Chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Liên (Thăng Bình, Quảng Nam) hỏng máy nằm bờ 2 năm nay. |
Theo bản án, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, ông Liên vay vốn đóng tàu vỏ thép để ra khơi đánh bắt hải sản. Ngư dân này ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đóng tàu Bảo Duy (Đà Nẵng) để đóng vỏ tàu với số tiền hơn 10,7 tỷ đồng; và ký hợp đồng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (Hà Nội), nay là Công ty CP Tập đoàn Liên Á cung cấp máy và các bộ linh kiện tổng giá trị hợp đồng là 2,8 tỷ đồng. Thời gian bàn giao cho ngư dân Liên vào ngày 30/4/2016.
Ngày 25/3/2016, phần thân tàu hoàn thành, Công ty Liên Á cung cấp máy theo hợp đồng ký kết. Sau đó, đã tiến hành chạy thử. Công ty Bảo Duy phát thông báo đến các đơn vị chức năng để tiến hành chạy thử đường dài. Đến tối ngày 29/3, Công ty Bảo Duy thuê người vận hành con tàu chạy khoảng một km, sau đó cập bờ thì bị sự cố hỏng máy.
Sự việc xảy ra, các bên Bảo Duy, Liên Á, chủ tàu tìm nhiều giải pháp khắc phục, sửa chữa máy nhưng bất thành. Sau nhiều lần thỏa thuận, trách nhiệm giữa các bên không được phân định, tàu cá nằm bờ, ông Liên buộc khởi kiện ra TAND TP Tam Kỳ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên Bảo Duy, Liên Á.
Tại phiên tòa xét xử chiều 30/8, HĐXX cho rằng phía Bảo Duy tự ý thuê người vận hành tàu thử đường dài mà không có sự giám sát của phía Liên Á. Do đó, Bảo Duy chịu trách nhiệm bồi thường việc xảy ra sự cố hỏng máy với số tiền 2,8 tỷ đồng cho ngư dân Liên. Tòa yêu cầu, Công ty Bảo Duy chịu hoàn toàn án phí và nhận lại máy đã hư hỏng.
Trao đổi sau phiên tòa, ông Liên chia sẻ: mong máy tàu sớm được đền bù, để vươn khơi. Ông Liên tiếp tục yêu cầu bên để xảy ra hư hỏng đền bù tổn thất do tàu cá nằm bờ, lãi vay ngân hàng... Lãnh đạo Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy cho biết: đơn vị họp HĐQT, luật sư để kháng cáo phán quyết của TAND TP.Tam Kỳ vì còn nhiều nội dung chưa được làm rõ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận