Chấp nhận đề xuất của Mỹ
Hãng tin AP cho biết tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được đưa ra sau khi ông trao đổi với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc họp kéo dài 2 tiếng rưỡi ở Israel vào ngày 19/8.
"Hôm nay tôi và Thủ tướng Netanyahu đã có cuộc họp rất mang tính xây dựng. Ông ấy đã xác nhận với tôi rằng Israel ủng hộ đề xuất bắc cầu. Bước quan trọng tiếp theo là Hamas phải đồng ý", ông Blinken nói với các phóng viên tại Tel Aviv.
Tuy nhiên, ông cho rằng ngay cả khi Hamas chấp nhận đề xuất, các nhà đàm phán vẫn sẽ dành những ngày tới để làm rõ các nội dung trong quá trình thực hiện thỏa thuận bởi vẫn còn những vấn đề phức tạp, đòi hỏi quyết định cứng rắn từ các nhà lãnh đạo.
Ngoại trưởng Mỹ không nói chi tiết cụ thể liên quan đến đề xuất thỏa thuận mới, không nêu rõ liệu đề xuất này có giải quyết được yêu cầu của Israel về kiểm soát hai hành lang chiến lược bên trong Gaza mà Hamas phản đối hay không, cũng như nhiều trở ngại khác phát sinh trong quá trình đàm phán.
Trước đó khi hội đàm với Tổng thống Israel Isaac Herzog, ông Blinken cho biết: "Đây là thời điểm mang tính quyết định, có lẽ là cơ hội tốt nhất, có thể là cơ hội cuối cùng, để đưa các con tin về nhà, đạt được lệnh ngừng bắn, hướng tới hòa bình và an ninh lâu dài".
Ông cũng tuyên bố phải đảm bảo không ai thực hiện những hành động làm chệch hướng tiến trình này, vì thế các bên đang nỗ lực để đảm bảo không có leo thang căng thẳng, không có khiêu khích, không mở rộng phạm vi hay mức độ xung đột và không có những hành động cản trở thỏa thuận nêu trên.
Theo hãng tin AP, lời nói này ám chỉ tới Iran, quốc gia tuyên bố sẽ trả đũa Israel sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh.
Nỗ lực thúc đẩy lệnh ngừng bắn cũng càng được đẩy mạnh khi các bên kỳ vọng nếu đạt được thỏa thuận mới sẽ xoa dịu Iran và lực lượng Hezbollah, trong bối cảnh quan ngại căng thẳng bùng nổ thành một cuộc chiến tranh trong khu vực.
Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu cho biết ông đã có cuộc họp hết sức tốt đẹp và quan trọng với Ngoại trưởng Blinken, đánh giá cao sự quan tâm của Mỹ đối với lợi ích an ninh của Israel và nỗ lực chung trong giải thoát con tin.
Ông nói thêm, các bên đang nỗ lực hết sức để giải thoát nhiều con tin nhất có thể trong giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn.
Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Nentanyahu ngày 19/8 cũng ra thông báo cho biết: "Thủ tướng tái khẳng định cam kết của Israel đối với đề xuất hiện tại của Mỹ về việc thả các con tin, trong đó cân nhắc đến các nhu cầu an ninh của Israel, điều ông đã kiên quyết phải đảm bảo".
Tuyên bố đánh dấu lần đầu tiên Thủ tướng Israel công khai ủng hộ đề xuất do Mỹ đưa ra tại cuộc đàm phán kéo dài hai ngày ở Doha, Qatar tuần trước.
Dự kiến sau cuộc họp với ông Netanyahu ở Tel Aviv (Israel), Ngoại trưởng Mỹ sẽ tới Ai Cập và Qatar trong ngày 21/8 để đàm phán thêm. Đây là những bên trung gian hòa giải đã nỗ lực suốt nhiều tháng qua để chấm dứt xung đột ở Gaza, bất chấp các cuộc đàm phán liên tục đình trệ.
Nhiều lo ngại về đề xuất "bắc cầu"
Cuối tuần trước, ba quốc gia làm trung gian cho đề xuất lệnh ngừng bắn (Ai Cập, Qatar và Mỹ) đã báo cáo tiến triển đối với bản đề xuất thỏa thuận "bắc cầu".
Đề xuất này sẽ buộc Israel dừng hầu hết các hoạt động quân sự ở Gaza và thả một số tù nhân Palestine để đổi lấy các con tin Israel.
Theo báo The Times of Israel, đề xuất "bắc cầu" của Mỹ đối với thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza thiếu vắng hai điểm mấu chốt ông Netanyahu luôn nhấn mạnh, bao gồm duy trì sự hiện diện của quân đội Israel ở biên giới Gaza-Ai Cập và ban hành cơ chế kiểm soát ngăn không cho lực lượng Hamas trở lại phía bắc Gaza.
Tờ báo Israel này cũng cho biết, chỉ khi Israel và Mỹ đồng thuận về hai điểm mấu chốt trên thì Ai Cập và Qatar mới có thể gây áp lực buộc Hamas chấp nhận thỏa thuận.
Ngay trước khi Ngoại trưởng Mỹ tới Israel vào hôm 18/8, ông Netanyahu đã họp với nội các chính phủ, cho rằng có những điều khoản Israel có thể linh động, bên cạnh những điều khoản mà Israel không thể linh động được nhưng không nói cụ thể.
Mỹ và các bên trung gian bày tỏ lạc quan, cho rằng thỏa thuận đã cận kề trước mắt. Tuy nhiên Hamas vẫn bày tỏ bất mãn sâu sắc với đề xuất mới nhất.
Hamas thậm chí tuyên bố mất niềm tin vào Mỹ với vai trò là trung gian hòa giải, cáo buộc các nhà đàm phán Mỹ đứng về phía Israel với những yêu cầu mới mà phong trào này đã bác bỏ.
Hamas cáo buộc Israel muốn đưa ra thêm những yêu cầu mới khiến xung đột kéo dài như duy trì hiện diện quân sự dọc theo biên giới Gaza-Ai Cập để ngăn chặn trao đổi vũ khí và dọc theo đường phân chia lãnh thổ ở Gaza để có thể khám xét người Palestine trở về nhà ở phía bắc.
Ngoài ra, Hamas còn khẳng định đề nghị mới nhất của các bên trung gian chẳng khác nào yêu cầu hãy đầu hàng trước Israel.
"Đề xuất mới chỉ đáp ứng các điều kiện của ông Netanyahu," Hamas cho hay.
Israel bước đầu cho biết đây không phải là những yêu cầu mới mà chỉ là những nội dung giải thích rõ hơn cho một đề xuất trước đó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận