Bạn cần biết

Ngư phủ cụt chân, hai lần cai nghiện thành ông chủ

01/01/2017, 16:08
image

Cuộc sống đói khát, nhìn vợ con nheo nhóc, ông tự hứa phải cai nghiện để chuộc lỗi với gia đình.

IMG_20161221_130134

Ông Xuân bế cháu nội ngồi xem vợ vá lưới chuẩn bị cho chuyến ra khơi.

Sau bao biến cố cuộc đời, từ con người lành lặn bỗng chốc tàn phế cụt cả hai chân, trở thành nô lệ của “nàng tiên nâu”, nhưng cuối cùng ông Lê Văn Xuân vẫn vượt qua tất cả làm lại cuộc đời, trở thành chủ thuyền lớn, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Bỗng chốc tàn phế, thành con nghiện lúc nào không hay

Ở TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, không ai không biết câu chuyện và cảm phục về nghị lực của một người đàn ông cụt cả hai chân nhưng ngày đêm vẫn lênh đênh trên thuyền bám biển, tạo việc làm cho hơn chục thuyền viên.

Tiếp chúng tôi là một người đàn ông nhỏ thó, khuôn mặt gầy gò, nước da đen sạm, đặc biệt là đôi chân cụt lên tận đầu gối, đang bế cháu nội ngồi xem vợ vá lưới Ông là Lê Văn Xuân (SN 1962, trú phường Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai).

Xem thêm video:

Theo lời ông kể, ông là con thứ 3 trong gia đình ngư dân có 8 anh em. Giống như bao chàng trai miền biển khác, từ nhỏ đã quen với cái vị mặn chát của biển. 14 tuổi, Xuân đã được bố cho đi cùng bám biển vươn khơi. Bốn năm sau, khi tay lái đã vững chắc, Xuân được tuyển vào làm thợ máy ở HTX Tàu biển Hồng Hải. Nhưng tai họa đã ập đến trong một lần ra khơi. Năm 1986, Xuân giẫm phải cáp dưới thuyền rồi bị nhiễm trùng nặng. Lần đó, dù được người thân đưa đến Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập điều trị nhưng bàn chân của Xuân ngày càng bị đen bầm, 6 tháng sau, Xuân phải cắt bỏ chân trái tới sát đầu gối. Khi đó, Xuân mới bước qua tuổi 24.

Từ một chàng trai lành lặn, có nhiều hoài bão, cũng là người đàn ông trụ cột trong gia đình bỗng chốc trở thành người tàn phế. Với Xuân, đó là một nỗi đau quá lớn. Nhưng khi nỗi đau ấy chưa kịp nguôi ngoai thì ông tiếp tục phát hiện chân còn lại bị viêm tắc động mạch. Chứng bệnh khiến ông đau nhức khắp cơ thể, phải cắt bỏ chân còn lại. Những lúc lên cơn đau quằn quại, ông được bác sĩ tiêm thuốc giảm đau có chất gây nghiện. Cứ như vậy, sau nhiều lần dùng thuốc, ông trở thành con nghiện lúc nào không hay.

Từ khi Xuân sa vào con đường nghiện ngập, tất cả tài sản trong nhà đều lần lượt “đội nón” ra đi. “Thời đó, mỗi lần hết cơn nghiện, thấy vợ con khổ tôi hối hận lắm. Nhưng khi lên cơn nghiện thì tôi không còn biết gì nữa. Có lần con ốm trong nhà không có tiền để mua thuốc. Nhìn con, tôi hối hận vô cùng”, ông Xuân tâm sự.

Cuộc sống đói khát, nhìn vợ con nheo nhóc, ông tự hứa phải cai nghiện để chuộc lỗi với gia đình. Vì không có tiền vào trung tâm, ông quyết định cai nghiện tại nhà. “Những lúc lên cơn, tôi bảo các con dậm trên lưng để quên đi nỗi đau, có khi lại bắt vợ con trói mình lại và cấu véo khắp nơi trên cơ thể. Cũng có khi vì không chịu đựng được sự dày vò của ma túy, tôi bắt vợ cấu thật mạnh vào người…”, ông nhớ lại. Nhưng cũng không ít lần, ông phá được dây, hất tung đồ đạc để tìm thuốc. Chỉ đến khi tỉnh lại, ông mới biết mình sai. Nhìn vợ ngày càng hốc hác, tiều tụy, ông  lại quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy. Và rồi, ông cai nghiện thành công trước sự ngỡ ngàng của mọi người.

Từ ngày mất đi đôi chân, việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn. Chính bà Linh vợ ông đã trở thành “đôi chân” thay thế, tiếp thêm sức mạnh để ông bước tiếp. Gượng dậy khi gia tài khánh kiệt và đôi chân không còn nguyên vẹn, thấy mình có lỗi với vợ con, ông quyết tâm làm lại từ đầu. Ông bàn với vợ cầm cố đất đai, vay mượn 85 triệu đồng để ra khơi bám biển. Thấy đôi chân của ông không còn lành lặn lại sắm tàu đi biển, nhiều người bán tín, bán nghi. Bởi, một người lành lặn, khỏe mạnh cũng rất vất vả để bám trụ với nghề biển, huống chi một gã cụt chân, đi đâu cũng phải nhờ vợ cõng, con bế, thì sẽ làm được gì giữa muôn trùng sóng bể?

Bỏ hết ngoài tai những điều tiếng xì xào, ông không ngừng nỗ lực, cố gắng nên đã làm được những điều tưởng chừng như không thể ấy. Chỉ sau 3 năm vượt trùng khơi, với kinh nghiệm, sự chịu khó và lòng quyết tâm, ông đã trả hết nợ, cuộc sống gia đình bắt đầu khấm khá. Tuy nhiên, sau 4 năm ông tái nghiện trở lại. Những cơn thèm thuốc triền miên khiến ông bỏ bê công việc, tất cả vốn liếng vợ chồng gom góp được cũng lần lượt ra đi. Khi tiêu hết tiền trong nhà, ông bán tháo tàu, lưới với giá bèo. Từ đây, bi kịch làm nô lệ của “nàng tiên nâu” lại tái diễn.

Thêm một lần làm lại cuộc đời

IMG_20161221_130510

Hình ảnh bà Linh cõng chồng mỗi lần ra thuyền chuẩn bị cho chuyến ra khơi.

Sau bao biến cố cuộc đời, lúc tỉnh táo, ông giật mình khi nhìn cảnh gia đình khánh kiệt, vợ con đói khổ. Một lần nữa ông quyết tâm đoạt tuyệt với ma túy để tiếp tục khát khao vươn khơi. Năm 2002, ông cùng người em trai hùn vốn đầu tư sắm con tàu 100 triệu đồng. Có tàu mới, ông lại có thêm động lực làm việc. Bao chuyến vượt trùng khơi, thuyền ông đều trúng lớn.

Thế nhưng, tai họa lại một lần nữa ập đến gia đình ông. Trong một lần vượt sóng ra khơi, người em trai đã ra đi mãi mãi. “Hôm ấy, bất chợt trời nổi sóng to, gió lớn. Tôi cầm tay lái để tránh các đợt sóng cao, còn em trai tôi đang đứng ở mạn tàu chưa kịp vào trong thì chẳng may bị gió đẩy xuống biển. Vì tính mạng của anh em trên tàu mà tôi đành bất lực nhìn em mình bị sóng cuốn trôi”, ông Xuân ngậm ngùi.

Chính sự ra đi của người em xấu số đã ám ảnh tâm trí ông suốt quãng thời gian dài. Nhiều đêm trở mình, hình ảnh người em kiên cường luôn hiện rõ trong tâm trí ông. Sau nhiều đêm trằn trọc, năm 2002, ông Xuân đoạn tuyệt với ma túy, tự nhủ sẽ chăm chỉ làm việc thêm cả phần người em trai xấu số.

Ông Trần Ngọc Hà, Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai cho biết, ông Lê Văn Xuân là một người có nghị lực phi thường, mặc dù đã cụt đôi chân, từng nghiện ma túy nhưng ông Xuân đã vượt lên tất cả để làm lại cuộc đời, ra khơi bám biển. Giờ đây, ông đã trở thành chủ thuyền lớn, tạo công ăn việc làm giúp đỡ nhiều người dân địa phương. “Bà con ai cũng cảm phục nghị lực sống của con người này”, ông Hà nói.

Với lòng quyết tâm, ông tiếp tục vươn khơi bám biển. Dù không được lành lặn như bao người khác, nhưng bằng kinh nghiệm hơn chục năm sống với nghề biển, ông Xuân không hề thua kém những ngư dân lành nghề. Chứng kiến những nỗ lực làm việc không mệt mỏi của ông, người dân nơi đây ai nấy đều nể phục. Năm 2006, sau thời gian dài làm việc, tích góp được số vốn kha khá, ông quyết định bán tàu cũ và sắm con tàu mới với công suất 200 mã lực với giá 1,7 tỷ đồng để ra khơi dù đôi chân không còn lành lặn, thường xuyên bị những cơn đau hành hạ.

Đánh bắt cá thuận lợi, không những trả hết nợ nần, xây được nhà cửa khang trang, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 thuyền viên với thu nhập trung bình từ 7-8 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ.

Với người dân ven biển Quỳnh Phương, họ không còn lạ lẫm với hình ảnh bà Linh cõng chồng bước đi thoăn thoắt trên bãi cát trắng phau lô nhô sò, huyết, người ta không khỏi thán phục đức hi sinh, tảo tần của người vợ chủ tàu. Mấy chục năm kể từ khi đôi bàn chân ông bị cắt cụt, vợ ông đã thay đôi chân của chồng mỗi lần ra khơi. “Người ta lành lặn còn lo, huống chi là chồng tui có cái chân cụt thế kia. Tui sợ thiên tai một, thì tui sợ chồng tôi ốm đau trên tàu mười”, bà Linh tâm sự.

Ngồi bên cạnh vợ đang vá lưới, buông mắt nhìn xa xăm, ông Xuân tâm sự: “Đời người đi biển chông chênh như sóng nước. Tôi bệnh tật, gia đình cũng lắm biến cố. Nhiều lúc muốn bỏ nghề nhưng khi nghĩ đến vợ con của các thuyền viên ở nhà đói khổ, tôi lại gắng gượng tiếp tục ra khơi”.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.