Hiện, các dữ liệu về tàu biển đều được cập nhật trực tuyến để phục vụ chủ tàu và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giám sát, quản lý tàu biển |
Quản lý từ xa bằng công nghệ giúp ngành Đăng kiểm từng bước tiếp cận gần hơn với người dân, doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc can thiệp của con người vào kết quả kiểm định và minh bạch hóa thông tin, hạn chế tối đa tiêu cực.
Giám sát online toàn hệ thống
Phòng Kiểm định xe cơ giới nằm trong trụ sở chính của Cục Đăng kiểm VN có một điểm riêng biệt so với các bộ phận khác do được trang bị hàng chục màn hình điện tử cỡ lớn. Tại đây, luôn hiển thị trực tuyến hình ảnh hoạt động của tất cả các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc.
Ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới chia sẻ, tháng 7 vừa qua, từ theo dõi qua hình ảnh, đơn vị đã phát hiện một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội “ăn bớt” công đoạn đăng kiểm và đã đình chỉ công việc của đăng kiểm viên trong thời hạn 1 tháng.
"Trong xu hướng phát triển chung của đất nước và ngành GTVT, Cục Đăng kiểm VN ưu tiên đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để kiểm soát tốt nhất chất lượng phương tiện GTVT và công khai, minh bạch hóa quy trình kiểm định, giải quyết thủ tục hành chính công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, người dân, doanh nghiệp." Ông Trần Kỳ Hình |
“Toàn bộ 151 trung tâm và chi nhánh đăng kiểm trên toàn quốc đều được trang bị camera, truyền hình ảnh trực tiếp về Cục Đăng kiểm VN, đồng thời lưu lại hình ảnh tối thiểu 30 ngày để đáp ứng yêu cầu trích xuất khi cần thiết. Chúng tôi có bộ phận chuyên giám sát hoạt động của các trung tâm đăng kiểm qua hình ảnh để chấn chỉnh, xử lý kịp thời các biểu hiện vi phạm quy trình kiểm định. Hệ thống này cũng được kết nối với máy tính của Thanh tra Bộ GTVT và lực lượng thanh tra có thể truy cập, quan sát đột xuất bất cứ trung tâm đăng kiểm nào”, ông Hệ nói.
Cũng theo ông Hệ, hệ thống “mắt thần” này đã có từ cách đây 3-4 năm, là biện pháp công nghệ hỗ trợ quản lý từ xa rất có hiệu quả. Không chỉ đơn vị quản lý mà chủ phương tiện khi đi đăng kiểm xe cũng được xem trực tuyến hình ảnh đăng kiểm qua hệ thống màn hình ở phòng chờ nhận kết quả.
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, nhiều chủ phương tiện vẫn còn ngỡ ngàng, không biết các trung tâm đăng kiểm được quản lý từ xa qua camera. “Tôi không nghĩ có camera theo dõi trực tuyến các xe đến đăng kiểm. Có camera chắc chắn tốt hơn cho người dân, để giám sát cả đơn vị đăng kiểm và chủ xe”, anh Nguyễn Hữu Tiến (ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên, Hà Nội) nhận xét.
Thông tin thêm về giải pháp quản lý bằng công nghệ, ông Ngô Hồng Hệ cho biết, hiện 2 lần/ngày, sau 12h và 20h, các trung tâm đăng kiểm phải cập nhật dữ liệu phương tiện đã đăng kiểm trong ngày lên hệ thống.
Về phía Cục Đăng kiểm VN sẽ chạy chương trình thuật toán tự động để rà soát ở từng đơn vị đăng kiểm, phát hiện việc cấp chứng nhận đăng kiểm có đúng chu kỳ, loại xe, năm sản xuất có bị sai lệch không... Kết quả kiểm định được tự động sao lưu trên hệ thống dữ liệu, công khai trên trang điện tử để phục vụ các cảng biển, lực lượng thanh tra, CSGT kiểm soát phương tiện, tải trọng xe, ngăn chặn việc dùng giấy tờ đăng kiểm giả, cũng như để người dân tra cứu.
“Chúng tôi đang xây dựng phần mềm để cập nhật online kết quả kiểm định, dù xe đạt hay không đạt tiêu chuẩn sau mỗi lần kiểm định, để kiểm soát các trường hợp xe bị đánh trượt ở trung tâm này sau đó chạy sang trung tâm khác lại được công nhận kết quả”, ông Hệ nói và khẳng định, Cục Đăng kiểm VN liên tục đánh giá các phần mềm kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm để yêu cầu các nhà cung cấp thiết bị kịp thời “vá” khiếm khuyết có thể dẫn đến sự can thiệp của đăng kiểm viên vào kết quả kiểm định.
Điện tử hóa hồ sơ, quy trình kiểm soát
Bên cạnh nỗ lực kiểm soát từ xa lĩnh vực xe cơ giới đang lưu hành, Cục Đăng kiểm VN cũng có sự đột phá trong cải tiến, ứng dụng công nghệ để quản lý chất lượng phương tiện nhập khẩu, sản xuất và lắp ráp mới. Ông Nguyễn Quang Đạt, Giám đốc Trung tâm Tin học của Cục cho biết: “Sắp tới, Đăng kiểm VN sẽ đưa vào sử dụng hệ thống Cổng thông tin điện tử tích hợp nhiều tiện ích như: Tra cứu, dịch vụ công trực tuyến... để phục vụ quản lý và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận dịch vụ ngành Đăng kiểm”.
Cũng được biết, từ giữa năm 2015, Cục Đăng kiểm VN bắt đầu thí điểm nhận, trả kết quả hồ sơ trực tuyến qua mạng internet đối với phương tiện nhập khẩu và đến nay đã vận hành trôi chảy.
“Tính đến tháng 7/2017, có 1.884 doanh nghiệp được cung cấp thủ tục đăng kiểm trực tuyến. Hơn 6.400 hồ sơ, ấn chỉ đăng kiểm trong năm 2017, đạt 100% hồ sơ kiểm định xe nhập khẩu đã được cấp trực tiếp qua mạng internet. Đầu năm 2018, chúng tôi sẽ tiếp tục cấp trực tuyến đối với xe sản xuất, lắp ráp mới trong nước”, ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới thông tin.
Nói về sự đổi mới theo xu hướng hiện đại hóa của ngành Đăng kiểm, ông Lê Văn Vệ, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy VN cho biết, việc trực tuyến hóa tiếp nhận, trả hồ sơ đăng kiểm của Cục Đăng kiểm VN đã giúp doanh nghiệp trút được “gánh nặng” khó đong đếm về thời gian, công sức và chi phí so với thời kỳ làm thủ tục hồ sơ giấy.
Điều ít người biết là đằng sau con số ấn tượng trên, Cục Đăng kiểm VN cũng phải tự thay đổi theo hướng công nghệ hóa quy trình kiểm định. “Cục phải xây dựng lại toàn bộ quy trình theo mô hình trực tuyến hóa hoàn toàn các công đoạn. Từ việc đăng kiểm viên làm việc tại hiện trường cũng phải cập nhật trực tuyến kết quả kiểm tra, đến các khâu xử lý hồ sơ tại văn phòng cũng đều trực tuyến qua hệ thống máy tính, điện tử hóa.
Từ thí điểm thành công trên, ông An cho biết thêm, Cục Đăng kiểm VN đang xây dựng phần mềm Quản lý rủi ro trong hệ thống đăng kiểm. Phần mềm này xây dựng trên các bộ tiêu chí để phân loại, đánh giá mức độ loại phương tiện, doanh nghiệp có nguy cơ cao xảy ra gian lận, vi phạm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật để chia thành “luồng xanh, luồng đỏ” để tập trung kiểm soát, ngăn chặn từ xa đối với vi phạm.
Trong lĩnh vực thử nghiệm và thẩm định thiết kế xe cơ giới, ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) khẳng định: “Trung tâm đang triển khai trực tuyến thẩm định thiết kế phương tiện và dự kiến hoàn thành trong tháng 11 tới, giúp giảm thiểu hồ sơ giấy, giảm thời gian thực hiện thủ tục và tiếp tục triển khai trực tuyến các nhiệm vụ khác trong thời gian tới. Hệ thống trang thiết bị thử nghiệm tại trung tâm được hiện đại hóa, phù hợp với các quy định tiên tiến của thế giới, từng bước hiện đại hóa kết quả thử nghiệm đảm bảo độ chính xác cao nhất”.
Cũng trong xu hướng điện tử hóa, ông Phạm Hải Bằng, Trưởng phòng Tàu biển cho biết, đến nay đơn vị đã điện tử hóa dữ liệu gần 70% hồ sơ tàu biển để phục vụ công tác quản lý và cho chủ tàu. Khoảng hơn 1 năm nữa, Cục sẽ hoàn thành số hóa tất cả hồ sơ kỹ thuật của tàu biển, khi cơ quan chức năng cần tra cứu thì chỉ trong “nháy mắt” đã có thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận