Để ôn thi hiệu quả, mỗi sĩ tử phải tự sắp xếp thời gian học và nghỉ ngơi cho phù hợp. (Ảnh minh họa) |
Mê trận thuốc tăng cường trí nhớ
Hiện đang là thời điểm nước rút để các sĩ tử dùi mài kinh sử vượt qua các kỳ thi quan trọng. Đến hẹn lại lên, các sản phẩm “thuốc bổ não” lại được dịp nở rộ như giải tỏa nỗi lo của các gia đình sĩ tử. Những lời quảng cáo “nổ” lại được dịp bung ra nào là “cung cấp dưỡng chất dành cho não, giúp bổ não, tăng cường trí nhớ, tăng sự tập trung thích hợp cho người luyện thi” hay “giúp trí nhớ tốt hơn để chuyên tâm học tập, giúp các bạn đạt kết quả tốt nhất trong các kỳ thi”…
Các loại TPCN với xuất xứ từ trong nước như Hoạt huyết Nhất nhất đến hàng nhập khẩu, xách tay từ Mỹ, Úc như Brain Fuel P, Focus R, Ginkgo B with Vinpocetine vốn dĩ vẫn mặc định dành cho người lớn tuổi, người mắc rối loạn tuần hoàn não… giờ được quảng cáo thêm chức năng “tăng cường trí nhớ” cho sĩ tử. Chưa kể việc, đến bất kỳ hiệu thuốc nào hỏi “thuốc bổ não, tăng tập trung” cho học sinh ôn thi cũng được nhiệt tình giới thiệu và bán không cần đơn như magie B6, Vinpocentine hay Piracetam…
Các phụ huynh như rơi vào mê trận với các loại “thuốc bổ não”, tuy nhiên, không ít gia đình “nhắm mắt” mua với quan niệm đã là thuốc bổ thì “không bổ ngang thì bổ dọc”. Chị Nguyễn Mai Linh (Láng Hạ, Hà Nội) có cô con gái năm nay thi vào lớp 10. Gần một năm nay gần như con không có ngày nghỉ, ngoài giờ lên lớp, chị cho con chạy sô các ca học. Chị Linh cho hay: “Không khác được, thi vào lớp 10 căng thẳng chẳng kém thi đại học. Con phải cố học thôi. Cô bạn bên Nhật nói có thuốc tăng cường trí não nên chị đã nhờ mua gửi về cho con”.
Teo não vì “thuốc bổ não”
Trao đổi với Báo Giao thông, BS. Lê Đào Nghĩa, BV Tâm thần Mai Hương cho rằng: “Hiện, chưa có loại thuốc nào có thể giúp học sinh tăng trí nhớ hay tăng khả năng học tập. Chỉ có những loại thuốc bổ não, điều trị sự suy giảm trí nhớ ở người già, người bị đột quỵ, chấn thương sọ não, Alzheimer... Do vậy, các gia đình cũng cần tỉnh táo cân nhắc trước những quảng cáo thổi phồng của sản phẩm có chức năng “bổ não”.
Theo BS. Lê Đào Nghĩa, khi sử dụng các loại thuốc bổ não, an thần hay tăng cường tuần hoàn não thường khiến người dùng có đầu óc tỉnh táo, tập trung cao độ trong thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, nguyên tắc của các loại thuốc kích thần kinh là sau giai đoạn kích thích sẽ là sự ức chế, mệt mỏi. Do vậy, nếu lạm dụng quá sẽ dẫn đến ảnh hưởng về tâm thần, gây chán ăn, mệt mỏi. Trường hợp sử dụng liên tục, kéo dài còn khiến người dùng phụ thuộc thuốc, thậm chí có thể gây teo não và nhiều tác dụng phụ khác.
“Các loại thuốc bổ não chỉ dùng với trường hợp thiếu hụt cần bổ sung theo sự chỉ dẫn, kê đơn của bác sĩ. Việc cha mẹ sử dụng các loại thuốc bổ não vô tội vạ cho con, không theo chỉ dẫn của bác sỹ có thể gây hại với các biểu hiện nhanh quên, buồn ngủ… Do vậy, cha mẹ tuyệt đối không nên cho con em sử dụng các loại thuốc này”, ông Nghĩa khuyến cáo.
Theo ông Nghĩa, việc phải ghi nhớ kiến thức là sự tích lũy trong quá trình học tập lâu dài, chứ không trông chờ vào việc dùng các loại thuốc bổ trong vài ngày, vài tuần mà có kết quả như mong muốn. Do vậy, để ôn thi hiệu quả, mỗi sĩ tử phải tự sắp xếp thời gian học và nghỉ ngơi cho phù hợp. Ăn đủ, ngủ đủ là hai yếu tố quyết định giúp cơ thể khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn, tỉnh táo. “Quan trọng nhất là cha mẹ không nên tạo sức ép để tránh tâm trạng lo lắng thái quá, ảnh hưởng đến sự tập trung và tâm trí của các sĩ tử khi ôn thi”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Dinh dưỡng giúp sĩ tử vượt vũ môn “Cần đảm bảo đủ ba bữa chính và các bữa phụ xen kẽ; Đồng thời, duy trì các hoạt động thể thao nhẹ nhàng, thư giãn như đi bộ, bơi lội. Tránh không dùng các thực phẩm có chất kích thích như: Nước tăng lực, coca cola, cà phê, nước chè đặc, nước ngọt có gas, các chế phẩm của nhân sâm… Nên ăn các loại quả như: Dưa hấu, chuối chín, đu đủ chín… có tác dụng cung cấp nước, các loại vitamin, muối khoáng, các acid amin, các chất chống ôxy hóa, giảm căng thẳng thần kinh”. BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận