“Bán hàng trong tương lai”
Trong khi thị trường du lịch đóng băng bởi dịch Covid-19 thì một số công ty tour vẫn bán chạy bởi chiêu thức “đặt gạch” giảm giá sốc. Cụ thể, gần đây nhất, một công ty du lịch phát ra 1.000 voucher du thuyền 5 sao trên vịnh Hạ Long 2 ngày 1 đêm với giá giảm tới 50%.
Theo đó, giá tour trọn gói dành cho 2 người chỉ khoảng 4 triệu đồng, trong khi cùng thời điểm năm ngoái giá cao gấp đôi, khách muốn đi phải đặt trước ít nhất 1 tháng. Đáng chú ý, voucher này có giá trị tới hết năm 2020, khách hàng có thể sử dụng cho tất cả các ngày trong tuần, trừ dịp lễ.
Trước đó Bamboo Airways và Vietjet Air cũng tung ra hình thức bán vé theo kiểu “buffet” giúp khách hàng có thể bay không giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định với chi phí được trả trước một phần hoặc toàn bộ. Dịch vụ này ra đời vào thời điểm ngành hàng không vẫn đang trong giai đoạn bị hạn chế vận chuyển trong nước cũng như quốc tế. Tuy nhiên, đối với khách hàng bay thường xuyên thì đây là cơ hội để tiết kiệm khoản chi phí đáng kể.
Bình luận về gói sản phẩm trên, ông Mai Xuân Đạt, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Truyền thông Thịnh Vượng (Seongon) cho rằng, thực chất đây là hình thức “bán hàng trong tương lai”. “Thực tế lượng tra cứu trên mạng không thuyên giảm, điều này cho thấy, người dân ở nhà dù chưa có nhu cầu tiêu xài sản phẩm nhưng vẫn quan tâm tìm hiểu.
Do đó khi được khuyến mãi, khách hàng chấp nhận đặt tiền trước, giao hàng sau”, ông Đạt nói và cho rằng, cách thức này cũng giúp doanh nghiệp đẩy mạnh doanh thu ngắn hạn, bù đắp vào thiếu hụt dòng tiền trong những thời điểm khó khăn.
Tuy nhiên, vị CEO Seongon cũng lưu ý, khi áp dụng chiêu “bán hàng trong tương lai”, các doanh nghiệp phải biết lượng sức, nếu không rất dễ rơi vào tình trạng “vật vã trả nợ”, nhất là sau khi dịch đã đi qua. “Trong nguy có cơ nhưng phần nguy vẫn nhiều hơn và không phải ai cũng có thể nắm bắt cơ hội để xoay chuyển thành công”, ông Đạt nói.
Thành công ngay cả khi “ngược dòng”
Theo ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Tiếp thị Công ty CP Công nghệ Haravan, trái hẳn với hoạt động kinh doanh truyền thống, nhu cầu mua hàng online trong mùa dịch Covid-19 của hầu hết các ngành hàng đều tăng trưởng. Trong đó, tăng mạnh nhất phải kể tới ngành hàng thời trang tăng 42%, mỹ phẩm tăng 49%, dụng cụ nhà bếp (58%)... đặc biệt mặt hàng nhu yếu phẩm tăng 250%.
“Trước dịch bệnh Covid-19 xảy ra, người Việt Nam trung bình online tối thiểu khoảng 28 giờ/tuần, tuy nhiên trong mùa dịch, con số này đã tăng lên ít nhất 35 giờ/tuần, chủ yếu bằng điện thoại thông minh. Khách hàng truy cập rất nhiều kênh bán hàng online, tuy nhiên có xu hướng chốt đơn hàng ở 2 điểm chạm là sàn thương mại điện tử và website”, ông Tấn phân tích.
Cũng theo ông Tấn, mô hình bán hàng bền vững cần hướng tới nhiều kênh khác nhau mới tạo ra nguồn doanh thu đa dạng. Tuy nhiên trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch bệnh, cần tập trung vào 4 kênh chính: Website, mobile, mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. “Đây cũng chính là cách các thương hiệu lớn có chuỗi cửa hàng phủ khắp đất nước nhưng không phải giảm bất cứ nhân viên bán hàng nào trong thời gian giãn cách xã hội”, ông Tấn cho biết.
Tuy nhiên, trường hợp Shoptida chuyên bán các thiết bị in ấn của ông chủ Vũ Minh Trà lại minh chứng cho cách đi “ngược dòng” thành công. “Trong 3 tháng dịch, chúng tôi đã tăng trưởng 30% với doanh số từ 2 - 2,5 tỷ đồng/tháng. Nhân viên không những không phải nghỉ làm mà còn được thưởng nóng từ 0,5 - 1 tháng lương”. ông Trà cho hay.
Lý giải thành công trên, ông Trà cho biết, bất kể ngành hàng nào muốn thành công trong thương mại điện tử đều phải đáp ứng 3 yếu tố: Giá hợp lý, thời gian giao hàng nhanh và kho chứa lớn. Để đáp ứng được thì hai nhiệm vụ bắt buộc phải làm là tăng quy mô và giảm chi phí.
“Từ năm 2014 - 2018, tôi nhận phân phối nhiều thương hiệu, mở chuỗi 5 cửa hàng với 2 kho tại Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên, sau chuyến tham quan mô hình thương mại điện tử tại Trung Quốc, năm 2019, tôi đã đóng hết các cửa hàng mặc cho thời điểm đó vẫn đang có lãi. Tôi chọn điểm ngoại thành mở kho khoảng 500m2 bao gồm cả văn phòng, bỏ bán buôn, tập trung hoàn toàn vào sàn thương mại điện tử, hạn chế bán lẻ trực tiếp.
Với cách thức này, tôi đã tối ưu nhân sự, giảm chi phí thuê mặt bằng, phí chăm sóc khách hàng và đặc biệt là chi phí marketing. Với việc cắt giảm 30% chiết khẩu cho các kênh bán hàng, tôi đã dành để giảm giá sản phẩm khi tới tay người tiêu dùng, mang lại lợi thế lớn trong mùa dịch”, ông Trà cho hay.
Tới nay, mô hình bán hàng trực tiếp trên sàn thương mại điện tử của Shoptida được duy trì bởi đúng 10 nhân sự, bao gồm: 1 CEO kiêm phân tích thị trường, lo thủ tục nhập khẩu; 2 nhân viên quản lý 4 shop trên sàn thương mại điện tử; 2 kế toán kiêm chăm sóc khách hàng, review sản phẩm, chốt đơn; 1 nhân viên thiết kế; 3 nhân viên làm kho vận; 1 nhân viên làm quảng cáo.
“Bằng việc chuyển đổi hình thức kinh doanh, chỉ trực tiếp bán trên sàn thương mại điện tử, hiện tôi đã xây dựng cơ cấu chi phí giá tốt và bền vững bao gồm: Giá vốn chiếm 63%, chi phí cố định 5%, quảng cáo chỉ chiếm 5% và các chi phí khác 5%. Do đó lợi nhuận thu về đạt khoảng 15%”, ông chủ Shoptida chia sẻ.
Thắng thế nhờ dữ liệu
Trong kinh doanh online, dữ liệu (data base) về khách hàng định danh và cả không định danh đều là mỏ vàng để doanh nghiệp khai thác.
Nói về “vũ khí” data base trong mùa dịch, ông Lại Tuấn Cường, CEO Công ty Giải pháp tiếp thị số Repu cho hay: “Khó khăn khi dịch bệnh xảy ra, khách hàng thắt chặt hầu bao nên chi phí quảng cáo bán hàng lại tăng cao. Đáng nói, kênh quảng cáo trên Google, Facebook cũng hẹp hơn bởi mức giá tăng cao, nhiều nhãn hàng lớn chiếm ưu thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, nếu trước đó đã lưu giữ được dữ liệu khách hàng, truy vết cập nhật sự thay đổi hành vi của họ sẽ giúp các ông chủ nắm bắt được xu hướng, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tăng giảm sản phẩm cung cấp theo tín hiệu của thị trường”.
Cụ thể, dẫn từ kinh nghiệm Repu, ông Cường cho biết, qua phân tích dữ liệu, thời điểm từ giữa tháng 2, đơn vị này đã phát hiện nhu cầu tìm kiếm về phần mềm họp trực tuyến Zoom tăng gấp 20 - 50 lần. Vậy là chỉ sau 2 tuần tiếp cận, Repu đã nhanh chân đạt chứng nhận trở thành nhà phân phối phần mềm này tại thị trường Việt Nam,
Cũng theo ông Cường, hiện nay có rất nhiều công cụ bán hàng đơn giản, miễn phí hoặc chi phí thấp để doanh nghiệp có thể áp dụng thu thập thông tin, phát triển danh sách khách hàng mà không cần phải thông qua các kênh marketing giá cao nhe Facebook hay Gogle. “Nhu cầu sử dụng các hệ thống chatbox marketing hay email marketing tăng từ 30 - 60% trước khi có dịch.
Đây là sự dịch chuyển về công cụ khi một quảng cáo trên Facebook có thể mất 3 - 5 nghìn đồng/lượt thì 1 email marketting chỉ vài chục đồng mà hiệu quả mang lại cũng không thua kém”, ông Cường phân tích và nhấn mạnh: “Hãy nghiên cứu và thử nghiệm, điều quan trọng không phải công cụ đắt hay rẻ mà khiến các bạn kiếm được bao nhiêu tiền với công cụ ấy. Đừng chậm chân khi đối thủ đang đi trước”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận