Tàu không vươn khơi sẽ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, nên dù giá hải sản giảm kỷ lục, ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn phải bám biển, “đánh bạc với trời” với hi vọng có tiền trả nợ, đảm bảo cuộc sống.
Ra khơi lỗ còn hơn nằm bờ nợ nần
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam, hiện trên địa bàn có 9 nghiệp đoàn nghề cá, với 3.000 đoàn viên. Số lượng tàu đánh bắt thủy hải sản khoảng hơn 3.000 chiếc, trong đó, hơn 600 tàu có công suất 90CV trở lên, với gần 15.000 lao động. Còn tại Quảng Ngãi có khoảng 5.000 tàu cá đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Cả tỉnh có 12 nghiệp đoàn nghề cá với gần 6.000 đoàn viên.
“Trước thực tế giá thu mua hải sản giảm sâu, để có phương án hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân, chúng tôi đã yêu cầu các nghiệp đoàn cập nhật, báo cáo về ảnh hưởng của dịch bệnh đối với hoạt động đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm để đề xuất các cấp có giải pháp hỗ trợ kịp thời”, ông Trần Quang Tòa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi cho hay.
Sau hai tháng đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa, ngày 8/4, tàu câu mực của ông Trần Văn Mạnh ở xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cùng 3 bạn tàu khác cập bến chất đầy nỗi lo. Ông Mạnh cho hay: Hàng ngày giữa biển khơi đều lắng nghe, theo dõi thông tin về dịch bệnh và buồn bã khi biết hàng hóa xuất khẩu tạm ngừng, ứ đọng. Nhiều bạn tàu chán nản, thu câu, xếp lưới, không thèm đánh bắt nữa, chờ ngày đưa tàu cập bến.
May mắn là toàn bộ 27 tấn mực trên tàu của ông và hải sản của các ngư dân khác đều được thương lái thu mua, nhưng giá giảm gần 1/3 so với trước đây. “Sau khi thương lượng với thương lái, toàn bộ số mực được thu mua với giá 100.000 đồng/kg. Thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra, 1kg mực khô được thương lái thu mua với giá 140 - 150 nghìn đồng. Nếu tính theo giá thu mua này, chuyến tàu vừa rồi của tôi hụt thu khoảng 40%”, ông Mạnh nói.
Nếu như trước đây, sau một tuần tàu cập bờ chuẩn bị đầy đủ vật tư, ngư cụ, lương thực, ngư dân sẽ chuẩn bị ra khơi chuyến mới. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tàu đánh bắt hải sản ở xã Bình Minh vẫn chưa dám vươn khơi vì lo lắng dịch bệnh. Ông Lê Phong Sáu, một chủ tàu cá bày tỏ: “Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, sợ nhất là thương lái không thu mua. Hải sản đánh bắt về chất đống, không ai mua đồng nghĩa với thua lỗ, nợ nần. Vì thế mà hiện nay nhiều tàu thuyền còn chần chừ, không biết có nên vươn khơi nữa không. Mỗi chuyến tàu ra khơi, ngư dân bỏ ra ít nhất 700 triệu đồng chuẩn bị nhu yếu phẩm, thiết bị phục vụ khoảng 2 tháng giữa biển khơi”, ông Sáu lo lắng.
Theo ông Phan Phước Đồng, Chủ tịch UBND xã Bình Minh, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 1.400 hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Trong đó, có 23 tàu thuyền câu mực, hơn 90 tàu thuyền có công suất trên 40CV hoạt động đánh bắt hải sản, với gần 3.000 lao động. Do ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19 nên nhiều người dân đã tạm ngừng hoạt động đánh bắt hải sản gần bờ, vì thế sản lượng đánh bắt, tiêu thụ hải sản giảm sút.
Nhiều thương lái cho biết, những ngày này, lượng hải sản đánh bắt giảm sút nên giá có tăng. Giá 1kg cá nục là 40 - 50 nghìn đồng, nay tăng lên 65 nghìn đồng. Giá cá chuồn 50 - 55 nghìn đồng nay tăng lên 65 nghìn đồng/kg. Giá mực cơm 90 - 100 nghìn đồng, nay 110 - 115 nghìn đồng/kg… Song, nếu so với thời điểm bình thường trước dịch, mức giá này vẫn ở mức rất thấp.
Nhiều loại hải sản rớt giá 80 - 90%
Không chỉ ở Quảng Nam, ở vùng biển xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), ngư dân cũng chứng kiến giá hải sản sụt giảm kỷ lục từ trước đến nay. Bà Võ Thị Búp, vợ ông Đặng Dũng (chủ tàu cá QNg 90399 TS) buồn bã: “So với trước khi xảy ra dịch bệnh, giá nhiều loại hải sản sụt giảm 50 - 80%. “Ví như, cá mặt ngựa trước đây giá 800 nghìn đồng, nay giảm xuống còn 100 nghìn đồng/kg; Tôm hùm 700 - 800 nghìn đồng nay cũng chỉ còn 100 nghìn đồng/kg… Giá nhiều hải sản tươi sống khác cũng chỉ còn khoảng 10% so với mức giá bán trước đây”, giọng bà Búp buồn buồn.
Ông Đặng Dũng lo âu: “Giá hải sản sụt giảm nhưng chi phí cho mỗi chuyến tàu vươn khơi vẫn thế. Ngư dân chúng tôi đang cầm cự vươn khơi. Và nếu không có chính sách hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân vươn khơi bám biển theo Nghị định 76, Nghị định 48 thì chúng tôi không biết xoay xở thế nào”.
Theo ông Lê Văn Nguyên, Bí thư xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), hiện nay tại xã Bình Châu có hơn 480 tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ, với khoảng 9.000 người sinh sống bằng nghề đi biển, chiếm 2/3 dân số địa phương. Số tàu cá và ngư dân khai thác ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa chiếm 80%. Trung bình hàng năm, ngư dân xã Bình Châu cung cấp khoảng 16.000 - 20.000 tấn hải sản xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. “Điều lo lắng nhất của chính quyền địa phương, ngư dân hiện nay là giá thu mua hải sản sụt giảm quá lớn, gây ảnh hưởng đến kinh tế, cuộc sống của ngư dân”, ông Nguyên bày tỏ.
Cũng theo ông Nguyên, mặc dù giá thu mua sụt giảm vì hàng hóa không thể xuất khẩu do tình hình dịch bệnh, nhưng các doanh nghiệp chế biến hải sản trên địa bàn vẫn cam kết thu mua hết cho bà con ngư dân. Điều này đã phần nào động viên ngư dân vươn khơi, bám biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận