Ngày nào cũng vậy, người dân Hà Nội cũng chịu cảnh ùn tắc giao thông giờ cao điểm: Sáng từ 7h15 - 8h15; Chiều từ 17h - 18h (Trong ảnh: Ùn tắc tại cầu vượt Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Dương |
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội và TP.HCM đều cho rằng, đề xuất này có tính khả thi và sẽ góp phần giảm đáng kể áp lực giao thông tại hai đô thị lớn nhất cả nước này.
Đề xuất làm muộn hơn, nghỉ trưa ít hơn
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh đề xuất Chính phủ cho nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả việc thay đổi khung giờ làm việc đối với khối hành chính dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị. Theo đó, giờ làm việc bắt đầu từ 8h30, kết thúc lúc 17h, thời gian nghỉ trưa kéo dài 1 giờ, riêng khối sản xuất, doanh nghiệp ngoài Nhà nước sẽ tự quyết định giờ làm cho phù hợp với điều kiện kinh doanh của từng đơn vị.
“Nếu bắt đầu làm từ 8h30, mọi người trong gia đình có đủ thời gian để đi học, đi làm mà không gây ùn tắc, tiết kiệm thời gian và chi phí”, ông Cảnh phân tích và đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho nghiên cứu việc đổi giờ làm. Đồng thời đề xuất: “Cần lấy ý kiến đầy đủ từ người dân đến doanh nghiệp, tổ chức hội thảo đánh giá tác động với các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế để đánh giá đầy đủ tác động và tính hiệu quả của việc đổi giờ làm”.
Tại cuộc họp mới đây với các sở, ngành liên quan, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Sở GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh giờ ra vào của học sinh nếu thấy chưa hợp lý. Riêng đối với khối công chức, viên chức tạm thời chưa nghiên cứu mà vẫn giữ nguyên thời gian làm việc như hiện nay. Tuy nhiên, có thể nghiên cứu bổ sung điều chỉnh lệch giờ học với khối đại học và lệch giờ làm với công nhân khu chế xuất. Đây là những khối chiếm khá đông trên địa bàn TP đi học, đi làm vào giờ cao điểm, khi điều chỉnh giờ sẽ góp phần giảm kẹt xe. |
Cho rằng ý kiến của ĐB Cảnh đã đi vào vấn đề rất cụ thể, rất đáng chú ý, song ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết, muốn thực sự hiệu quả, giảm được ùn tắc, cần có sự tính toán kỹ lưỡng của các nhà khoa học, từ vấn đề thời tiết đến hạ tầng giao thông, kinh tế, yếu tố tâm lý cũng như yêu cầu của người dân về đưa đón con cái đi học…
Đồng quan điểm, ĐBQH TP HCM Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất của đề xuất đổi giờ học, giờ làm là giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông nhưng không gây xáo trộn đến sinh hoạt hiện tại của người dân.
“Giờ làm của người lớn phải gắn với giờ học của trẻ, vì thế, việc điều chỉnh phải tính toán tới vấn đề này. Nếu lệch pha giữa giờ làm của người lớn và giờ đón trẻ sẽ rất khó thực hiện, dễ vấp phải phản ứng từ dư luận. Do đó, tính toán điều chỉnh giờ học, giờ làm cho hợp lý, làm sao vừa giải quyết bài toán giao thông đô thị, vừa giải quyết được bài toán về nhu cầu của người dân, làm sao các mặt phải hài hòa, không gây xáo trộn”, ông Tuấn nói và cho rằng, nên thí điểm trước việc điều chỉnh giờ học, giờ làm trên một số địa bàn để vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau đó mới tổng kết từ thực tiễn và nhân rộng nếu phù hợp, hiệu quả.
Một ĐBQH khác của đoàn TP.HCM cũng cho rằng, phải tính đến tính đặc thù của từng lĩnh vực để làm sao không xáo trộn, không đảo lộn. Muốn vậy, phải xem xét tất cả các tác động liên quan.
Giờ tan tầm tại ngã tư Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Thanh Thanh |
Phân nhóm đối tượng để điều chỉnh
Chiều 31/10, trao đổi với Báo Giao thông về đề xuất điều chỉnh giờ học, giờ làm, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, hiện giờ làm việc trên cả nước đang áp dụng là từ 7h30 - 17h, thời gian nghỉ trưa từ 1,5 - 2 giờ. Với khung giờ này, mỗi ngày Hà Nội đều liên tục phải gánh áp lực ùn tắc trong giờ cao điểm. Việc điều chỉnh giờ học, giờ làm là biện pháp quan trọng để phân bố lưu lượng giao thông hợp lý để tránh giờ tập trung, cao điểm.
“Việc điều chỉnh này cũng đã được đề cập trong đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”. Hà Nội và TP.HCM cũng đã thực hiện nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn những bất cập cần khắc phục”, ông Viện nói và khẳng định: Việc điều chỉnh giờ học, giờ làm không phải thích điều chỉnh là làm ngay được.
“Chỉ tính riêng giờ làm việc đã có giờ của cơ quan Trung ương, địa phương; cơ quan hành chính, sự nghiệp; cơ quan Nhà nước, giờ làm việc của các công trường... nên nói giờ làm việc không là rất chung chung. Chủ trương của Hà Nội là phải phân ra các đối tượng ở các giờ khác nhau. Khi đó sẽ có các nhóm giờ làm, giờ học khác nhau, nhằm giảm mật độ giao thông trong giờ cao điểm. Tất nhiên, Hà Nội sẽ phải có đề án nghiên cứu tổng thể tác động qua lại và mối quan hệ. Giờ nào áp dụng cho đối tượng nào sẽ cần nghiên cứu cụ thể trong mối quan hệ tổng hòa chứ không thể tách riêng một nhóm đối tượng ra để nghiên cứu”, ông Viện nói và thông tin: Hà Nội cố gắng trong năm 2018 sẽ hoàn thiện kế hoạch đổi giờ học, giờ làm.
Tại TP.HCM - đô thị đông dân nhất cả nước, nơi đang phải đối mặt với vấn đề ùn tắc nghiêm trọng, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP cho rằng, việc phân bổ thời gian, tối ưu hóa lượng xe lưu thông trên đường phù hợp sẽ giúp giảm áp lực giao thông vào những giờ cao điểm. Ông Cường cũng khẳng định, cần nghiên cứu tổng thể các đối tượng, các yếu tố để không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận