Làm báo cùng Giao thông

Ngụ ngôn “anh hùng bàn phím”

10/06/2016, 14:50

Có một đặc tính nổi bật của những anh hùng giấu mặt là không bao giờ đơn lẻ tấn công một con mồi.

qz-fb

Ảnh minh họa

Chuyện ngụ ngôn kể con rắn tu luyện ngàn năm thì thành xà tinh, bộ xương tu luyện vạn năm hóa ra bạch cốt tinh, nhền nhện mà hút yêu khí thì thành thù tinh, còn dân mạng, nếu tu đủ lâu, tụ tập đủ đông, có thể trở thành... những “anh hùng bàn phím”.

1. Nhân dạng

Đa phần đều ít dám để gương mặt thật của mình lên ảnh đại diện, thay vào đó là hình mây trời, sông núi, câu chữ Phạn, hoa sen, hình Phật, hình Thần. Có khi là hình trẻ con đang cười, có cái hình chú tiểu đang chấp tay mỉm cười có tới tám ngàn ba trăm bảy mươi hai người dùng. Số ít hơn dùng hình người mẫu, ca sĩ, trong nước cũng có mà nước ngoài cũng có, thường là các tài tử xứ sở Kim Chi được ưa chuộng nhất.

nguyen ngoc thach

Nguyễn Ngọc Thạch 

Phần khác dùng ảnh trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một nhóm nhỏ thì dùng hình ảnh thật của mình, đa phần đều còn rất trẻ, nhiều ảnh chỉnh cho trắng đến mức không nhìn thấy đường nét gương mặt nhưng chắc chắn phải có má hồng hai bên và râu mèo, mắt đeo kính giãn tròng, có dị tật nơi miệng nên hay phồng má, chu môi.

2. Danh xưng

Nhiều nhất là tên họ không dấu, khó đọc, có khi là những dòng châm ngôn, “bình yên mà sống” “cuộc đời vô hạn”, “ngày mai sẽ qua”... một nhóm khác thì hay dùng tên có ký hiệu “’s” hoặc “’’s” hay “’ss”, cũng chưa rõ đây là nhóm ký hiệu cổ ngữ gì, chắc cần phải có thêm nhóm điều tra về vụ này, biết đâu lại là một hệ ngôn ngữ mới.

3. Hành vi

Dễ nhận thấy nhất hành vi của số này là tụ tập để cùng công kích cá nhân một nhân vật, một sự kiện nào đó. Thay vì tranh luận theo hướng đưa ra ý kiến, quan điểm và tìm dẫn chứng bảo vệ quan điểm của mình thì họ lại chửi đối tượng trước, chửi xuất thân, chửi nghề nghiệp, đã đời họ chửi ghé qua phụ mẫu song thân, đồ tử đồ tôn gì cũng không thoát được. Và họ rất hay thể hiện sự quan tâm đến đóng góp của nhân vật cho cuộc đời bằng cách đặt câu hỏi, “Đã làm gì cho đất nước chưa mà lên tiếng?” hay “Đã làm được như người ta chưa mà nói?”

4. Chứng đãng trí

Mặc dù hung hãn, nhưng trí nhớ của những “anh hùng bàn phím” thật sự có thể so sánh với cá vàng, khi sự kéo dài của hành vi cảm xúc trong họ thường không kéo dài quá ba ngày hay một tuần nếu sự kiện lớn hơn. Điển hình là cứ sau nạn nhân này, họ lại đi tìm một nạn nhân khác để tấn công, mặc kệ cho nạn nhân cũ ra sao, còn sống hay đã chết hoặc chịu những tổn thương nào về tâm hay sinh lý.

5. Tập tính đám đông

Có một đặc tính nổi bật của những anh hùng giấu mặt là không bao giờ đơn lẻ tấn công một con mồi. Thường thì một kẻ trong nhóm cất tiếng đầu tiên là sẽ bâu vào cùng lên tiếng. Tập tính đám đông còn kinh khủng hơn, khi chỉ cần một cá nhân muốn quay đầu để về phe bên kia bảo vệ nạn nhân thì nhóm còn lại đều nhào vào “cấu xé”.

6. Nạn nhân

Có thể là bất kể ai, chỉ cần một tấm ảnh, một câu nói được cắt khỏi ngữ cảnh, một đoạn video trái ý đám đông, bạn có thể trở thành nạn nhân. Một số nạn nhân của những “anh hùng bàn phím“ với sự từng trải, họ sẽ có thể vượt qua cơn giận dữ hay đòn tấn công hội đồng. Nhưng những người chưa quen, có thể sẽ là những nỗi đau khó gột rửa...

Nhưng, khi người ta ném đá về phía mình, nằm yên để hứng chịu đau đớn, hay anh dũng dẫm lên đống đá đó để bước lên một tầm cao mới lại là lựa chọn của bạn. Những “anh hùng bàn phím” có vẻ hung hãn nhưng thật ra rất yếu đuối và để che giấu sự yếu đuối đó, họ ẩn mình tấn công những người lạ không quen biết. Nên việc của những “anh hùng bàn phím” là giấu mặt, chờ thời, còn việc của đoàn người là đi lên phía trước, về phía sự thật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.