Trao đổi với Báo Giao thông, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, dự thảo luật sẽ tập trung điều chỉnh nhiều chính sách đang bất cập, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT.
Bốn nhóm chính sách điều chỉnh
Vì sao việc sửa đổi luật được đặt ra trong thời điểm hiện nay, thưa bà?
Sau 15 năm thực hiện, Luật BHYT đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập. Mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách. Theo đó, 4 nhóm chính sách được tập trung xây dựng, điều chỉnh.
Thứ nhất, điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan.
Thứ hai, điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn.
Thứ ba, điều chỉnh các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh BHYT.
Thứ tư, phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả. Theo đó, dự thảo sửa đổi đề xuất điều chỉnh chi phí quản lý tối đa 5% như quy định hiện hành xuống tối đa 4% cho hoạt động quản lý quỹ BHYT. Phần còn lại 1% bổ sung vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT
Vậy theo bà, các chính sách trên được đề xuất điều chỉnh cụ thể ra sao?
Về đối tượng tham gia bảo hiểm, đầu tiên là cập nhật các đối tượng mà Luật BHXH vừa được Quốc hội thông qua. Tiếp đến là khác biệt hóa các đối tượng đang được quy định trong các nghị định, các luật chuyên ngành khác có liên quan. Trên cơ sở đó, có một số đối tượng mới như người lao động có hợp đồng lao động trước kia ký 3 tháng mới tham gia BHYT thì giờ là 1 tháng trở lên.
Trong trường hợp không có giải pháp nào để đảm bảo mở rộng chi trả và cân đối Quỹ BHYT, chúng ta cũng cần tính đến tăng mệnh giá thẻ BHYT để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên cần đánh giá tác động nhiều mặt để quyết định mức tăng, thời điểm tăng.
Bà Trần Thị Trang
Mục tiêu tập trung các đối tượng vào luật để dễ tra cứu, thuận lợi trong tổ chức thực hiện; tăng thêm nguồn thu cho Quỹ BHYT đối với một số đối tượng mới, đồng thời thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.
Về phạm vi quyền lợi về BHYT, trong đó có mở rộng thanh toán chi phí khám, chữa bệnh tại một số các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến; hoặc khám chữa bệnh tự đến, không đi từ cơ sở khám chữa bệnh đăng ký ban đầu, chuyển cơ sở khám chữa bệnh. Mục tiêu là tăng một phần quyền lợi của người tham gia BHYT.
Ví dụ, hiện với một số trường hợp người bệnh được thông tuyến đến tuyến huyện, nhưng Luật BHYT hiện hành quy định không có trung tâm y tế huyện, chỉ khám chữa bệnh ngoại trú và chỉ có phòng khám đa khoa. Lần này chúng tôi cập nhật các trung tâm y tế huyện khám chữa bệnh ngoại trú và phòng khám đa khoa vào để người dân đến đây, được hưởng BHYT 100%.
Với một số bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng cần sử dụng kỹ thuật cao, hiện nay người dân phải lấy giấy chuyển tuyến trong năm từ dưới lên cơ sở khám chữa bệnh đủ năng lực ở tuyến trên. Tại dự thảo lần này sẽ lựa chọn một số bệnh mà biết rõ người dân cần lên tuyến trên điều trị, không nhất thiết phải có thủ tục chuyển tuyến.
Như vậy người dân vừa thuận tiện, vừa tránh phát sinh chi phí khám, chữa bệnh trùng lặp 2 lần, vừa khám tuyến dưới vừa khám tuyến trên.
Ngoài ra, người bệnh khám chữa bệnh có thể đăng ký ở bất kỳ đâu nhưng nếu đi về khám chữa bệnh ở trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế huyện cũng đều được hưởng 100% phạm vi quyền lợi mà không phải đồng chi trả.
Việc cân đối quỹ bảo hiểm y tế được tính toán ra sao, thưa bà?
Với các chính sách trên, chúng tôi cũng đã có đánh giá tác động bởi việc cân đối thu chi quỹ BHYT rất quan trọng.
Trong những năm vừa qua, trừ 3 năm Covid-19, tỷ lệ tham gia BHYT tăng, số lượng khám bệnh, chi phí khám chữa bệnh đều tăng do nhiều yếu tố như mức sống tăng, giá dịch vụ tăng, lương cơ sở tăng. Chúng tôi cũng tính toán điều chỉnh mức tối thiểu, phù hợp với khả năng cân đối của quỹ.
Đến nay, cả nước có 95 triệu người tham gia BHYT. Năm 2023 tổng thu quỹ BHYT là 126 nghìn tỷ, kết dư đến hết 31/12/2023 là khoảng 40 nghìn tỷ. Từ 1/7/2024, tăng mức lương cơ sở và dự kiến sẽ thu thêm mức tăng tiền lương này. Quỹ BHYT sẽ có mức thu 135-140 nghìn tỷ mỗi năm, như vậy dự kiến đủ mức cân đối thu chi.
Hiện có một số ý kiến đề xuất gia tăng phạm vi một số quyền lợi khác như chẩn đoán sàng lọc, BHYT bổ sung, dinh dưỡng điều trị, tuy nhiên tại thời điểm này là một khó khăn, thách thức. Vì vậy, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu.
Bảo vệ quyền lợi người tham gia BHYT
Với các trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục chi trả bảo hiểm y tế do cơ sở thiếu thuốc, vật tư có được tính đến trong dự thảo không?
Về việc chi trả trong trường hợp thiếu thuốc, Bộ Y tế đã đưa ra 2 giải pháp để bổ sung vào Luật BHYT sửa đổi trình Quốc hội vào tháng 10 tới đây.
Thứ nhất, trường hợp cơ sở y tế thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế do khách quan, bất khả kháng như đã đấu thầu nhưng không lựa chọn được thuốc trúng thầu, hoặc người bệnh phát sinh bệnh tăng nặng nhưng bệnh viện không có thuốc dự trù... thì bệnh viện được lấy thuốc, vật tư y tế, điều chuyển thuốc, vật tư y tế từ bệnh viện khác về và bệnh viện thanh toán trực tiếp với cơ quan BHXH theo giá mà BHXH đang thanh toán.
Như vậy, người bệnh không phải trực tiếp mua ngoài, mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm mua để bảo đảm điều trị cho người bệnh.
Thứ hai, trong trường hợp điều chuyển cũng không có thuốc vì nguyên nhân đứt gãy cung ứng thì cho phép mua lẻ cho từng trường hợp ở bên ngoài mà không phải tổ chức đấu thầu.
Cả hai biện pháp này bảo đảm người bệnh không phải lo lắng đi mua thuốc ngoài, ảnh hưởng đến chất lượng thuốc, mà đây là trách nhiệm của cơ sở y tế cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế và BHYT thanh toán trực tiếp với cơ sở. Quy định này rất kịp thời, nhân văn.
Nghiên cứu danh mục thuốc cập nhật
Còn với đề xuất thanh toán BHYT cho bệnh nhân ung thư và bệnh hiểm nghèo ra sao, thưa bà?
Vấn đề thanh toán cho những bệnh có chi phí điều trị lớn trong đó có bệnh hiểm nghèo, bệnh ung thư đúng là câu chuyện khó khăn trong khi quỹ BHYT có hạn.
Hiện nay về mặt quyền lợi, Luật BHYT quy định tỷ lệ điều kiện thanh toán, mức hưởng đồng đều cho các bệnh không có phân biệt. Trong danh mục thuốc BHYT, có 76 thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch, chiếm khoảng 7.600 tỷ/năm chi phí điều trị.
Bộ Y tế đang xây dựng danh mục thuốc cập nhật và trên cơ sở đánh giá tác động sẽ đưa vào một số thuốc mới chưa nằm trong danh mục BHYT để có thể từng bước chi trả cho người bệnh. Để phù hợp với khả năng cân đối của quỹ BHYT, sẽ tính đến chi trả theo tỷ lệ điều kiện hoặc 100% tùy loại.
Một năm có 1.500 ca ung thư mắc mới, chưa kể số tích lũy cộng dồn, lượng bệnh nhân rất lớn. Do vậy, chúng ta cần khuyến khích sàng lọc sớm và từng bước nghiên cứu đưa vào phạm vi chi trả BHYT ở mức độ phù hợp sau đánh giá tác động một cách thấu đáo.
Cũng cần tính đến phương thức chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT mới khác nữa, như kinh nghiệm của một số quốc gia khác đã làm. Ví du, trong phạm vi đóng - hưởng có thể có thêm các gói chi trả quyền lợi riêng; hoặc áp dụng phương thức thanh toán mới với các thuốc đắt tiền...
Cảm ơn bà!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận