Làng Ubang ở Negeria khiến cho mọi người vô cùng sửng sốt khi biết được đàn ông và phụ nữ lớn lên cùng nhau trong một cộng đồng nhưng lại nói 2 ngôn ngữ khác nhau.
Không rõ chính xác tỉ lệ các từ khác nhau trong ngôn ngữ của đàn ông và phụ nữ ở đây nhưng trong cách nói thường ngày của họ, cùng một thứ đồ vật nhưng sẽ có 2 cách nói khác nhau. Ví dụ, đối với từ “quần áo”, đàn ông dùng từ “nki”, trong khi phụ nữ nói “ariga”, hay từ “cây”, đàn ông nói “kitchi”, phụ nữ nói “okweng”.
Đây không chỉ là một số khác biệt nhỏ về cách phát âm mà còn là các từ hoàn toàn khác nhau. Sự khác biệt này đã tồn tại trong thời gian dài đến mức khi nói ra ai cũng có thể hiểu được.
Nhà nhân chủng học Chi Chi Undie nói với trang BBC: “Nó giống như 2 từ vựng khác nhau. Có rất nhiều từ đàn ông và phụ nữ nói chung nhưng cũng có những từ khác nhau tuỳ thuộc vào giới tính. Những từ ngữ này về cơ bản khác nhau hoàn toàn”.
Mặc dù có sự khác biệt hoàn toàn nhưng mọi người đều hiểu những gì đối phương nói. Ngay từ nhỏ, các bé trai và bé gái lớn lên trong môi trường xung quanh mọi người nói chuyện với nhau bằng 2 thứ ngôn ngữ khác biệt. Thế nhưng, mãi cho đến khi 10 tuổi, các bé trai mới nói được ngôn ngữ của riêng mình.
“Sẽ đến một lúc đàn ông sẽ phát hiện ra mình đã sử dụng không đúng ngôn ngữ. Chẳng có ai nói với họ nên đổi sang ngôn ngữ của đàn ông. Khi họ bắt đầu nói ngôn ngữ thuộc giới tính nam, điều này chứng tỏ họ dần trưởng thành”, tộc trưởng Oliver Ibang cho biết.
Không ai biết làm thế nào hoăc tại sao có truyền thống nói 2 ngôn ngữ tại làng Ubang. Hầu hết người dân tại đây tin vào thuyết tôn giáo do Chúa tạo ra Adam và Eva. Chúa đã ban cho họ 2 ngôn ngữ khác nhau này. Đặc biệt, họ tin rằng, Chúa ban đầu có dự định cho mỗi nhóm dân tộc 2 ngôn ngữ nhưng nhận ra không có đủ ngôn ngữ nên chỉ ban cho mỗi làng Ubang. Chính vì thế, làng Ubang trở nên khác biệt so với những cộng đồng khác trên thế giới.
Nhà nhân chủng học Chi Chi Undie tin rằng, 2 ngôn ngữ này là kết quả của “văn hóa 2 giới tính”, nơi đàn ông và phụ nữ hoạt động trong 2 lĩnh vực riêng biệt và sống trong những thế giới khác nhau.
Ngày nay, khi tiếng Anh dần phổ biến ở những người trẻ tuổi Nigeria, 2 ngôn ngữ ở làng Ubang có nguy cơ bị biến mất vĩnh viễn. Vì 2 thứ ngôn ngữ này đều không được viết ra, chỉ được truyền miệng qua từng thế hệ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận