Chính trị

Người bắt sống tướng De Castries giờ ra sao?

01/05/2014, 10:11

Trong 5 người tham gia bắt sống tướng De Castries chiều 7/5/1954, ông Hoàng Đăng Vinh là nhân chứng duy nhất còn sống.

Trong 5 người tham gia bắt sống tướng De Castries chiều 7/5/1954, ông Hoàng Đăng Vinh là nhân chứng duy nhất còn sống. 79 tuổi, vị Đại tá quân đội về hưu vỗ đùi, cười vang nhà khi nhớ lại cảnh 60 năm trước ông đã thúc mũi súng vào bụng viên chỉ huy cao nhất của Pháp tại Chiến trường Điện Biên Phủ và quát to câu tiếng Pháp học vội “hô-lê-manh” (giơ tay lên).Từ anh trai làng trốn nhà đi lính....

Từ anh trai làng trốn nhà đi lính....

Những ngày cuối tháng 4/2014, vị Đại tá về hưu Hoàng Đăng Vinh luôn bận rộn, không dễ gặp ông để nói chuyện dài. Trước cuộc hẹn phỏng vấn với chúng tôi, Đại tá có chuyến đi 3 ngày ở Sóc Sơn (Hà Nội) “kể chuyện Điện Biên” cho bộ đội nghe.

Ông Hoàng Đăng Vinh trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Giao thông
Ông Hoàng Đăng Vinh trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Giao thông

Có trực tiếp nghe chuyện chúng tôi mới vỡ ra vì sao năm đó anh lính trẻ trước khi quát sỹ quan cao cấp của Pháp trong hầm chỉ huy, đã nện một mũi súng rõ mạnh vào bụng tướng De Castries, sau này được đồng đội đặt biệt danh Vinh “lì”.

Năm 1952, mới 17 tuổi, vừa biết đọc biết viết, anh nông dân Hoàng Đăng Vinh trốn nhà (xã Tiền Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) vào huyện Nho Quan (Ninh Bình) tham gia nhóm tân binh của Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Đến cuối năm 1953, ông cùng đơn vị hành quân về Điện Biên.

Đêm 6/5/1954, đơn vị của ông Vinh nhận được lệnh tấn công vào khu trung tâm địch. Khi đánh vào cứ điểm 507, quân ta đã bị tổn thất lớn về lực lượng, Đại đội 399 và 363 chỉ còn lại vài người, Đại đội 360 dù chưa đánh nhưng mất một phần ba số chiến sĩ do bị pháo của địch bắn. Sáng 7/5, Đại đội 360 được bổ sung quân số và vũ khí.

14h chiều 7/5, pháo của ta đồng loạt bắn vào cứ điểm 507 và khu trung tâm của địch. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật lệnh cho các trung đội đồng loạt xung phong. Ông Vinh khi ấy là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đội 1 được phân công đánh vào chính giữa cứ điểm 507. Địch thua.

“Quân Pháp từ trong hầm trú ẩn nối đuôi nhau ra hàng, chẳng khác nào đàn mối bị vỡ tổ xông ra khỏi mặt đất sau một trận mưa lớn”, ông Vinh mô tả cảnh xung kích hầm chỉ huy quân Pháp. “Chỉ huy Tạ Quốc Luật ra lệnh bằng tiếng Pháp yêu cầu tất cả quân Pháp nằm xuống để các chiến sĩ của ta trèo qua người vào bên trong hầm bắt sống những tên địch còn cố thủ, lẩn trốn. Nhưng cứ đi được vài bước lại có chiến sĩ ngã sõng soài, bởi quân đầu hàng của Pháp nhổm dậy khi bị giẫm. Bỗng nhiên có tiếng hô to: “Cứ chính đầu nó mà chạy”, thế là các chiến sĩ cứ nhằm vào đầu mà bước. Quân Pháp đội mũ thép bảo vệ nên rất cứng. Khi bị chiến sĩ của ta giẫm trúng đầu, lính Pháp lại hất lên tạo thành những bước chạy liên hoàn rất nhanh để tiến vào trong. Cứ nghĩ lại cảnh đó tôi thấy khoan khoái lắm!”, ông Vinh vỗ đùi cười to.

Sau khi đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm 507, đơn vị tấn công qua cầu sắt, phát hiện phía xa có một mô đất nhô cao, xung quanh có 4 chiếc xe tăng chạy quay tròn. Ông Vinh nhớ lại: “Bùi Văn Nhỏ tóm được một tên lính Pháp ra hàng, kéo xuống giao thông hào vặn hỏi mới biết đấy là hầm của tướng De Castries. Tất cả anh em đều mừng rỡ, quyết định tấn công vào đây”.  Bốn quả thủ pháo được ném ra đã hất tung một xe tăng, một chiếc khác bị pháo binh bắn trúng, hai chiếc còn lại “chuồn” khỏi trận địa, lính bảo vệ hầm chỉ huy Pháp bỏ chạy. Di chuyển sát về phía cửa hầm, Bùi Văn Nhỏ ném quả thủ pháo cuối cùng vào miệng hầm, đất cát bắn tung tóe, khói thộc vào bên trong. Ngay sau đó có một sỹ quan Pháp giương cờ trắng và mời sỹ quan Việt Nam vào trong hầm chỉ huy.

Theo lệnh của Đại đội trưởng, Đào Văn Hiếu và Nguyễn Văn Lam có nhiệm vụ bịt cửa hầm, Hoàng Đăng Vinh, Bùi Văn Nhỏ theo chỉ huy Tạ Quốc Luật xuống hầm bắt chỉ huy quân Pháp. Khi ấy, trong hầm có trên 20 sỹ quan Pháp đang nhốn nháo, run rẩy, có người chui gầm bàn. Tất cả sĩ quan Pháp đều giơ tay hàng, riêng tướng De Castries vẫn ngồi yên. Chỉ huy Luật liền ra lệnh: “Đồng chí Vinh ra bắt tướng De Castries”. Ông Vinh kể tiếp: “Tôi chẳng thèm suy nghĩ nhiều, lao đến thúc thật mạnh mũi khẩu súng Tôm-xơn vào bụng của tướng De Castries, rồi mới thét câu tiếng Pháp học vội: “hô-lê-manh” (giơ tay lên). Lúc này, tướng De Castries vừa đau, vừa sợ, lùi lại vài bước run rẩy nói: “Xin các ông đừng bắn, tôi đầu hàng”.

Người may mắn

“Nếu ở vào tình huống như tôi, chắc chắn chiến sĩ nào cũng có thể bắt sống được tướng De Castries. Tôi chỉ là người may mắn có mặt trong thời khắc lịch sử ấy”, ông Vinh nói.

Sau chiến công bắt sống tướng De Castries, anh lính trẻ Hoàng Đăng Vinh được chọn là người thay mặt đơn vị về báo công với Bác Hồ. “Thực sự có nằm mơ tôi cũng chưa bao giờ dám nghĩ có ngày được gặp Bác. Khi nghe tin từ Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật thông báo, tôi vừa sung sướng lại vừa hồi hộp, lo lắng”.

Bác Hồ cùng với các chiến sĩ lập công xuất sắc ở chiến dịch Điện Biên Phủ (Trong ảnh ông Hoàng Đăng Vinh đứng thứ 4 hàng thứ 2)
Bác Hồ cùng với các chiến sĩ lập công xuất sắc ở chiến dịch Điện Biên Phủ (Trong ảnh ông Hoàng Đăng Vinh đứng thứ 4 hàng thứ 2)

Sáng 19/5/1954, xe chở 5 chiến sĩ có thành tích xuất sắc ở Điện Biên Phủ có mặt tại ATK Định Hóa, Thái Nguyên để chuẩn bị gặp Bác Hồ. “Hôm ấy, không có mít tinh, cũng chẳng có phông bạt hay khẩu hiệu gì, địa điểm chúng tôi gặp Bác dưới gốc cây cổ thụ gần nơi Bác ở. Lúc đến gần, nhìn thấy Bác và các đồng chí lãnh đạo, máy quay phim, máy ảnh chụp liên hồi, tôi luống cuống lắm, chân nọ đạp cả vào chân kia”, ông Vinh cho biết, những chiến sỹ cùng được gặp Bác dịp đó đều hồi hộp thế cả. Phải mất một lúc lâu, được Bác dẫn dắt câu chuyện, ông Vinh mới lấy hơi báo công bắt sống tướng De Castries với Bác (bằng bài viết chuẩn bị sẵn). Sau đó, Bác Hồ trao tặng huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên và phong tặng cho mỗi chiến sĩ một Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Đại tá Vinh chỉ về phía bức ảnh chụp ông và 4 chiến sĩ được Bác Hồ trao tặng huy hiệu được treo trang trọng chính giữa phòng khách của gia đình. Ông bảo đấy là tài sản giá trị nhất trong suốt cuộc đời của mình.

Nếu ở vào tình huống như tôi, chắc chắn chiến sĩ nào cũng có thể bắt sống được tướng De Castries. Tôi chỉ là người may mắn có mặt trong thời khắc lịch sử ấy”.

Ông Hoàng Đăng Vinh

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Vinh được đơn vị cử đi học tại Trường Sỹ quan Công binh. Năm 1957, chiến sĩ Vinh về quê ở huyện Phù Cừ (Hưng Yên), rồi cưới cô Nghiêm Thị Hiền, người liền thôn, khác xã, sinh được 5 người con, 2 trai, 3 gái. Sau đó, ông tiếp tục phục vụ Kháng chiến chống Mỹ với cương vị sỹ quan công binh, ở bên này sông tuyến. Ông Vinh về hưu năm 1991, với quân hàm Đại tá.

Trong căn nhà mái bằng cũ khoảng 30m2, nằm trong Khu tập thể Công binh (phường Vạn Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), Đại tá Hoàng Đăng Vinh sống cùng vợ Nghiêm Thị Hiền (76 tuổi) và cô con gái út. Lương hưu Đại tá và các khoản phụ cấp giúp cuộc sống của gia đình ông Vinh không đến nỗi nào, căn hộ nhỏ nhưng tiện nghi phản ánh rõ điều đó.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, hơn một lần ông Vinh tự nhận mình may mắn. 4 đồng đội cùng bắt sống tướng De Castries vào buổi chiều lịch sử 7/5/1954, gồm Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật (quê Thái Bình), Nguyễn Văn Lam (quê Nghệ An), Bùi Văn Nhỏ (quê Nghệ An) và Đào Văn Hiếu (quê Thanh Hóa). Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Vinh mất liên lạc với 4 người, đăng tin tìm đồng đội mãi mới bắt liên lạc được với ông Đào Văn Hiếu (Hiếu “điếc”) vào năm 1999, người cũng như ông Vinh “lì” tiếp tục tham gia cuộc Kháng chiến chống Mỹ, thương binh hạng 2/4, rời quân ngũ khi ở cấp Trung úy. Ông Hiếu đã mất hơn một năm. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật “về với Bác Hồ” trước ông Hiếu, được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2004. Đồng đội Bùi Văn Nhỏ cũng đã mất. Riêng Nguyễn Văn Lam hoàn toàn mất liên lạc, chỉ nghe qua người khác nói ông Lam đã hy sinh trong Kháng chiến chống Mỹ.           

Đình Quang

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.