Thời sự Quốc tế

Ngoại trưởng Nga nói phương Tây đã "đánh cắp" 300 tỷ USD từ Moscow

Hơn 300 tỷ USD tài sản của Nga, phần lớn là tiền thanh toán dầu mỏ và khí đốt, đã bị đóng băng tại các ngân hàng châu Âu.

Nga buộc phải thay đổi để không còn bị "đánh cắp" tài sản

Ngày 1/5, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Mediaset của Italia, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng hơn 300 tỷ USD tài sản của Moscow đã bị phương Tây "đánh cắp" vì phần lớn trong số đó là các khoản thanh toán dầu mỏ và khí đốt Nga mà Tập đoàn năng lượng quốc doanh Nga Gazprom buộc phải thực hiện giao dịch thanh toán qua tài khoản tại các ngân hàng châu Âu.

Ngoại trưởng Nga cho biết nếu tình hình không thay đổi thì phương Tây sẽ có thể "đánh cắp" tài sản Nga bất cứ lúc nào, do đó phía Nga buộc phải đề xuất cơ chế thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.

img

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh - TASS

“Trước đây, Gazprom buộc phải gửi tiền thanh toán khí đốt tại các tài khoản ở các ngân hàng châu Âu (theo quy định của phương Tây). Nhưng nay chúng tôi đề xuất việc thanh toán chỉ được coi là đã hoàn thành khi Gazprombank nhận được Euro hay USD và các ngoại tệ này được chuyển thành đồng ruble, để không thể bị đánh cắp”, theo ông Lavrov.

Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh việc thanh toán với các đối tác không có gì thay đổi. Các đối tác vẫn thanh toán khí đốt Nga bằng các đơn vị tiền tệ Euro hoặc USD và việc chuyển đổi sang đồng ruble sẽ được thực hiện tại Nga.

Hungary: 10 quốc gia thuộc EU đã chấp thuận thanh toán bằng đồng ruble

Trong một diễn biến liên quan, phát biểu trên kênh radio ngày 1/5, Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary Gergely Gulyas cho biết 10 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã chấp thuận yêu cầu thanh toán khí đốt Nga bằng đồng ruble về mặt kỹ thuật.

Ông Gulyas cho biết Hungary đã mở một tài khoản Euro tại ngân hàng quốc doanh của Nga Gazprombank, sau đó đơn vị này sẽ chuyển ngoại tệ thanh toán thành đồng ruble và chuyển giao cho các nhà cung cấp năng lượng của Nga.

Theo ông Gulyas, “9 quốc gia khác cũng đang sử dụng cơ chế thanh toán tương tự” nhưng không công khai về việc chấp thuận cơ chế thanh toán được đề xuất bởi Nga. Quan chức Hungary không đề cập cụ thể danh sách các quốc gia EU này.

Hồi tuần trước, hãng Bloomberg đưa tin 10 quốc gia EU đã mở tài khoản tại Gazprombank và 4 quốc gia đã thực hiện thanh toán khí đốt Nga theo cơ chế mới.

Hungary hoàn toàn phụ thuộc vào Nga về lượng khí đốt nhập khẩu, do đó, quốc gia này phản đối đề xuất trừng phạt lĩnh vực năng lượng của Nga. “Chúng ta không thể áp dụng các lệnh trừng phạt mà chủ yếu là tự phạt mình thay vì những đối tượng chúng ta muốn trừng phạt”, ông Gulyas nói, đề cập tới tình trạng giá năng lượng tăng cao tại châu Âu.

Do đó, dù Hungary lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, ông Gulyas cho biết quốc gia này vẫn sẽ tiếp tục mua năng lượng với giá thấp nhất có thể để giảm chi phí cho người dân.

Trước đó, Gazprom đã ngừng cung cấp khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria sau khi hai quốc gia này từ chối thanh toán bằng đồng ruble.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.