Quản lý

Nghiên cứu điều kiện cho phép taxi Uber hoạt động

03/12/2014, 07:14

Tại buổi họp Ban cán sự đảng Bộ GTVT hôm qua (2/12), Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu cơ quan quản lý phải xem xét, nếu loại hình kinh doanh bằng phần mềm Uber chưa được quy định...

Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo phải bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm
Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo phải bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm

Thuận cho quản lý nhưng phải tiện lợi cho dân

“Rõ ràng là loại hình kinh doanh này có giá thấp hơn so với taxi thông thường. Chi phí thấp, người dân thấy lợi khi sử dụng. Trên thế giới người ta đã ứng dụng rồi, vậy tại sao ta không làm. Nếu loại hình kinh doanh bằng phần mềm Uber chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, các Nghị định, Thông tư, hướng dẫn, mình có trách nhiệm rà soát, nghiên cứu bổ sung để hợp pháp hoá. Phải làm sao để thuận cho quản lý nhưng tiện lợi cho người dân. Quản lý Nhà nước phải quản lý bằng pháp luật, bằng thể chế chính sách để thúc đẩy kinh tế phát triển”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Theo Bộ trưởng, văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GTVT phải làm sao để đẩy GTVT phát triển theo hướng năng suất, chất lượng cao hơn, đem lại sự hài lòng hơn cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí quốc gia. Thể chế chính sách phải thật đơn giản. Phải bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm. 

Vài ngày nay, trên báo chí và mạng xã hội đã nảy ra nhiều tranh luận nóng về nên hay không nên cấm Uber. Chủ tịch một Hiệp hội vận tải địa phương cho biết, quan điểm khi nghe thông tin về chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Chúng tôi đã đọc không ít thông tin từ cơ quan quản lý các cấp cho rằng, chưa có quy định thì dịch vụ taxi Uber chở khách thu tiền là trái luật, vi phạm quy định kinh doanh vận tải khách. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, có ý kiến cho rằng, luật chưa đề cập tới loại hình dịch vụ mới này thì không thể xử phạt. Vì thế, chỉ đạo của Bộ trưởng Thăng cho thấy một tư duy quản lý hết sức mới mẻ”.

Cho thí điểm trước khi thực hiện rộng rãi 

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, nếu Uber phục vụ xã hội tốt thì nên khuyến khích. Tuy nhiên cần nhớ rằng, ngành nghề vận tải là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và theo Luật Doanh nghiệp, khi hoạt động phải có đăng ký kinh doanh và tuân thủ các điều kiện kinh doanh của Nhà nước. Phần mềm Uber thực ra chỉ là một phương thức dịch vụ, như là dịch vụ kết nối Internet hay các phần mềm khác như thiết bị giám sát hành trình, 3G… Vì thế khi có rồi, phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. 

“Hiện nay, chúng ta đang siết chặt quản lý vận tải và đã đạt được một số kết quả bước đầu, ngăn chặn được tình trạng “xe dù”, “bến cóc” và đảm bảo ATGT cho người dân, xã hội. Vì thế, nếu đưa một loại dịch vụ khác vào, cũng phải có sự quản lý chặt chẽ để đảm bảo được các điều kiện phục vụ xã hội tốt hơn và đặc biệt là vấn đề an ninh, trật tự”, ông Liên cho biết.

Cũng theo ông Liên, hiện nay, trong số các doanh nghiệp taxi tại Hà Nội có một số đơn vị ủng hộ phương thức này nhưng cũng có đơn vị phản đối. Doanh nghiệp ủng hộ sử dụng phần mềm Uber cho rằng, sẽ tăng thêm được hệ số ngày xe hoạt động. Nó như một văn phòng dịch vụ cho thuê xe, nhận khách. Vì thế, việc cấp phép hoạt động cho loại hình taxi Uber cần cân nhắc cẩn trọng. Có thể cho thí điểm trước khi thực hiện rộng rãi bởi việc nộp thuế chưa chắc quan trọng bằng vấn đề an toàn.

Ông Nguyễn Anh Quân - Chủ tịch Hãng taxi Thành Công (Hà Nội) cho rằng: “Trước hết, để loại hình này hoạt động được, phải đảm bảo được các điều kiện về vận tải, các yếu tố pháp lý. Có được các yếu tố đó, mới bàn đến việc sử dụng nó ra sao”. 

Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), quan điểm của Bộ GTVT là ủng hộ những phát triển mới về công nghệ, nhưng cũng phải có sự cảnh báo với người dân, đồng thời đề nghị các bộ, ngành xem xét phần mềm này có hợp pháp hay không. 

“Chúng tôi đang cố gắng liên lạc với đại diện của Uber để có thể bàn bạc về cách thức quản lý dịch vụ này. Việc đưa ra những điều kiện về kinh doanh vận tải là cần thiết để quản lý loại hình kinh doanh vận tải này nhằm bảo đảm an toàn và một thị trường vận tải lành mạnh, có sự quản lý của Nhà nước. Bây giờ nếu Uber được dùng trong các doanh nghiệp vận tải đã đăng ký kinh doanh thì không có vấn đề gì. Cơ quan quản lý sẽ hoàn toàn ủng hộ, vì đó chỉ là một loại phần mềm. Nhưng ngược lại nếu phần mềm này dùng cho tất cả mọi người, có một xe cũng đăng ký vào đó rồi hoạt động thì phải xem xét đến các điều kiện như: Niên hạn sử dụng xe, đơn vị có đủ qui mô xe đối với đô thị đặc biệt không, lái xe bằng gì, người điều hành vận tải trình độ như thế nào, rồi cả chuyện các hệ thống thông tin liên lạc, ATGT và bảo hiểm trách nhiệm. Đấy hoàn toàn là một câu chuyện khác”- ông Ngọc cho biết. 

Tiến Mạnh - Thanh Bình

Uber từ chối tiết lộ tên đối tác tại Việt Nam

Trao đổi với Báo Giao thông xung quanh những tranh cãi về dịch vụ taxi Uber tại Việt Nam, ông Karun Aya - Giám đốc truyền thông của Uber châu Á Thái Bình Dương đã từ chối tiết lộ tên đối tác tại Việt Nam. 

Theo ông Karun Aya, Uber bắt đầu thâm nhập vào TP Hồ Chí Minh từ tháng 7/2014. Đây là thành phố thứ 250 mà Uber phát triển thị trường. Đến nay, hàng triệu hành khách và tài xế đang sử dụng Uber để tham gia giao thông an toàn và tin cậy. Những gì Uber đang thực hiện rất khác biệt so với những phương thức cũ và không phải ai cũng ủng hộ sự thay đổi đó.

“Để có thể tham gia hệ thống phải trải qua một cuộc kiểm tra lý lịch chặt chẽ và kỹ lưỡng. Bộ phận chăm sóc khách hàng của Uber cũng đảm bảo rằng đồ đạc cá nhân bạn để quên sẽ được hoàn trả trong thời gian ngắn, ông Karun Aya nói.

Cũng theo ông Karun Aya, Uber chỉ đơn giản là một phần mềm ứng dụng. Hoạt động của Uber đều có sự chấp thuận của chính phủ ở mỗi nước. Tại Việt Nam về mặt pháp lý, Uber có hợp tác với những công ty vận chuyển có đăng ký giấy phép kinh doanh với Nhà nước. Về phía đối tác khách hàng, Uber từ chối câu trả lời vì đây là bí mật kinh doanh của Uber, không được tiết lộ(?!)

“Chúng tôi đăng ký hoạt động kinh doanh phần mềm Uber tại nước ngoài và có đóng thuế đầy đủ để phần mềm này hoạt động hiệu quả. Hình thức kinh doanh của chúng tôi khá giống với một số công ty dịch vụ về đặt phòng trực truyến như Agoda hoặc Expedia. Chúng tôi là cầu nối giữa các công ty vận tải hoặc các chủ xe cá nhân và người sử dụng. Về vấn đề nộp thuế, trước khi hợp tác với công ty vận tải phía Việt Nam, chúng tôi có hợp đồng thỏa thuận phía đối tác (công ty vận chuyển) được hưởng 80% sẽ chịu trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản thuế”, ông Karun Aya cho biết thêm.

Đỗ Loan 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.