Tiến độ nhiều dự án đã được rút ngắn đáng kể
Sáng 25/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh đã thay mặt đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, trình bày kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế và và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Ông Mạnh cho biết, kết quả giám sát cho thấy, hầu hết chính sách được ban hành tại Nghị quyết 43 là kịp thời, hợp lòng dân, đáp ứng yêu cầu trước tình hình cấp bách, được nhân dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng.
Đáng chú ý, theo đoàn giám sát, tiến độ chuẩn bị triển khai các dự án đã được rút ngắn đáng kể so với thực tế triển khai các dự án trước đây.
Kết quả có được là nhờ sự khẩn trương, quyết liệt giao nhiệm vụ cụ thể với từng mốc thời gian của Chính phủ, việc Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) để giải quyết, tháo gỡ nhiều khó khăn và sự vào cuộc của nhiều địa phương.
"Dù gặp nhiều khó khăn về vật liệu xây dựng và chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19 nhưng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nỗ lực, cố gắng để hoàn thành, đưa vào khai thác 635 km thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc cả nước lên 2.001 km", ông Mạnh thông tin lại đánh giá của đoàn giám sát.
Qua đó, phát huy hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, tiết kiệm thời gian di chuyển, chi phí xã hội, đáp ứng được sự mong muốn của người dân và doanh nghiệp.
Cùng với các chính sách tài khóa kích cầu tiêu dùng của Nghị quyết số 43, các dự án quan trọng quốc gia đã thúc đẩy mạnh mẽ tổng cầu đầu tư của nền kinh tế, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.
Nghiên cứu dùng đất chưa dùng ở dự án sân bay Long Thành phục vụ đắp cao tốc
Thời gian tới, trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, đoàn giám sát đề nghị Chính phủ tổng kết đánh giá việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án, trên cơ sở đó đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật.
"Đó là việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu phí các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư. Rà soát, hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư", ông Mạnh nói.
Với các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Chính phủ cần rà soát, hoàn thiện để bảo đảm sự thống nhất về chính sách bồi thường tại các khu vực giáp ranh thuộc địa giới hành chính hai tỉnh của hai dự án khác nhau (hai dự án thành phần vận hành độc lập).
Đối với bất cập về định mức đơn, giá, Chính phủ cần khẩn trương điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm phù hợp với thực tế.
Để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng, đoàn giám sát Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Địa chất và khoáng sản theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, phân nhóm các loại khoáng sản.
"Hướng thực hiện đó là tách riêng nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để có quy định riêng về khai thác vật liệu, đặc biệt đối với nhóm vật liệu san lấp và điều phối vật liệu tận dụng giữa các dự án nhằm đơn giản hóa tối đa các trình tự, thủ tục", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách lưu ý.
Đồng thời, cần nghiên cứu cho phép sử dụng phần đất thải nếu đất phục vụ tốt cho nông nghiệp, tránh sử dụng làm đất bãi thải, gây lãng phí tài nguyên.
Ngoài ra, đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ quản rà soát, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với: các dự án dự kiến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật; nghiên cứu việc đầu tư hoàn chỉnh nút giao Tân Vạn, cầu Bình Gởi thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 -TP.HCM
Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ sớm báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét việc đầu tư đường cất hạ cánh số 2, san lấp toàn bộ mặt bằng (thuộc giai đoạn 2) của dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành.
Cạnh đó, nghiên cứu việc sử dụng khối lượng đất chưa sử dụng của giai đoạn 2 từ khu vực quy hoạch nhà ga T3 CHKQT Long Thành, để phục vụ nhu cầu đất đắp nền cho dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Đoàn giám sát lưu ý: "Cần nghiên cứu để có cơ chế giao cho các cơ quan đầu mối của các dự án rà soát, điều hòa, cân đối và thống nhất điều chỉnh tăng hoặc giảm tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần của dự án đó, bảo đảm không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án đã được Quốc hội quyết định. Đồng thời, cơ quan chủ quản của các dự án thành phần thực hiện nghiêm quyết định của cơ quan đầu mối'.
Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ GTVT và các bên liên quan phối hợp với các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền khẩn trương triển khai đầu tư hoàn thiện các trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh (ITS) nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác đồng bộ khi các dự án cao tốc đưa vào khai thác.
Bên cạnh đó, triển khai ngay các biện pháp bổ sung trang thiết bị, tổ chức phân luồng để bảo đảm an toàn giao thông, nâng cao năng lực thông hành đoạn Cam Lộ - La Sơn
Với các tuyến cao tốc đầu tư theo quy mô phân kỳ 2 làn xe và 4 làn xe, đoàn giám sát yêu cầu khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và phương án tổ chức giao thông để nâng cao an toàn khai thác; có kế hoạch nâng cấp bảo đảm phù hợp với nhu cầu vận tải theo từng thời kỳ và tầm nhìn dài hạn
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận