Liên quan đến vụ người đàn ông ở Cà Mau không chấp nhận lời xin lỗi của Viện KSND huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau), luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc Công ty Luật Tín Nghĩa (TP.HCM) đã có chia sẻ với Báo Giao thông.
Theo đó, người được xin lỗi và cải chính công khai là anh Phan Thanh Sang (ngụ ấp Tân Hòa, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau).
Anh Phan Thanh Sang nêu ý kiến tại buổi công khai xin lỗi vào hôm 24/8.
Người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện
Luật sư Hồ Nguyên Lễ cho rằng, theo quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án quy định Nguyên tắc bồi thường của Nhà nước về việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật.
Đồng thời được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này.
Tại buổi xin lỗi vừa qua, anh Sang - người bị oan sai không đồng ý lời xin lỗi của Viện KSND vì lý do: “Cơ quan tố tụng đã không đặt mình vào vị trí của người oan sai để có những lời xin lỗi cầu thị, chân thành. Do vậy, tôi không chấp nhận lời xin lỗi này”.
Điều này chứng tỏ hai bên chưa thực hiện việc xin lỗi bồi thường trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường.
Tại Chương II của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định người bị oan sai có quyền yêu cầu bồi thường đối với những thiệt hại sau:
Bị thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, bị thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, bị thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm. Bị thiệt hại về tinh thần, bị thiệt hại các chi phí khác.
Ngoài ra, người oan sai được phục hồi danh dự. Việc phục hồi danh dự đối với người oan sai bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện bằng các hình thức: trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai tại nơi cư trú, đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.
“Điểm quan trọng nhất là việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật.
Nếu các bên không thương thượng được việc xin lỗi, bồi thường thì bên bị oan sai, thiệt hại có quyền trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện.
Theo đó, yêu cầu tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường. Tòa án có thẩm quyền là Tòa án huyện Cái Nước", luật sư Lễ nêu quan điểm.
Bà Từ Thanh Thùy, Viện trưởng Viện KSND huyện Cái Nước (Cà Mau) trình bày lời xin lỗi đối với anh Phan Thanh Sang.
Không chấp nhận lời xin lỗi
Như Báo Giao thông đã đưa tin, ngày 24/8, tại UBND xã Thạnh Phú (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), Viện KSND huyện Cái Nước tổ chức buổi xin lỗi và cải chính công khai đối với anh Phan Thanh Sang (ngụ ấp Tân Hòa, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước).
Tại buổi công khai xin lỗi, bà Từ Thanh Thùy, Viện trưởng Viện KSND huyện Cái Nước cho biết, ngày 6/3/2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cái Nước đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với anh Phan Thanh Sang. Anh bị khởi tố về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại khoản 1, Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Qua công tác điều tra, truy tố, cơ quan chức năng nhận thấy hành vi của anh Sang không cấu thành tội phạm. Nên ngày 19/5/2022, Viện KSND huyện Cái Nước đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ vụ án đối với bị can đối với anh Phan Thanh Sang.
“Theo quy định của pháp luật, việc để xảy ra oan sai đối với anh Sang thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Việc xảy ra oan sai cho anh Sang là ngoài ý muốn của cơ quan tiến hành tố tụng và đã gây tổn thất lớn về vật chất, tinh thần và danh dự đối với anh Sang cùng gia đình”, bà Thùy nói.
Qua đây, Viện KSND huyện Cái Nước đại diện cho các cơ quan tiến hành tố tụng huyện chân thành xin lỗi anh Phan Thanh Sang cùng gia đình. Mong anh có thể vượt qua khó khăn để sớm ổn định cuộc sống.
Tại buổi xin lỗi, anh Phan Thanh Sang cho rằng, anh chưa nhận được sự cầu thị từ cơ quan tố tụng đối với những lỗi lầm của họ gây ra cho người dân.
“Cơ quan tố tụng đã không đặt mình vào vị trí của người oan sai để có những lời xin lỗi cầu thị, chân thành. Do vậy, tôi không chấp nhận lời xin lỗi này”, anh Sang nói.
Anh Sang cho rằng, thời điểm anh bị truy tố, bản thân anh phải chăm sóc mẹ già, vợ và 2 con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học. Từ khi anh bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi trú, mọi hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ, tê liệt.
Theo hồ sơ tố tụng, do trước đây có tranh chấp ranh đất với chủ cũ phần đất trên nên khi hay tin ông Nguyễn Hiền Lương nhận chuyển nhượng lại phần đất, anh Phan Thanh Sang đã nhiều lần liên hệ ông Lương giải quyết nhưng không thành.
Đến ngày 11/10/2019, sau nhiều lần chờ đợi, anh Sang nhắn tin cho ông Lương ấn định ngày 30/10/2019 cùng tiến hành đo đạc cắm mốc ranh đất. Nếu ông Lương vẫn không phối hợp, anh Sang sẽ tự làm và không chịu trách nhiệm về sau.
Đến 31/10/2019, anh Sang thuê người đến khu vực phần đất của ông Lương để cắt cầu thang bằng kẽm và đập phá 6 lỗ tường. Vì anh Sang cho rằng phần cầu thang và những bức tường của khu nhà nằm trên phần đất của anh.
Quá trình bị truy tố, anh Sang đã cung cấp cho tòa án bảng xác nhận do chính ông Nguyễn Hiền Lương ký về việc yêu cầu xem xét không xử lý hình sự đối với anh.
Trải qua nhiều phiên tòa, TAND huyện Cái Nước đều trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đến ngày 19/5/2022, bà Từ Thanh Thùy ký quyết định về việc đình chỉ vụ án, đình chỉ vụ án đối với bị can Phan Thanh Sang vì “hành vi không cấu thành tội phạm” theo quy định tại khoản 2, Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận