Chính quyền cũng bất ngờ trước thông tin ngộ độc pate Minh Chay
Liên quan tới vụ ngộ độc Pate Minh Chay, chiều 3/9, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Huy Khôi, Phó chủ tịch UBND thị trấn Đông Anh cho hay: Qua thống kê, tới nay có 5 hộ gia đình trên địa bàn sử dụng sản phẩm của Minh Chay được đưa vào danh sách theo dõi sức khỏe.
Theo ông Khôi, vào tháng 3/2020, Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới, chủ thương hiệu Minh Chay, được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số 01/2020/NNPTNT-HAN cho loại hình: Chế biến thực phẩm chay (bò, cá, giò, chả, mọc, xúc xích, pate, bánh, ruốc nấm); Rang và đóng gói muối vừng các loại hạt (hạnh nhân, điều, thông, bí xanh, hướng dương, macca, óc chó, vừng).
“Cơ sở tại số nhà 53, tổ 2 Thị trấn Đông Anh được chủ doanh nghiệp sử dụng để chế biến sản xuất, không bày bán hàng trực tiếp mà chủ yếu rao bán trên mạng. Cơ sở này có trong danh sách quản lý tại địa phương từ lâu. Chúng tôi cũng đã kiểm tra hành chính và Công ty có cam kết vệ sinh an toàn thực phẩm", ông Khôi nói.
Khi xảy ra vụ ngộ độc pate Minh Chay, ông Khôi cho biết khá bất ngờ vì "Công ty đầy đủ giấy phép hợp lệ hơn nữa lại có cửa hàng trên quận Hoàn Kiếm có thương hiệu".
Về việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các hộ sản xuất thực phẩm trên địa bàn, ông Khôi khẳng định: "Một năm kiểm tra mấy lần vào dịp tết hoặc các dịp cao điểm".
Tuy nhiên, trong ngày 30/8, khi Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội phối hợp với UBND huyện Đông Anh kiểm tra, cơ sở chưa xuất trình được đầy đủ hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm (hợp đồng, hóa đơn); Chưa cung cấp được các hồ sơ theo dõi sản xuất trong thời gian từ 1/7-28/8 để phục vụ công tác điều tra nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Minh Chay bán ra 7.000 sản phẩm trong 2 tháng
Cũng trong ngày 3/9, đại diện Công an huyện Đông Anh cho biết, vụ việc đang được điều tra nên chưa thể thông tin với báo chí.
Trong những ngày qua, liên tiếp bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay phải nhập viện tại Hà Nội và TP.HCM. Riêng BV Bạch Mai, tới thời điểm hiện tại đã tiếp nhận hơn chục bệnh nhân ăn pate Minh Chay. Ngoài 2 bệnh nhân nặng phải thở máy, các bệnh nhân khác có triệu chứng nhẹ hơn như sụp mi, mệt mỏi...
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, sản phẩm Pate Minh Chay có chứa vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; Độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong cho người sử dụng.
“Đây là vụ ngộ độc chưa từng ghi nhận, báo cáo tại Việt Nam trong hàng chục năm qua. Ngộ độc vi khuẩn Clostridium botulinum khá hiếm gặp, vì vi khuẩn chỉ phát triển trong điều kiện phù hợp, dù tồn tại nhiều nơi trong thực phẩm môi trường”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Minh, người sáng lập thương hiệu Minh Chay khẳng định đang tích cực phối hợp với cơ quan điều tra. “Công ty mang tính chất quy mô gia đình, tất cả thành viên trong công ty đều là người nhà, do đó nguồn lực có hạn. Chúng tôi đang chia nhau đi gặp và hỗ trợ các nạn nhân. Lúc này cứu người là trên hết”.
Trước thực trạng trên, nhiều người dân đặt vấn đề: Thực phẩm trước khi tung ra thị trường, đều phải qua tất cả các khâu xét nghiệm mẫu, quy trình chế biến, vệ sinh thực phẩm... Do đó, trách nhiệm không chỉ thuộc về ông chủ pate Minh Chay!
Không chỉ thu hồi sản phẩm pate Minh Chay, Cục An toàn thực phẩm còn yêu cầu các địa phương thu hồi 13 sản phẩm khác của công ty này, mặc dù chưa có kết quả xét nghiệm. Các sản phẩm này được coi là có nguy cơ nhiễm khuẩn, vì sản xuất trong điều kiện cơ sở không đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Việc xử lý thu hồi sản phẩm vi phạm cần chính xác, đúng sự thật, nếu cơ quan quản lý sai, chậm trễ, phải chịu trách nhiệm”, ông Phong khẳng định.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT TP Hà Nội, đến nay công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới đã cung cấp hồ sơ bán ra 7.000 sản phẩm trong thời gian từ ngày 1/7-22/8. Công ty chịu trách nhiệm phải thu hồi và xử lý sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm và báo cáo về Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP.Hà Nội trước ngày 3/9.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận