Thời sự

Nghiện game nặng có thể dẫn tới hành vi giết người?

07/08/2014, 18:18

Nghiện game cũng có thể là một triệu chứng của một số bệnh tâm thần khác như trầm cảm hoặc lo âu đã được phân loại bệnh trong bảng phân loại bệnh quốc tế ICD 10.

TIN LIÊN QUAN

Trước thực trạng ấy, PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với BS,TS Trần Thị Hồng Thu - Trưởng khoa lâm sàng bệnh viện tâm thần Mai Hương để làm rõ hơn những tác hại của việc nghiện game.

CHƠI GAME TỪ KHI QUÁ NHỎ DỄ MẮC CHỨNG NGHIỆN GAME

Nghiện game có phải là một bệnh lý không thưa bác sỹ?

Nghiện game được xếp loại là một trong các rối loạn kiểm soát xung động. Khác với nghiện chất (nghiện rượu, ma túy), đây là một chứng nghiện hành vi tương tự với nghiện cờ bạc, nghiện sex, nghiện internet… Nghiện game cũng có thể là một triệu chứng của một số bệnh tâm thần khác như trầm cảm hoặc lo âu đã được phân loại bệnh trong bảng phân loại bệnh quốc tế ICD 10.

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu
Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu

Tuy nhiên, hiện nay nghiện game là một đề tài được tranh luận kỹ giữa các nhà chuyên khoa tâm thần học trên thế giới và đang được xem xét đưa vào sách giáo khoa về phân loại như một loại bệnh lý tâm thần. Theo các tài liệu chính thống thì người ta không sử dụng thuật ngữ “nghiện game” mà thay bằng “rối loạn chơi game online”

Cơ sở sinh học của nghiện game chưa được làm rõ. Một số nghiên cứu về não đã chỉ ra rằng nghiện hành vi gây ra những thay đổi hoạt động thần kinh giống với nghiện chất.

Theo y văn nói chung, tiêu chí nghiện game có thể bao gồm: Nhu cầu chơi game ngày một tăng, lấn át mọi thú vui hoặc sở thích khác, việc ngừng hoặc trì hoãn nhu cầu chơi game sẽ gây khó chịu và đau khổ, trở nên giận dữ, bạo lực, chán nản. 

Tình huống thường xảy ra là: Khi bị cha mẹ ngăn cản, không cho sử dụng máy tính hoặc điện thoại di động, đứa con nghiện game sẽ ngồi ủ rũ một góc, không chịu ăn, không ngủ, thậm chí là khóc hoặc làm bất cứ điều gì để có thể được chơi game.

Theo báo cáo của Hội đồng Khoa học và Y tế công cộng AMA của Mỹ, dựa trên nghiên cứu các tài liệu khoa học, bắt đầu chơi game ở độ tuổi càng nhỏ cảng dễ mắc chứng bệnh nghiện game.

Mặc dù đã hơn 2 thập kỷ đã trôi qua với nhiều tranh cãi về “nghiện game”, phiên bản mới nhất của Diagnostic and Statistical Manual về các rối loạn tâm thần (DSM-5) vẫn chưa công nhận đây là một bệnh lý tâm thần. Tuy nhiên, rối loạn này ngày càng cho thấy tiềm năng có thể sẽ được phân loại trong sách giáo khoa.

NGHIỆN GAME BẠO LỰC DỄ CÓ HÀNH VI BẠO LỰC

Nhiều phụ huynh thờ ơ với việc con nghiện game, điều này có thể gây hậu họa ra sao thưa bác sỹ?

Nghiện game có thể gây ra vấn đề phát triển xã hội, sức khỏe tâm thần, các mối quan hệ và khả năng tự chăm sóc. Chơi game hơn bốn giờ liên tục có thể gây tác hại đến giờ giấc học ở trường, đến đời sống xã hội và làm giảm phát triển các kỹ năng xã hội, đồng thời có thể dẫn đến trạng thái bứt rứt  khó chịu, lo âu và trầm cảm. Nó thường xảy ra với các trò chơi nhập vai trực tuyến, mà trong đó game thủ đảm nhiệm vai trò của một nhân vật hư cấu và tương tác với người chơi khác trong một thế giới ảo. Đứa trẻ (thông minh) không có gì nổi bật ở trường học lại có thể trở thành người làm chủ cuộc chơi.Nếu không phát hiện và điều chỉnh kịp thời, nghiện game sẽ gây hậu quả nguy hiểm.

Xin được nói cho rõ là nghiện game xảy ra không chỉ ở trẻ em mà ở cả người lớn. Với người lớn, nghiện game có thể gây ảnh hưởng xấu đến việc làm, các mối quan hệ và cuộc sống gia đình.  

Với người nghiện game cuộc sống ảo ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với đời thực. Bằng chứng về chơi game quá mức dẫn tới những hậu quả tiêu cực đang ngày càng gia tăng.

Nghiêm trọng nhất là người nghiện những thể loại game bạo lực. Dường như game thủ mắc chứng nghiện game không thể phân biệt giữa game và thế giới thực, vì vậy chơi game bạo lực dễ dẫn đến hành vi bạo lực.

Thưa bác sỹ, hành động nghiêm trọng nhất mà người nghiện game có thể gây ra là gì?

Đã có nhiều trường hợp tử vong liên quan để nghiện game trên toàn thế giới. Chẳng hạn như: 

Một người đàn ông Hàn Quốc chết gục sau khi chơi game kéo dài suốt 50 giờ không nghỉ và bị đột tử do ngừng tim đột ngột. Một lần nữa, tại Hàn Quốc, một cặp vợ chồng đã quá hăng say trong nỗi ám ảnh chơi game đến nỗi họ đã bỏ quên con gái ba tuổi của mình trong một buổi chơi game kéo dài 12 giờ và khi quay lại tìm con thì thấy con gái của mình đã chết trong thời gian họ đang mải chơi game.

Một thiếu niên người Mỹ, Daniel Petric, giết cha mẹ mình khi họ đã không cho phép anh chơi trò chơi trực tuyến yêu thích của mình. Hay một thiếu niên Trung Quốc, Xioyi, đã tự sát sau khi bị ảnh hưởng bởi các trò chơi yêu thích và đã viết trong bức thư tuyệt mệnh với nội dung liên quan đến những trò chơi game của mình.

Những câu chuyện tương tự gần đây đã xảy ra ngày càng nhiều tại Việt Nam như báo chí đã đăng. Cá nhân tôi đã gặp và điều trị nhiều trường hợp nghiện game, nhưng chưa có trường hợp nào gây bạo lực hay phạm tội ác tàn bạo như vậy. 

Đối với con cái nghiện game, đến mức nào thì gia đình cần có sự theo dõi chặt chẽ? Bác sĩ có lời khuyên về kinh nghiệm xử trí như thế nào với các gia đình có người thân nghiện game?

Cho dù chưa có đủ bằng chứng  lâm sàng về những ảnh hưởng lâu dài của nghiện game nói chung và game bạo lực nói riêng nhưng xu hướng tăng dần các game bạo lực trong hai thập kỷ qua đã cảnh báo những vấn đề nguy hiểm về tình trạng này. Bởi vậy, các bậc cha mẹ hãy sát sao quản lý thời gian biểu của con em mình. Nên thận trọng và theo dõi chặt chẽ bất kỳ những biểu hiện tiêu cực nào. Khi có biểu hiện chơi game quên ăn, quên ngủ dài ngày, cáu gắt, không kiềm chế được hành vi, cảm xúc, bố mẹ nên đưa con đi khám để được tư vấn hướng giải quyết.

CHƠI GAME LIÊN TỤC, ỨC CHẾ THẦN KINH CÓ THỂ GIẾT NGƯỜI HAY KHÔNG?

Vụ việc một thanh niên nghiện game đã ra tay giết cả 4 người trong nhà gồm bà nội, bố, mẹ, chị họ ở Thanh Hà, Hải Dương mới đây (trước đó, thanh niên này đã từng chơi game 2 ngày không ăn) khiến nhiều người lo ngại và cho rằng hành động đó cũng có 1 phần do nghiện game. Theo bác sĩ, việc chơi game liên tục, dẫn đến ức chế thần kinh có ảnh hưởng đến hành vi giết người trên không?

Phạm Duy Quý, 21 tuổi, đối tượng tâm thần, nghiện game đã ra tay sát hại cả gia đình gồm 4 người
Phạm Duy Quý, 21 tuổi, đối tượng tâm thần, nghiện game đã ra tay sát hại 4 người thân trong gia đình

 

Trường hợp của Quý tôi chưa có đủ thông tin và căn cứ để phân tích. Em cũng đã tự sát khi bị tạm giam.

 

Trên lý thuyết, hành vi bạo lực có thể có nhiều nguyên nhân, trong đó không loại trừ những đối tượng nghiện game có rối loạn tâm thần hoặc đồng thời sử dụng ma túy đá. Khó phân biệt rạch ròi được cái nào đi trước.Vì muốn tỉnh táo để thức đêm, game thủ buộc phải sử dụng ma túy đá và ngược lại, vì dùng “đá” gây mất ngủ nên không biết làm gì ngoài chơi game.

 

Tuy nhiên, từ những vụ việc như vậy, gia đình nên quan tâm con cái nhiều hơn để có cách giáo dục phù hợp nhất,  tránh những tác hại không đáng có cho chính gia đình mình và  xã hội.

 

NHIỀU Ý KIẾN CHO RẰNG NÊN CẤM HOÀN TOÀN GAME BẠO LỰC

 

Trên khía cạnh y học, theo bác sĩ, những người nghiện game mà không có bệnh tâm thần có thể gây ra những hành động nguy hiểm như vậy không?

Xin nhắc lại, nghiện game chưa chính thức được coi là bệnh lý tâm thần.

Tuy vậy, nghiện game ở người không có bệnh tâm thần cũng có thể có liên quan đến những hành vi bạo lực. 

Game bạo lực và bạo lực thực tế đã gây ra rất nhiều thắc mắc về những tác động của bạo lực tràn ngập trong tâm trí giới trẻ. Sự gia tăng đáng kể các vụ bạo lực của game thủ tuổi teen đang đẩy mạnh các bên tranh luận ủng hộ quan điểm rằng game bạo lực có ảnh hưởng nhất định đến hành xử trong thế giới thực.

Bời vậy, cần nói thêm rằng, game có nội dung bạo lực nói chung không phù hợp với những người trẻ tuổi. Trẻ em và thanh thiếu niên cần được khuyến khích trải nghiệm các hình thức vui chơi giải trí lành mạnh hơn. Nhiều ý kiến cho rằng chơi game bạo lực nên bị cấm hoàn toàn.

Xin cám ơn bác sỹ vì cuộc trao đổi này.

Ngọc Lê

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.