếu nại, tố cáo về thi hành tạm giữ, tạm giam là khiếu nại về tư pháp; không phải là khiếu nại về quyết định hành chính và hành vi hành chính. Mặc khác, việc này cần phải thực hiện khẩn trương nhằm phục vụ kịp thời cho hoạt động điều tra khám phá tội phạm và luôn được kiểm sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật, do đó không nên quy định quyền khởi kiện trước tòa án của người bị tạm giữ, tạm giam.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến khác cho rằng, hiện nay, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, vấn đề dân chủ và bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cao thì việc giải quyết khiếu nại thông qua cơ chế phán quyết Tòa án là cần thiết, theo đó, trường hợp Viện kiểm sát nhân dân đã giải quyết mà người bị tạm giữ, tạm giam vẫn có khiếu nại thì phải được Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp xét xử. Do đó, cần nghiên cứu quy định trong dự thảo Luật quyền khởi kiện của người bị tạm giữ, tạm giam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận