Vợ chồng không giấu nhau chuyện gì
Người ta nhớ đến Chu Lai với những trang viết về chiến tranh và lối văn "sầm sập như mưa giông chớp giật". Ở chốn đông người, người đàn ông hào sảng, phong trần ấy lúc nào cũng đem theo bầu không khí ồn ào, huyên náo.
Vợ chồng nhà văn Chu Lai - Vũ Thị Hồng.
Nhưng vợ ông - nữ nhà văn, đại tá Vũ Thị Hồng lại trái ngược. Bà lúc nào cũng nhẹ nhàng, ấm cúng. Bà là vợ, cũng là "bà đỡ" các tác phẩm văn chương của chồng. Nhà văn Chu Lai từng tiết lộ: "Cô ấy biên tập từng chương trong "Nắng đồng bằng" và cuối cùng là biên tập cả cuộc đời tôi". Cuốn tiểu thuyết đầu tay ấy của ông cũng chính là "bà mối" se duyên cho hai ông bà.
Vợ chồng cùng xông pha trong chiến trường, cùng trải qua những khó khăn, vất vả nên dễ tìm được tiếng nói chung và sự đồng cảm. Năm 2016, ở tuổi 62, ông ấy đích thân lái xe đưa tôi đi xuyên Việt, thăm lại chiến trường xưa. Ký ức ùa về đã thôi thúc tôi lên kế hoạch cầm bút trở lại.
Nhà văn Vũ Thị Hồng
"Ông Chu Lai viết "Nắng đồng bằng" trong lần dự trại sáng tác ở Đà Lạt năm 1977-1978. Đây là tác phẩm kỷ lục khi ông ấy hoàn thành chỉ trong vòng một tháng. Sau này, tôi đều là người đọc đầu tiên và góp ý cho các tác phẩm của ông ấy. Không hiểu sao cảm hứng của ông ấy lúc nào cũng dồi dào, viết rất nhiều", nữ nhà văn tâm sự.
Có một điều đặc biệt là trong văn chương của Chu Lai luôn có bóng dáng của phụ nữ. Hỏi bà nghĩ gì, bà chỉ cười: "Tiểu thuyết nào, kịch bản nào của ông ấy mà chẳng có những bóng hồng thấp thoáng. Thậm chí, có nhân vật tôi biết rõ ở ngoài đời là ai, còn biết đó là những mối tình thấp thoáng của chồng. Ông ấy không giấu tôi chuyện gì, tôi cũng vậy.
Tôi luôn dành cho những nhân vật ấy sự yêu thương, tôn trọng. Thỉnh thoảng, tôi còn chăm chút, điểm xuyết cho các câu chuyện, nhân vật ấy thêm đẹp, thêm hấp dẫn hơn. Cùng là phụ nữ trong chiến tranh, thương nhau chẳng hết".
Văn chương là duyên, cũng là nợ
Hết lời ca ngợi ngọn lửa văn chương của chồng, nhưng Vũ Thị Hồng lại nhận mình là người thiếu cần cù, khả năng với việc viết lách. Nhưng có lẽ bà khiêm tốn mà nói vậy. Bởi mấy ai vừa biên tập hàng chục đầu sách cho chồng, vừa công tác ở đơn vị nhà nước, lại có trong tay 4 tập truyện ngắn, 2 cuốn tiểu thuyết và mới đây là tập truyện ký "Chạm vào ký ức".
Nhà văn, đại tá Vũ Thị Hồng thời trẻ và ngày nay.
Sống trong gia đình có truyền thống văn chương, nghệ thuật, bố chồng là nhà viết kịch Học Phi, anh trai chồng là nhà văn Hồng Phi và chồng cũng là nhà văn nổi tiếng, nhưng bà không cảm thấy áp lực về việc sáng tác.
"Chồng luôn thúc giục tôi viết. Nhưng trước đây, công việc của tôi rất bận, đi công tác suốt, không có thời gian ngồi viết.
Đến năm 2022, tình cờ tìm lại được cuốn nhật ký hồi đi B, ghi vội bên những hố bom, hay giữa những trận sốt rét ác tính… biết bao cảm xúc ùa về. Truyện ký "Chạm vào ký ức" ra đời là như thế.
Tôi may mắn được trở về bình an nên thấy có nghĩa vụ phải trả nợ cuộc đời này. Trả nợ một người dân cho ở nhờ trong đêm lạc đơn vị, trả nợ người đồng chí trút hơi thở cuối cùng trên tay mình, trả nợ bà má đã nấu bữa cơm cứu đói…", bà tâm sự, đôi mắt rưng rưng.
Những tháng năm rực rỡ
Hỏi về duyên cớ với văn chương, bà thừa nhận dù giỏi văn nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ thành nữ phóng viên, nhà văn hiếm hoi có mặt ở chiến trường thời chống Mỹ, với bí danh Nguyễn Thị Bắc Hà.
Bước ngoặt cuộc đời của bà là khi bố qua đời sau trận ném bom của Mỹ vào nhà số 140 phố Huế ngày 22/8/1967. Chí căm thù giặc đã thôi thúc cô gái 20 tuổi giấu căn bệnh đau khớp, mắt kém để xung phong làm phóng viên ở các chiến trường phía Nam.
"Gần ba tháng trời, tôi đeo ba lô trĩu vai hành quân trên con đường mòn chênh vênh một bên là vách núi Trường Sơn, bên kia là vực sâu thăm thẳm. Chốn rừng thiêng nước độc, chúng tôi leo đồi, lội suối, vượt sông, đói, rét… nhưng vẫn không ai kêu khổ, cứ băng băng tiến về phía trước", bà nhớ lại.
Nhiệm vụ của nhà văn, nhà báo ra mặt trận là ghi nhận, thu thập tài liệu để viết. Bà chọn sát cánh bên bộ đội, cùng sống, cùng chiến đấu như một người lính thực thụ. Bà không nhớ đã bao lần vượt qua lằn ranh sinh tử.
"Có lần, theo Trung đoàn 38 đánh vào quận lỵ Quế Sơn, Quảng Nam. Khắp nơi, đạn pháo cối đanh trời. Chiếc ba lô bên trong là vài bộ quần áo gấp gọn, cuốn vở ghi chép đã lĩnh trọn mảnh vỡ của bom, cứu tôi thoát chết. Đổi lại, một mảnh bom khác đã khiến tôi phải khâu 12 mũi.
Vết sẹo đến nay vẫn chưa phai, tấm áo bà ba, quyển vở bị xuyên một lỗ thủng và chiếc ba lô cứu mạng đến giờ vẫn còn đây", nữ nhà văn bồi hồi nhớ lại.
Giờ đây, ở tuổi 74, bà sống an yên bên chồng, con và các cháu. Chồng bà - nhà văn Chu Lai đang ấp ủ một chuyến đi xuyên Việt nữa: "Ông ấy lại đòi đi, lại trở về chiến trường xưa. Dự định để vợ đi máy bay, rồi tự lái xe rồi gặp nhau ở đấy. Cả nhà đang phản đối, không cho đi, sức khỏe cũng yếu rồi. Nhưng chẳng biết ông ấy thế nào, có nghe không".
Đại tá, nhà văn Vũ Thị Hồng sinh năm 1950, quê Bắc Ninh, nguyên là phóng viên tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ, biên tập viên của Nhà xuất bản QĐND, Trưởng ban Phụ nữ quân đội. Một số tác phẩm của bà gồm: "Tiếng rừng" (Tập truyện ngắn, 1984), "Trở lại là em" (tiểu thuyết, 1991), "Xóm biển" (Tập truyện ngắn, 1983), "Có một thời yêu" (Tập truyện ngắn, 1990)… Bà và nhà văn Chu Lai kết hôn năm 1997, có một người con trai, hiện đang làm phóng viên tại một tòa soạn ở Hà Nội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận