Khoảng hơn một tuần nay, tại khu vực bãi nuôi ngao ở xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) xuất hiện tình trạng ngao nuôi đang đến kỳ thu hoạch bỗng dưng chết trắng, không rõ nguyên nhân. Hàng ngày, những hộ dân tại đây phải thuê hàng chục nhân công đi nhặt vỏ ngao chết. Xác ngao được chất thành từng đống lớn.
Ông Phạm Văn Quý, trú thôn Lộc Tiên, xã Hải Lộc, cho biết: “Nhà tôi nuôi 6 ha ngao giống và ngao thịt. Cách đây khoảng 10 ngày, khi ra đồng thăm ngao, tôi phát hiện có hiện tượng ngao bị chết. Những ngày sau đó, ngao chết càng nhiều và cuối cùng là chết hàng loạt, trắng bãi, khiến chúng tôi thiệt hại nhiều tỷ đồng. Ngao chết với diện tích lớn nên để dọn dẹp xác ngao, chúng tôi đã phải thuê mướn hàng chục nhân công đi nhặt vỏ ngao chết, dọn đầm với chi phí hàng chục triệu đồng”.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Phạm Quang Minh, trú thôn Tân Lộc (Hải Lộc) cho biết: “Nhà tôi có 2ha cả ngao giống và ngao thịt sắp đến thời kỳ thu hoạch, nhưng bây giờ ngao chết, trắng tay, ước tính thiệt hại hơn 1 tỷ đồng”.
Được biết, nhiều hộ gia đình ở Hải Lộc đã mang sổ đỏ thế chấp ở ngân hàng để vay vốn đầu tư vào nuôi ngao với mong muốn có thêm thu nhập, trang trải sinh hoạt và phát triển kinh tế. Thế nhưng hiện nay, ngao bỗng dưng chết trắng bãi khiến nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần.
Bà Nguyễn Thị Hương tâm sự: “Vụ vừa qua, gia đình tôi mua ngao giống và bơm cát lên bãi hết 350 triệu đồng, bây giờ ngao chết, coi như trắng tay. Sổ đỏ thì gia đình đã thế chấp ở ngân hàng để vay vốn đầu tư vào vụ ngao trước rồi, giờ không biết lấy tiền đâu để xuống giống vụ mới nữa”.
Hay gia đình ông Đoàn Văn Lộc cho biết, để đầu tư vào ngao, gia đình ông đã vay ngân hàng số tiền 600 - 700 triệu đồng để đầu tư vào nuôi ngao, nhưng đến nay cũng mất trắng, khiến gia đình anh lâm vào cảnh nợ nần.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quốc Tý - Chủ tịch UBND xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) cho biết: “Hiện nay, toàn xã có 171 hộ nuôi ngao với tổng diện tích 170ha. Trong đó, có nhiều hộ ngao bị chết 100%, có hộ ngao chết 60 - 70%. Hàng ngày, chúng tôi thống kê mức độ thiệt hại do ngao bị chết, đồng thời báo cáo cơ quan chức năng về để lấy mẫu nước, mẫu ngao đi xét nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc ngao chết hàng loạt”.
Được biết, trong 10 năm trở lại đây, người dân nuôi ngao ở Hải Lộc chưa bao giờ lâm vào cảnh bi đát như vậy. Trước đây, tình trạng hao hụt chỉ rơi vào khoảng 20% -30% vụ. Từ năm 2017, do sự cố ô nhiễm môi trường thì lượng ngao chết nhiều hơn nhưng cũng không chết nhiều như thời điểm hiện tại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận