Rà soát hạ tầng giao thông khu vực trường học
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường rà soát, xây dựng và ban hành, công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về đường bộ, công trình kết cấu hạ tầng giao thông qua khu vực trường học, phương tiện vận tải chuyên chở học sinh.
Vụ Vận tải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành GTVT và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 31, nghiên cứu phổ biến các mô hình an toàn giao thông khu vực trường học.
Phía Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông hướng dẫn việc rà soát về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông, điều kiện an toàn giao thông tại các đoạn tuyến quốc lộ có trường học trên toàn quốc, hoàn thành trong Quý I năm 2024.
Đối với đường quốc lộ thuộc phạm vi quản lý, Cục Đường bộ VN lập danh mục phân loại những vị trí đường qua trường học không đảm bảo an toàn, đánh giá các nguyên nhân và yếu tố rủi ro gây mất ATGT của học sinh quanh khu vực trường học, đề xuất phương án xử lý, khắc phục, nêu rõ lộ trình thực hiện, hoàn thành việc đề xuất trong năm 2024.
Đồng thời, chủ trì rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông, báo hiệu đường bộ, quy định việc hạn chế tốc độ,.. để đảm bảo an toàn tại các đoạn tuyến qua khu vực trường học, đấu nối của khu vực trường học trên đường bộ, đăng ký kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Phía Sở GTVT có trách nhiệm rà soát về ATGT tại các khu vực trường học, tổ chức lại các điểm bất hợp lý, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, nhất là các trường hợp ngay sát các quốc lộ, tỉnh lộ, tuyến đường nhiều phương tiện đi lại vào các khung thời gian học sinh đến trường, tan học; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại các khu vực trường học theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, phù hợp với tổ chức giao thông.
Trong đó, chú trọng đến việc bố trí vỉa hè, đường đi bộ, đường đi xe đạp và bãi trông giữ xe; ưu tiên bố trí hạ tầng, trang thiết bị bảo đảm TTATGT như biển báo khu vực trường học, biển báo hạn chế tốc độ phương tiện khi tham gia giao thông gần khu vực trường học vào giờ cao điểm (giờ vào học và giờ tan học của học sinh), đèn tín hiệu sang đường, vạch băng qua đường, gờ giảm tốc, sơn giảm tốc phù hợp theo các khu vực trường học.
Khẩn trương khắc phục các "điểm đen" trên các tuyến đường có trường học theo phân cấp quản lý. Tham mưu cho UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND cấp huyện, xã, thực hiện đối với các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý.
Đồng thời, tổ chức tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng phân luồng, phòng, chống ùn tắc giao thông tại các khu vực trọng điểm, các tuyến đường quanh khu vực các trường học trên địa bàn, nhất là trong các giờ đến lớp và tan học, kiến nghị với nhà trường bố trí địa điểm và phân luồng cho học sinh ra về hợp lý để phụ huynh học sinh dừng, đón học sinh không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây ùn tắc giao thông.
Báo cáo UBND cấp tỉnh cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông, hoàn thiện tổ chức giao thông tại các khu vực có trường học.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng cầu vượt (hoặc hầm chui) tại vị trí vượt qua đường gần khu vực trường học trong trường hợp có lưu lượng xe và lưu lượng bộ hành lớn trong giờ cao điểm.
Nghiên cứu chính sách ưu đãi hoạt động kinh doanh xe đưa đón học sinh
Cục Đường bộ VN cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các Sở GTVT nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh bằng xe ô tô buýt chuyên dụng đưa đón học sinh; cơ chế, chính sách khuyến khích học sinh đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng và xe ô tô buýt chuyên dụng đưa đón học sinh.
Sở GTVT có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định cơ chế, chính sách ưu đãi trên, trường hợp các cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh, báo cáo Bộ GTVT để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Cục Đường bộ VN còn có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện quy định về bảo đảm ATGT đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh.
Sở GTVT có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các bãi gửi xe trái phép gần khu vực trường học để có biện pháp xử lý, đối với các bãi gửi xe được cấp phép xung quanh khu vực trường học cần yêu cầu có cam kết không nhận trông, giữ xe mô tô trên 50cm3 của học sinh.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về bảo đảm ATGT đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh trong phạm vi địa bàn quản lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận