Trong cuộc phỏng vấn mới đây với báo Le Parisien của Pháp, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba không nêu cụ thể những quốc gia đang bí mật hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong xung đột với Nga mà chỉ cho biết trong những trường hợp hỗ trợ bí mật này, vũ khí sẽ được chuyển giao qua bên thứ ba.
Ngoại trưởng Ukraine đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh một số hãng truyền thông phương Tây đưa tin nhiều thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang dần cạn kiệt vũ khí sau khi liên tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Vũ khí, trang thiết bị quân sự do một số quốc gia hỗ trợ cho Ukraine được vận chuyển tới sân bay Borispol gần thủ đô Kiev. Ảnh - Getty
Trong bài viết mới đây, hãng tin New York Times dẫn lời một quan chức NATO cho biết hiện nay, chỉ một số “nước lớn” trong số các thành viên của liên minh như Pháp, Đức, Italia, Hà Lan vẫn còn khả năng duy trì hoặc tăng lượng vũ khí hỗ trợ cho Ukraine. Trong khi đó, một số “quốc gia nhỏ hơn đã cạn kiệt vũ khí”.
Ngày 27/11 khi trả lời phỏng vấn với báo Welt an Sonntag của Đức, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận người dân tại nhiều quốc gia châu Âu đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột tại Ukraine như giá lương thực, thực phẩm, năng lượng tăng cao.
Tuy nhiên, ông Stoltenberg vẫn khẳng định quan điểm các thành viên NATO và đồng minh là cần đẩy mạnh hỗ trợ Ukraine, cho rằng phương Tây có thể “củng cố vị thế của Ukraine trên bàn đàm phán nếu tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev”.
Kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine vào cuối tháng 2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã cung cấp hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine.
Về phần mình, Nga cảnh báo việc phương Tây “bơm” vũ khí cho Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài mà không thể thay đổi kết cục cuối cùng đồng thời gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận