Với hệ thống này, rất nhiều công việc do con người trực tiếp thực hiện như hiện nay (Quản lý khai thác hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn, xử lý vi phạm…) sẽ được công nghệ, phần mềm chuyên dụng làm thay. Trước mắt, ITS sẽ được đầu tư song hành cùng quá trình xây dựng cao tốc Bắc - Nam.
Bài học từ đầu tư ITS manh mún
Được đưa vào khai thác năm 2010, đến nay một loạt vấn đề liên tiếp xuất hiện tại tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, lộ nhiều bất cập trong khâu quản lý vận hành. Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ VN) vừa phải có kế hoạch để sửa chữa, phục hồi hệ thống ITS trên tuyến cao tốc này trong năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ IV cho biết, hệ thống ITS tuyến TP HCM - Trung Lương được đưa vào sử dụng năm 2013 do nhà thầu Hàn Quốc lắp đặt.
Năm 2017, hệ thống bị hư hỏng khá nặng, cáp bị đứt, nguồn điện không ổn định, lỗi camera… khiến hệ thống bảng thông tin điện tử, camera quan sát, hệ thống đếm xe gần như bị tê liệt.
Việc thuê chuyên gia nước ngoài khắc phục, sửa chữa phần mềm tiêu tốn nguồn kinh phí rất lớn. Do đó, việc sửa chữa chỉ do các đơn vị trong nước thực hiện nên gặp nhiều khó khăn.
“Từ bài học lệ thuộc công nghệ nước ngoài, giai đoạn 2 sẽ đầu tư xây dựng mới hệ thống ITS bằng công nghệ trong nước để bảo đảm duy trì tốt. Việc này tốn khoảng 2,5 tỷ đồng từ Quỹ Bảo trì đường bộ”, ông Thành thông tin.
Việc vận hành hệ thống ITS không hiệu quả, cùng với việc tuyến cao tốc này dừng thu phí từ đầu năm 2019 khiến lượng phương tiện từ QL1 đổ dồn quá lớn.
Điều đó khiến tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương được đầu tư gần 10.000 tỷ đồng luôn trong tình trạng quá tải, mặt đường xuống cấp, nhiều đoạn hư hỏng.
Chuyện ITS gặp nhiều khúc mắc cũng xảy ra ở nhiều tuyến cao tốc khác. Năm 2015, hệ thống giám sát xử lý vi phạm ATGT đầu tư theo hình thức xã hội hóa lần đầu được triển khai tại Việt Nam trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai đoạn Hà Nội - Phú Thọ.
Để việc “phạt nguội” vi phạm giao thông qua hệ thống camera được nhanh chóng triển khai, giảm bớt áp lực cho lực lượng CSGT trên đường, Tập đoàn FPT đã ứng trước 60 tỷ đồng để lắp đặt, hoàn thiện hệ thống.
Sau hơn 2 năm triển khai, việc thí điểm mang lại hiệu quả, hệ thống phát hiện nhiều trường hợp vi phạm trên tuyến và được lực lượng CSGT dùng để xử phạt.
Tuy nhiên, do không có cơ chế và tìm được nguồn để hoàn vốn cho Tập đoàn FPT nên Tập đoàn này đã phải “cay đắng” tháo dỡ trang thiết bị đã lắp đặt.
Đánh giá về hệ thống ITS của Việt Nam, TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện nhiều nước trên thế giới ứng dụng công nghệ giám sát, điều chỉnh, can thiệp vào hướng dẫn, tổ chức giao thông, phản ứng với các sự cố trên các tuyến cao tốc rất hiệu quả.
Họ sử dụng phần mềm chuyên dụng để thu thập dòng giao thông trên tuyến. Khi có sự cố, hệ thống sẽ tự động điều chỉnh thông qua hệ thống báo hiệu, hướng dẫn trên tuyến, có thể mở hay đóng làn, giảm tốc độ lưu thông để điều tiết lưu lượng.
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, ở Việt Nam vẫn còn ở mức sơ khai, mới chỉ có camera theo dõi, còn việc phân tích, tổng hợp, sau đó can thiệp điều chỉnh chưa thực hiện được.
Theo ông Minh, không chỉ đối với cao tốc, ngay cả các tuyến quốc lộ trọng điểm, chúng ta cũng cần chú trọng đầu tư ITS. Không nên chỉ chú ý đến đầu tư hạ tầng mà quên đi đầu tư ITS để khai thác có hiệu quả tuyến đường.
Ở góc độ chuyên gia, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam cho rằng, việc đầu tư ITS ở Việt Nam còn manh mún, chưa hoàn chỉnh từ phần mềm đến thiết bị. Tuyến hiện đại nhất cũng chỉ đầu tư được thiết bị camera theo dõi điều hành theo cách thủ công.
Hệ thống ITS cũng không tương tác được với nhau nên chưa có mô hình ITS quản lý tập trung, khó liên thông kết nối giữa các tuyến, các vùng với nhau. Tuy có phần mềm đếm lưu lượng xe nhưng lại của nước ngoài và không tích hợp được với hệ thống khác của Việt Nam.
Giảm nhân lực, tối ưu hiệu quả
Để nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành cao tốc bằng ITS, ông Đỗ Bá Dân cho rằng, cần đẩy mạnh công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) trong phân tích video từ camera. Công nghệ AI sẽ phát hiện được tất cả các tình huống trên tuyến như: TNGT, sự cố, đi ngược chiều, vật thể rơi... Ở Việt Nam đã làm chủ được công nghệ này.
“Để làm được điều này, Bộ GTVT cần ban hành chuẩn về phần mềm ITS theo chuẩn quốc tế, đảm bảo khả năng kết nối tích hợp chung.
Cùng đó, hệ thống thiết bị phải đáp ứng theo chuẩn để khi các hãng công nghệ triển khai hệ thống thiết bị tuân theo chuẩn này”, ông Dân nói và cho rằng, kịch bản điều hành ITS phải động, phần mềm phải có khả năng định nghĩa được các kịch bản động.
“Khi có sự cố, hệ thống phần mềm sẽ tự động phát hiện và cảnh báo qua các phương tiện truyền thông bằng cách nhắn tin vào điện thoại hay cảnh báo lên màn hình điện tử.
Với kịch bản sự cố, máy sẽ tự động đưa ra các cảnh báo, công việc cần phải làm và tự động đưa ra phương án xử lý cho người ra quyết định. Người quản lý chỉ việc lựa chọn cảnh báo trên màn hình, sau đó hệ thống sẽ tự động thực hiện hàng loạt các công việc để điều hành giao thông”, ông Dân nói.
Đề cập đến công tác xử lý vi phạm, ông Dân cho rằng, khi ITS được ứng dụng đầy đủ, hệ thống bắn tốc độ, hệ thống camera được cài đặt các hành vi đi lấn làn, quá tốc độ, đi ngược chiều, vượt quá tải trọng... hình ảnh dữ liệu vi phạm giao thông trên tuyến sẽ được “đóng gói” thành phiếu xử phạt tự động gửi tới lực lượng CSGT, thậm chí tự động tạo thành biên bản xử phạt.
Lúc này sẽ chuyển sang hình thức xử “phạt nguội”, góp phần thay thế sức người, không cần lực lượng CSGT phải rải người trên đường. Nếu chủ phương tiện chưa nộp phạt, hệ thống sẽ cảnh báo và không cho đi vào đường cao tốc.
Nhìn nhận về đầu tư ITS tuyến cao tốc Bắc - Nam đang được Bộ GTVT triển khai, ông Dân cho rằng, tuyến cao tốc này nên liên thông nhiều đoạn tuyến khác nhau. Nếu triển khai tốt ITS sẽ là điển hình để nhân rộng ra các tuyến khác vì có sự liên thông liên tuyến, ở nhiều vùng miền.
“Từ ứng dụng ITS trên các tuyến cao tốc, có thể mở rộng ra các tuyến quốc lộ trọng điểm. Khi các trung tâm vùng kết nối với nhau sẽ thấy được bức tranh giao thông tổng thể toàn quốc. Lãnh đạo Bộ GTVT có thể ngồi nhìn được tổng thể tình trạng giao thông trên nhiều tuyến đường.
Giả sử trên tuyến nào đó có vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, lãnh đạo Bộ có thể điều hành, chỉ đạo trực tiếp xử lý trên tuyến. Tiến tới, cung cấp thông tin ITS cho người dân, giúp người dân biết được tình trạng giao thông trên nhiều tuyến để đưa ra quyết định trước khi tham giao giao thông”, ông Dân nói.
Đầu tư đồng bộ từ đầu dự án
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Văn Dương, Quyền Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) cho biết, hệ thống giao thông thông minh sẽ được Bộ GTVT đầu tư đồng bộ ngay từ đầu dự án.
Đơn cử như tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang triển khai, Bộ GTVT đã cho phép lập dự án ITS tách riêng thành một hạng mục song hành với đầu tư xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam.
Theo ông Dương, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành GTVT, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ”.
Trong đó sẽ hình thành 3 trung tâm điều hành giao thông tại 3 khu vực Bắc - Trung - Nam. Các trung tâm tuyến sẽ được kết nối với các trung tâm khu vực. Khắc phục được tình trạng đầu tư manh mún, đơn lẻ trên cao tốc trước đây.
“Hiện tiêu chuẩn kết nối, tiêu chuẩn công nghệ đã đầy đủ, vấn đề là hình thành được mô hình quản lý khai thác. Hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc trước đây phụ thuộc công nghệ nhiều nước khác nhau, không kết nối được, dẫn đến quản lý chưa bài bản.
Tuyến cao tốc Bắc - Nam hiện chúng ta đã làm chủ được công nghệ nên việc quản lý, vận hành cao tốc sẽ bài bản hơn”, ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương, để quản lý tốt các tuyến cao tốc, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ VN xây dựng đề án vận hành, quản lý, khai thác hệ thống ITS và giao nhiệm vụ cụ thể cho các chủ thể quản lý có năng lực đáp ứng yêu cầu trong vận hành, khai thác công trình.
Những nội dung này được đưa vào dự thảo Luật GTĐB để có hành lang pháp lý ứng dụng giao thông thông minh, hình thành được các dự án để triển khai.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng:
Cần tư duy hiện đại về đường cao tốc
Nhiều tuyến cao tốc như TP HCM - Trung Lương, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai do quản lý không tốt đã thành đường thường. Xây dựng được kết cấu hạ tầng giao thông là quan trọng, nhưng để khai thác hiệu quả con đường, việc quản lý, vận hành, tổ chức giao thông khoa học cũng quan trọng không kém.
Đường cao tốc phải được quản lý, vận hành, khai thác đúng nghĩa của đường cao tốc. Cần hoàn thiện hơn chính sách về đường cao tốc, có cơ quan quản lý chuyên môn hóa từ đầu tư, vận hành khai thác và phát triển đường cao tốc.
Giao thông hiện đại là có hệ thống giao thông thông minh, thân thiện môi trường, gắn với giao thông kinh tế số, kỹ thuật số.
Muốn vậy, cần có hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng, đào tạo đội ngũ công nghệ đáp ứng yêu cầu. Cần có tư duy về hệ thống đường cao tốc hiện đại ngay từ bây giờ nếu không sẽ ngày càng tụt hậu.
Ông Tô Nam Toàn (Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Đường bộ VN):
Trình đề án trong tháng 8
Trong tháng 8/2020, Tổng cục sẽ trình Bộ GTVT đề án quản lý, vận hành giao thông trên cao tốc. Trong đó, sẽ có giải pháp quản lý, vận hành tổng thể các tuyến cho các tuyến cao tốc hiện tại và tương lai.
Đối với công nghệ thu phí, chỉ lựa chọn một trong hai nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng đã được Bộ GTVT lựa chọn, không phát sinh nhà cung cấp dịch vụ mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận