Tại sao Israel lại là cường quốc về vườn ươm công nghệ và đổi mới sáng tạo? - Moment Magazine đã đặt ra câu hỏi này khi đăng bài viết về công nghệ của Israel - một quốc gia Trung Đông trên biển Địa Trung Hải.
Tạp chí Moment cho biết, kể từ năm 1966, 13 người Israel đã được trao giải Nobel. Vào năm 2022, công nghệ Israel đã thu hút khoảng 17 tỷ USD đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.
Chưa hết, số lượng kỳ lân của Israel (các công ty tư nhân trị giá hơn 1 tỷ USD) được ước tính vào khoảng 70 công ty. Ngoài ra, Israel có số lượng công ty cao thứ ba (sau Mỹ và Trung Quốc) trên Thị trường chứng khoán Nasdaq của Mỹ.
Và trong những năm qua, khoảng 300 tập đoàn đa quốc gia đã mở văn phòng tại Israel để hưởng lợi từ năng lực Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của nước này.
Tại sao Israel lại thành công như vậy trong thế giới công nghệ? Để có được những thành tựu này, ngay từ cuối những năm 1980, Chính phủ Israel bắt đầu hỗ trợ phát triển công nghệ cao thông qua Cơ quan Đổi mới Israel (IIA) - một cơ quan độc lập nhưng được chính phủ tài trợ.
IIA hiện cung cấp nhiều hỗ trợ khác nhau, từ "vườn ươm" cho các giai đoạn đổi mới ban đầu đến cung cấp đào tạo và nguồn vốn hạt giống để kết nối các công ty khởi nghiệp với các nhà tài trợ ở Israel và nước ngoài.
Ngoài ra, một số trường đại học của Israel - được xếp hạng trong số các trường đại học hàng đầu thế giới - chịu trách nhiệm đào tạo phần lớn các nhà sáng lập khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, cũng như các nhà khoa học và kỹ sư của Israel.
Israel, được mệnh danh là Quốc gia khởi nghiệp, đã có những sáng chế vượt bậc như thế nào cho thế giới? Sau đây là những phát kiến khoa học-công nghệ của Israel:
Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt
Iron Dome được phát triển bởi hai công ty Israel là Hệ thống Phòng thủ Tiên tiến Rafael và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel.
Ảnh minh họa.
Iron Dome (Vòm Sắt) có khả năng phát hiện tên lửa tầm ngắn và súng cối đang lao tới; đánh giá mối đe dọa và điều động tên lửa tốc độ cao để đánh chặn, tiêu diệt bất cứ thứ gì được xác định là nguy hiểm.
Ứng dụng dẫn đường thời gian thực Waze
Năm 2006, các doanh nhân Israel Ehud Shabtai, Amir Shinar và Uri Levine đã phát triển cơ sở dữ liệu kỹ thuật số phi thương mại để giúp các tài xế rút ngắn thời gian di chuyển tại Israel.
Ngày nay, đó là Waze, ứng dụng lái xe thời gian thực hiện thuộc sở hữu của Google và được 140 triệu người trên toàn thế giới sử dụng mỗi tháng.
Người dùng có thể báo cáo tai nạn giao thông, mối nguy hiểm trên đường, hoạt động của cảnh sát, sự kiện đường phố và thậm chí cả giá xăng.
Waze sử dụng dữ liệu để liên tục cập nhật bản đồ của mình, chỉ tuyến đường nhanh nhất.
Công nghệ lái xe an toàn Mobileye
Ô tô không phải lúc nào cũng có camera và Mobileye có thể giúp cảnh báo tài xế khi xe đang di chuyển quá gần một xe khác.
Nghiên cứu của giáo sư Đại học Do Thái Amnon Shashua về hệ thống thị giác một mắt đã khiến ông thành lập Mobileye vào năm 1999 và phát triển vô số công nghệ lái xe an toàn. Ngày nay Mobileye đang nhắm đến các phương tiện bán tự động và tự động.
Hệ thống tưới nhỏ giọt Netafim
Phát minh này của Israel đã thay đổi thế giới nông nghiệp. Câu chuyện bắt đầu từ hai cha con Simcha Blass và con trai.
Simcha Blass và con trai Yeshayana Blass tình cờ nhìn thấy một cái cây ở Israel dường như đang phát triển mà không có nước. Sau đó, họ lại phát hiện ra một đường ống nước ngầm bị rò rỉ, cung cấp cho nó một lượng nhỏ nước. Điều này khiến Blass phát minh ra hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại, nhờ đó giảm lượng nước sử dụng và thay đổi thế giới nông nghiệp.
Ông hợp tác với Kibbutz Hatzerim vào giữa những năm 1960 để thành lập công ty Netafim và cấp bằng sáng chế cho công nghệ vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.
Camera siêu nhỏ Pillcam
Một camera siêu nhỏ có hình dáng của một viên thuốc con nhộng có khả năng chụp ảnh ruột của bệnh nhân và phát hiện các dấu vết sớm của bệnh ung thư.
Pillcam chỉ nhỏ bằng viên thuốc con nhộng. Ảnh: Internet
Đây là Pillcam, một phương pháp không xâm lấn có thể chẩn đoán các bệnh về hệ tiêu hóa do kỹ sư người Israel Gavrial Iddan và bác sĩ tiêu hóa người Israel Eitan Scapa phát minh.
Tất cả những gì bệnh nhân cần làm là nuốt "thuốc con nhộng" Pillcam và để nó phát hiện các dấu hiệu bệnh, nếu có.
Ứng dụng tin nhắn tức thời ICQ
ICQ (viết tắt của "I seek you") là ứng dụng tiên phong trong dịch vụ nhắn tin tức thời. Nó được phát triển vào năm 1996 bởi Mirabilis - một công ty Israel do Arik Vardi, Yair Goldfinger, Sefi Vigiser và Amnon Amir thành lập, họ gặp nhau khi làm việc tại Zapa Digital Arts ở thành phố Tel Aviv, Israel.
Cho đến khi ICQ được nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến của Mỹ (AOL) mua lại vào năm 1998, đây là một trong những đối thủ cạnh tranh chính của AOL Instant Messenger.
Ổ đĩa flash USB
Ổ đĩa flash USB hay được hai nhà phát minh/doanh nhân người Isreal Dov Moran và Aryeh Mergi phát minh. Trong đó, Dov Moran là một trong những nhà lãnh đạo công nghệ cao nổi bật nhất của Israel.
Thiết bị phát hiện ung thư SniffPhone
SniffPhone là một thiết bị cầm tay nhỏ gọn có chức năng đo hơi thở ra để chẩn đoán sớm bệnh ung thư, cụ thể là ung thư dạ dày và phổi.
SniffPhone có chức năng đo hơi thở ra để chẩn đoán sớm bệnh ung thư. Ảnh: Sniffphone.eu
Thiết bị cảm biến nhỏ này được phát triển để sàng lọc ung thư và có thể gắn vào điện thoại thông minh. Trong thực tế, người dùng giữ thiết bị trước miệng và thở ra vào cảm biến để lấy mẫu hơi thở.
Sáng chế này của Kỹ sư hóa học người Israel Hossam Haick của Viện công nghệ Technion (Israel) và Giáo sư Nir Peled của Đại học Tel Aviv.
Trang phục hỗ trợ cho người bị liệt
Doanh nhân người Israel Amit Goffer đã phát minh ra ReWalk sau một vụ tai nạn xe hơi năm 1997 khiến ông bị liệt tứ chi.
ReWalk là một trang phục có thể giúp người bị liệt đứng, đi lại và leo cầu thang.
Mặc dù bộ đồ ReWalk cực kỳ đắt tiền (lên tới 70.000 USD), nhưng nó vẫn được sử dụng ở một số bệnh viện dành cho những bệnh nhân đang hồi phục sau đột quỵ và chấn thương tủy sống.
In 3D trái tim - đột phá y học thế giới
Số lượng ca ghép tim ở Mỹ và các nơi khác tăng lên hàng năm, nhưng số lượng người hiến tặng không thể theo kịp nhu cầu. Điều này khiến công trình của các nhà khoa học thuộc Đại học Tel Aviv (Israel) tạo ra trái tim in 3D trở nên đột phá.
Vào năm 2019, bằng cách sử dụng mô từ tim người, Giáo sư Tal Dvir và nhóm của ông đã chuyển đổi tế bào mỡ thành tế bào gốc và cuối cùng thành tế bào tim được sử dụng để tạo ra "mực in sinh học".
Nhóm nhà khoa học Israel tạo nên "đột phá trong y học: Khi in 3D trái tim thành công. Ảnh: 3dnatives
Từng lớp một, máy in đã tạo nên cơ quan nhỏ bé (có kích thước bằng trái tim thỏ), hoàn chỉnh với mạch máu. Mở rộng quy mô thành một trái tim con người hoạt động đầy đủ là mục tiêu cuối cùng của nhóm Tal Dvir.
Năm 2019, nhóm của giáo sư Tal Dvir đã tạo ra "bước đột phá trong y học" khi in 3D trái tim đầu tiên trên thế giới, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân tim trong tương lai.
Nguồn: Moment Magazine
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận