Ảnh minh họa |
1. Lại đến mùa đông chộn rộn, khi những đám lá rừng ướt sương lạnh là lúc công nhân ở những cung đường núi heo hút chuẩn bị quần áo ấm, khăn ấm, tô ớt ngâm muối để sẵn sàng chống lại cái rét khắc nghiệt. Đông này cũng thế! Hôm qua anh em công nhân ở cung đường Lệ Sơn (Quảng Bình) điện thoại báo trời đang lạnh lắm, sáng sớm núi mờ sương vây chặt. Nhớ ngày này năm ngoái, tôi thức cùng anh em ở Lệ Sơn đón tàu. Mỗi lần tàu qua, vệt sáng trên ô cửa in hình lên núi như đàn đom đóm vụt sáng trong đêm nhảy nhót, nhẩn nha. Sáng sớm chạy ra đường ke ngắm núi bàng bạc, trong lành, yên tĩnh đến lạ kỳ. Nếu không có tiếng còi tàu xin đường chuyển bánh, tôi sẽ nghĩ đây là nơi hoang sơ lắm, chưa có dấu chân người.
Sáng nay, thức dậy tự dưng nhớ tàu. Nhớ cái lạnh của núi len qua áo khoác, nhớ bát mỳ tôm úp vội của cô cấp dưỡng, âu ớt trộn muối và hũ cá kho mặn chát của anh em ở ga heo hút người. Chén rượu nồng cay.
2. Lâu rồi cũng chưa đặt chân lên tàu chợ nhâm nhi ly cafe với điếu thuốc bên ô cửa sổ lưới mắt cáo, cũng không chụp được tấm ảnh nào bên đường ga be bé thấp thoáng dưới tán cây già. Tàu chợ giờ ra sao? Toa chở hàng còn trống vắng? Nhưng có một điều chắc chắn rằng, khách đi tàu chợ vẫn nhiều. Nhiều nơi vẫn chỉ có tàu vào được nên người dân vẫn mong chờ tàu chợ.
Cách đây 2 năm, khi ngành Đường sắt có ý định bãi bỏ 5 đôi tàu chợ vì thua lỗ, người dân buồn lắm và kiến nghị giữ tàu. Tình cờ đi trên tàu chợ nên tôi biết được nguyện vọng của người dân. Vậy là viết bài gửi lên lãnh đạo ngành, cộng thêm mong mỏi của địa phương nên sau đó những đoàn tàu này không bị bãi bỏ nữa. Người dân vui lắm, gọi điện cho tôi chia sẻ. Vậy là những chuyến tàu chợ già cỗi vẫn kĩu kịt trên đường ray, lắc lư theo những câu chuyện của những bà, những mẹ đi tàu sớm.
3. Ga phía Tây! Hôm nay đã được trang hoàng áo mới. Ga được xây dựng mới, hiện đại, sạch sẽ. Tàu hỏa phía Đông đã nhanh hơn. Toa tàu cũng hiện đại hơn, phong cách phục vụ tốt hơn trước rất nhiều. Nhà tàu đang chuyển mình thật sự, đổi mới thực sự vì hành khách. Chỉ mấy năm, đường sắt đã dần bỏ lối làm ăn cũ kỹ, bề trên để dần chuyển sang đúng tính chất một ngành phục vụ an sinh xã hội. Dẫu còn nhiều trăn trở, nhưng có bước khởi đầu nào không khó khăn? Có thành công nào được trải sẵn thảm đỏ? Để thành công cần rất nhiều yếu tố. Đường sắt vẫn có những công nhân ngày đêm bám trụ ở những vùng núi heo hút để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu, có những vị khách trung thành vẫn mong mỏi những chuyến tàu chợ để mưu sinh... Đó có lẽ là một điều may mắn. Đêm nay sẽ lại theo tàu ngược xuôi!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận