Trong hai ngày 28, 29/10, Đại học Công nghệ GTVT phối hợp với Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE-Global) tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ 6 (CIGOS 2021) với chủ đề “Các công nghệ và ứng dụng mới nổi cho cơ sở hạ tầng xanh”.
Tham dự hội thảo có gần 300 chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế cùng thảo luận trực tuyến nhiều vấn đề liên quan đến địa kỹ thuật, kết cấu và xây dựng tại Việt Nam.
Công nghệ giao thông xanh đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng - Ảnh minh hoạ
Ông Nguyễn Hoàng Long - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ GTVT cho biết, Hội nghị CIGOS năm nay hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và thân thiện với môi trường và vai trò thiết yếu của các công nghệ mới trong việc lập kế hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng xanh.
“Các nghiên cứu trình bày tại hội thảo sẽ cung cấp thông tin cập nhật, những đánh giá khách quan cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế về nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông xanh tại Việt Nam, trên quan điểm khoa học và các minh chứng nghiên cứu cụ thể”, ông Long cho biết.
Tại hội thảo, các nghiên cứu tập trung vào thực tế đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, lý giải những thách thức mang tính đặc thù của quốc tế và Việt Nam như: Mô hình hóa và đặc trưng kết cấu; Vật liệu và công nghệ xây dựng bền vững; Địa kỹ thuật, môi trường và hiệu quả năng lượng; Bigdata, khai thác dữ liệu và Internet of things; Kiến trúc và quy hoạch vì sự bền vững kết cấu...
Các chuyên gia cho rằng, ảnh hưởng của hoạt động giao thông tới phát triển đô thị, kinh tế và môi trường đang đặt ra những thách thức cho phát triển bền vững. Các báo cáo nghiên cứu gần đây cho thấy, GTVT là một trong những hoạt động chủ yếu phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 sau ngành năng lượng và nông nghiệp, chiếm 18,38% tổng lượng khí nhà khí thải vào bầu khí quyển hàng năm.
Trong đó, ngành vận tải đường bộ chiếm 83% lượng khí nhà kính phát thải trong năm 2020 và dự báo 85% lượng khí nhà kính phát thải trong năm 2030. Theo sau là vận tải đường thủy nội địa chiếm 8% và không thay đổi trong khoảng thời gian từ 2020-2030; ngành hàng không chiếm 6% trong năm 2020 và 5% trong năm 2030. Vận tải đường biển chiếm 2% và phát thải ít nhất là vận tải đường sắt.
Chính phủ Việt Nam và Bộ GTVT đã có một số định hướng cụ thể nhằm phát triển giao thông xanh. Bên cạnh những thành tựu đạt được như quy hoạch giao thông gắn với phát triển giao thông công cộng, chuyển đổi sử dụng năng lượng điện hay khí nén tự nhiên, sử dụng ứng dụng vật liệu mới trong kết cấu công trình.
Tuy nhiên, phát triển giao thông xanh đang gặp phải những thách thức không nhỏ, liên quan tới các yếu tố đặc trưng của Việt Nam như: nhu cầu đi lại đặc biệt lớn, thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, ngân sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông tiếp tục cần nguồn vốn lớn, mô hình đầu tư kết hợp nhà nước và tư nhân (PPP) còn nhiều vấn đề pháp lý tiếp tục cần tháo gỡ, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển dù đã có nhiều bước tiến nhưng thực tế còn cần tập trung nguồn lực hơn nữa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận