Hồ sơ tài liệu

Ngoại trưởng Mỹ đến Nga, hé lộ số phận Tổng thống Syria Assad

16/03/2016, 11:11

Ngoại trưởng Mỹ sắp có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Putin tại Moskva bàn về "bước tiếp theo" ở Syria.

tong-thong-syria-assad
Ngoại trưởng Mỹ thăm Nga được cho là thảo luận về số phận của Tổng thống Assad và việc liên bang hóa Syria. (Ảnh minh họa)

Liên quan đến tương lai của Syria, ngày 14/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm, thảo luận về tiến trình hòa bình ở đất nước này.

Trong cuộc điện đàm này, ông Obama hoan nghênh việc giảm thiểu bạo lực ở Syria nhưng không có nhận định gì về việc Nga rút quân.

Tuy nhiên, phía Mỹ khẳng định quá trình chuyển tiếp chính trị đòi hỏi phải chấm dứt bạo lực ở Syria. Truyền thông quốc tế đưa tin rằng, song phương có thảo luận về "bước tiếp theo" ở Syria nhưng không cụ thể.

Dường như để minh chứng cho việc chốt lại "bước tiếp theo" ở Syria, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho hay ông sẽ tới Moskva vào tuần tới và hội đàm với Tổng thống Putin.

Theo BBC, Ngoại trưởng Mỹ tiết lộ nội dung hội đàm là về việc Nga rút quân khỏi Syria và cơ hội hòa bình của đất nước này. Mặc dù vừa mới thăm Nga nhưng chuyến thăm tới đây của ông Kerry khiến giới truyền thông không khỏi đồn đoán về mục đích thực sự đằng sau "bước tiếp theo" này.

Cụ thể, động thái rút quân của Nga ngày 15/3 được cho là nhằm ép Tổng thống Assad chấp nhận nhà nước liên bang. Trong khi đó, ông Kerry "vội vàng" quay trở lại Nga lại dấy lên nghi ngờ về việc song phương sẽ bàn thảo kế hoạch "chia cắt Syria".

Bên cạnh đó, trước chuyến thăm Nga, ông Kerry cảnh báo rằng chỉ có một tiến trình chuyển tiếp chính trị thực thụ mới đem lại hòa bình lâu dài cho Syria. Ngoài ra, tiến trình này cần "rời xa" chế độ của Tổng thống Assad.

Trong một diễn biến khác, ngày hôm nay (16/3), cuộc đàm phán hòa bình ở Syria đã bước sang ngày thứ 2. Tại đàm phán, phe đối lập hoan nghênh lệnh rút quân của Nga và cho rằng động thái này sẽ chấm dứt chiến tranh cũng như "chế độ độc tài, tội ác của Assad".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.