Tàu biển hạn chế III nếu chỉ khoác áo tàu SB để “lách luật” chạy vượt tuyến như hiện nay sẽ gây mất an toàn và cạnh tranh không lành mạnh |
Lo tàu biển “mượn áo” tàu SB
Trao đổi với Báo Giao thông, ông M, Giám đốc một doanh nghiệp ở Thanh Hóa “bật mí”, công ty của ông có gần chục chiếc tàu biển loại hạn chế III vận chuyển hàng dọc Bắc - Trung - Nam. Sau khi chứng kiến tuyến vận tải ven biển dành cho tàu SB được mở từ Quảng Ninh - Kiên Giang khá hiệu quả, ông quyết định cải tạo, chuyển đổi năm chiếc tàu biển thành tàu SB.
“Tàu SB chở được nhiều hàng hơn vì yêu cầu mạn khô thấp hơn, thuyền viên ít hơn, chi phí cảng, bến, hoa tiêu rẻ hơn tàu biển”, ông M. cho biết lý do chuyển đổi tàu biển thành tàu SB.
Ông Đỗ Văn Sáng, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 12 (Thanh Hóa) xác nhận, đơn vị đang giám sát hoán cải, chuyển đổi một số tàu biển loại hạn chế III thành tàu SB. Việc hạ cấp từ tàu biển xuống tàu SB khá thuận tiện cho chủ tàu vì tàu biển vốn có yêu cầu kỹ thuật, trang thiết bị an toàn cao hơn so với tàu SB. Ông Sáng cũng cho biết, sau khi tuyến vận tải ven biển được mở, không thấy tàu biển hạn chế III nâng cấp thành hạn chế II (chạy cách bờ xa hơn) mà chỉ thấy xu hướng hạ cấp tàu biển về tàu sông. Hiện tại, ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình đang có hàng trăm tàu SB được đóng mới, điều này cho thấy sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa tàu biển hạn chế III và tàu SB.
Còn ông Trần Mạnh Hùng - Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 3 (Nghệ An) cho biết, đơn vị chưa nhận được đề nghị giám sát chuyển từ tàu biển thành tàu SB nhưng đã có thông tin một vài chủ tàu muốn giảm cấp tàu biển loại hạn chế III thành tàu SB.
Theo Cục Đăng kiểm VN, đến nay có hơn 20 tàu biển hạn chế III đã được chủ tàu chuyển đổi thành tàu SB. Việc làm này phần nào thể hiện xu hướng chủ tàu tự rút cấp tàu biển hạn chế III để hạ xuống thành tàu SB đang hình thành rõ nét. Thực tế này trái ngược hoàn toàn với thời gian đầu khi mở tuyến. Khi đó, chỉ có tàu sông cấp S1 muốn nâng cấp thành tàu SB, còn nay tàu biển cũng lại muốn chuyển xuống thành tàu SB.
Mất công bằng trong vận tải
Việc tàu biển giảm cấp để chuyển thành tàu SB giúp cho chủ tàu hưởng chi phí thấp hơn so với tàu biển là bài toán kinh doanh dễ hiểu. Có điều, nếu những tàu này chỉ “khoác áo” tàu SB nhưng vẫn hoạt động như tàu biển hạn chế III sẽ là mối nguy lớn, đe dọa an toàn hàng hải.
Trao đổi với Báo Giao thông, một số chủ doanh nghiệp vận tải tàu SB từ Quảng Ninh - Hà Tĩnh cho biết, dù quy định chỉ được chạy cách bờ không quá 12 hải lý nhưng thực tế tàu SB vẫn chạy ngoài phạm vi đó để tiết kiệm nhiên liệu, thời gian. Tàu biển hạn chế III cũng vậy, dù quy định chỉ được chạy cách bờ không quá 20 hải lý nhưng loại tàu này cũng chạy cách bờ xa gấp 2-3 lần. Điều này đã được các Hiệp hội vận tải biển Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa xác nhận và còn đề xuất cơ chế đặc thù “chạy thẳng” từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng nhằm tiết kiệm nhiên liệu, thời gian.
"Trong quá trình khai thác, tàu có vùng hoạt động nào phải duy trì trạng thái kỹ thuật tương ứng vùng đó. Tàu SB hay hạn chế III chạy vượt vùng đều không đảm bảo được sức bền kết cấu phương tiện, tính kín nước, trang thiết bị cứu sinh… vô tình đẩy thuyền viên, phương tiện vào thế nguy hiểm”. Ông Phạm Hải Bằng Trưởng phòng Tàu biển Cục Đăng kiểm Việt Nam |
Với trường hợp tàu biển hạn chế III đã chuyển đổi thành tàu SB nhưng chỉ để “mượn áo” nhằm giảm chi phí mà vẫn hoạt động ngoài khơi xa (như tàu biển hạn chế III đang chạy) sẽ là mối nguy hiểm khôn lường. Theo các Hiệp hội bảo hiểm (PJICO, PVI, BVI, MIC), trong 10 năm qua (2003-2013), có 207 vụ việc liên quan đến tàu biển hạn chế III bị tai nạn, sự cố trong vùng vịnh Bắc bộ mà các hiệp hội phải bồi thường bảo hiểm.
Theo ông Đỗ Trung Học - Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN, tuyến vận tải pha sông biển dành cho tàu SB - có tiêu chuẩn kỹ thuật trên cấp tàu sông S1 và dưới cấp biển hạn chế III. Nếu tàu biển hạn chế III “khoác áo” tàu SB để hoạt động như tàu biển sẽ phá vỡ sự công bằng trong vận tải. Vì vậy, cần phải siết chặt quản lý, không để tàu SB chạy lẫn với tàu biển, đồng thời kiểm soát được phạm vi hoạt động của tàu SB.
Ông Hoàng Minh Toàn, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, sẽ đề xuất bổ sung quy chế quản lý đối với tàu SB, chẳng hạn như dùng phương tiện giám sát hành trình để quản lý hành trình phương tiện, khi tàu cập cảng phải in ra giấy để cảng vụ kiểm soát việc có tuân thủ theo đúng hành trình hay không.
Hồng Xiêm
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận