Phát biểu với tờ Politico, bà Baerbock cho rằng, các nhà lãnh đạo Đức đã quá quan tâm đến các cuộc bầu cử trước thời hạn nên đã dành sự ưu tiên cho lợi ích quốc gia hơn so với trách nhiệm đảm bảo an ninh và hòa bình ở châu Âu.
Tuyên bố của bà Baerbock được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Đức Scholz được cho là đã bày tỏ quan điểm phản đối dành thêm một gói viện trợ quân sự mới trị giá 3,1 tỷ USD cho Ukraine. Theo ông Scholz gói viện trợ này là hoàn toàn không cần thiết.
Thủ tướng Đức tin tưởng Kiev vẫn còn đủ nguồn tài chính từ những lần đóng góp trước đó của Berlin. Ngoài ra, ông cũng không muốn có quan điểm tách biệt với các cử tri Đức ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu trước thời hạn.
Bà Baerbock cảnh báo việc thiếu sự ủng hộ cho Kiev có thể dẫn đến tình trạng Đức sẽ không còn được coi là động lực thúc đẩy chính sách hòa bình tại châu Âu và sự thiếu hụt lòng tin một lần nữa sẽ khiến nhiều quốc gia cảm thấy Đức không còn đứng về phía họ.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Đức cũng là người ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 3,5% GDP theo đề xuất của Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck. Song quan điểm này của ông Habeck đã vấp phải sự phản đối của Thủ tướng Scholz, người coi đây là một sáng kiến nửa vời gây thêm gánh nặng cho người dân Đức.
Hiện chi tiêu quốc phòng của Đức chỉ chiếm 2% GDP. Song Đức vẫn là một trong số quốc gia viện trợ quân sự nhiều nhất cho Kiev, chỉ sau Mỹ với tổng số tiền viện trợ từ tháng 1/2022 - 10/2024 đã đạt mức hơn 11 tỷ USD, theo Viện Nghiên cứu Kiel về Kinh tế Thế giới.
Chính phủ Đức đã quyết định giảm viện trợ quân sự cho Ukraine xuống còn hơn 4 tỷ USD trong năm 2025 so với mức hơn 7,5 tỷ USD trong năm 2024.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Scholz cũng không còn mặn mà trong việc cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine với lý do điều này có thể khiến căng thẳng leo thang và khiến Đức trở thành bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận