Nhóm lãnh đạo và chuyên gia của dự án JobWay trong một lần tư vấn hướng nghiệp trực tuyến tại Cần Thơ đầu tháng 5 vừa qua
Khởi nghiệp từ... sai lầm của giới trẻ
Hơn 10 năm trong nghề, bất cứ khi nào ngồi vào bàn tư vấn mùa tuyển sinh, TS. tâm lý Đào Lê Hòa An (Phó viện trưởng Viện Việt Nam bách nghệ thực hành), vẫn luôn nhận được những câu hỏi như: “Thầy ơi, em không biết mình thích gì / giỏi gì?; Em nên học ngành này ở trường nào?”... Thậm chí, có những bạn còn không hiểu rõ việc chọn ngành, chọn nghề khi hỏi “18 điểm em nên vào trường nào, ngành nào?”…
“Nhiều sĩ tử lo sợ sẽ bị điểm thấp trong kì thi THPT nhưng quên mất rằng, nếu rớt, bạn chỉ tốn 1 năm để thi lại, còn nếu nộp đại vào một ngành, nghề không yêu thích, đam mê thì bạn mất cả đời để sống với nó. Có trường hợp khả quan hơn, dũng cảm và nghiêm túc tìm kiếm đam mê cho mình, thì họ cũng đã phí nhiều năm ngồi trên giảng đường, tốn thời gian, phí công sức, mất tiền bạc...”, ông An chia sẻ.
Ứng dụng hướng nghiệp JobWay đã đạt giải đặc biệt trong cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020 do T.Ư Đoàn TNCS HCM và Bộ GD&ĐT tổ chức 2020. Hiện chưa có công cụ đo lường hiệu quả cụ thể, tuy nhiên bước đầu JobWay đã tạo môi trường hướng nghiệp hiện đại miễn phí, định hình tư duy chủ động chọn ngành nghề cho giới trẻ, thay vì phải theo cách áp đặt của gia đình như trước. Trong tương lai khi dự án hoàn thiện JobWay sẽ thực sự là một kênh thông tin hướng nghiệp bổ ích cho giới trẻ cả nước”.
Anh Nguyễn Nhất Linh, Phó trưởng ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Cũng gần 2 năm trước, Nguyễn Thị Hoàng Anh (Thạc sĩ quản trị nhân sự ĐH Western Sydney, Úc) trở về nước, quyết định khởi nghiệp từ chính những sai lầm của bản thân, học một ngành nhưng đi làm một công việc không phù hợp.
“Tôi nhận thấy bản thân mình cũng giống hàng triệu học sinh cuối cấp mỗi năm đều không thể tự hướng nghiệp vì thiếu công cụ. Các em phải tự mày mò, hỏi thăm bạn bè, dẫn đến việc thông tin có sai lệch…”, Hoàng Anh tâm sự.
Vậy là 2 con người, 2 “mảnh ghép” trên đã gặp nhau, cùng sáng lập dự án ứng dụng tư vấn hướng nghiệp JobWay.
“Ứng dụng này tích hợp các thông tin khoa học và tính năng tương tác với chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp và hoàn toàn miễn phí. Chính mục tiêu nhân văn này đã giúp dự án nhanh chóng tập hợp được đội ngũ chuyên gia về giáo dục, tâm lý, hướng nghiệp và công nghệ để hiện thực hóa sản phẩm”, Hoàng Anh chia sẻ.
Chỉ trong vòng 6 tháng từ khi lên ý tưởng, App JobWay đã tung bản thử nghiệm vào tháng 11/2019, sau đó là bản chính thức trên cả 2 nền tảng: CH Play và Appstore.
“Với ứng dụng Jobway, người dùng có thể đặt câu hỏi cho các chuyên gia hướng nghiệp và được trả lời miễn phí trong vòng 24 - 36 tiếng. Mặt khác, giới trẻ cũng có thể hiểu chính mình thông qua việc thực hiện 2 bài trắc nghiệm tính cách và nghề nghiệp. Các em cũng có thể tìm hiểu thông tin các trường, các ngành học, tin tức mới nhất liên quan trực tiếp đến việc chọn ngành, chọn nghề. Đặc biệt, không chỉ phục vụ đối tượng học sinh, ứng dụng còn có thể hỗ trợ, tư vấn cho sinh viên, giáo viên, phụ huynh, trở thành cầu nối giữa các con và gia đình”, Hoàng Anh phân tích.
Và chuyện vét tiền túi để “đập đi xây lại”
Giao diện app hướng nghiệp JobWay
Nguồn kinh phí để có thể hiện thực hóa từ ý tưởng ban đầu thành sản phẩm có thể triển khai cho hàng trăm nghìn học sinh sử dụng là một số tiền không hề nhỏ. “Trung bình, chi phí chúng tôi phải bỏ ra từ khi nghiên cứu tới ra mắt ứng dụng hiện nay khoảng 400 triệu đồng/tháng. Và giai đoạn tới vẫn còn rất nhiều việc phải làm để nâng cấp hoàn thiện ứng dụng…”, TS. Hòa An chia sẻ.
Tương tự, với vai trò Giám đốc Dự án, Hoàng Anh cho biết: “Mô hình kinh doanh là điều khiến mọi Startup đều thấy khó khăn, đặc biệt với một sản phẩm và giải pháp chưa có trên thị trường. Do đó, chúng tôi phải dò dẫm, thử và sai, đập đi xây lại nhiều lần và mỗi lần ấy đều phải trả giá bằng tiền, mồ hôi và nước mắt”.
Để có kinh phí đầu tư, các thành viên sáng lập của JobWay đã phải tỏa đi giảng dạy, báo cáo tại các diễn đàn, các buổi talk show... Tuy nhiên, kể từ đầu 2020, dịch Covid-19 ập đến, hầu hết chương trình giảng dạy đều bị huỷ, nguồn thu để “nuôi” ứng dụng đều bị ngưng trệ.
“Cũng trong lúc này, nhu cầu được hướng nghiệp của học sinh lại rất lớn, nếu App được hoàn thiện và ra mắt kịp thời điểm các em phải nghỉ ở nhà, thì sẽ trở thành công cụ rất an toàn và hiệu quả. Chúng tôi đã phải sử dụng đến 3 cây vàng, tài sản tiết kiệm cuối cùng trong những năm tháng làm công tác giảng dạy, đào tạo để đầu tư cho JobWay”, ông Hòa An chia sẻ.
Những nỗ lực đã mang về trái ngọt khi phiên bản đầu tiên của JobWay được hơn 15.000 lượt tải hoàn toàn tự nhiên. Tới nay, Jobway đã có hơn 30.000 người dùng là học sinh, phụ huynh và giáo viên.
Nguyễn Hữu Lan Anh, lớp 12, Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh, TP. HCM) cho hay, trước khi biết tới JobWay, em đã quyết định đăng ký hồ sơ vào ngành Thiết kế đồ họa của ĐH Mỹ thuật, song vẫn còn khá lăn tăn với câu hỏi “nên làm nghề mình thích hay nghề kiếm nhiều tiền mà lại không thích?” .
“Tại trường, chúng em cũng được nghe các buổi tư vấn hướng nghiệp và cho làm các bài test trắc nghiệm. Kết quả nhiều người cho rằng em phù hợp với nghề quản lý văn phòng hơn. Tuy nhiên, với JobWay, app có nhiều tính năng dễ sử dụng và tra cứu, đặc biệt với bộ câu hỏi điều tra sâu về tính cách và nghề nghiệp, em đã hoàn toàn tự tin với lựa chọn của mình”, Lan Anh chia sẻ.
Tương tự, em Nguyễn Viết Trường, lớp 12 trường THPT Thượng Cát (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, chỉ khi tiếp cận ứng dụng JobWay, em mới hiểu mình thích gì và muốn gì… “Em học đều đều các môn, cũng không rõ mình sẽ phù hợp với lĩnh vực nào nên đành nghe theo lời bố mẹ hướng vào nghề Kỹ thuật ô tô của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho gần nhà. Thế nhưng với JobWay sau khi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm “hiểu mình”, “hiểu nghề” và được tư vấn em mới có thể hình dung mình nên đi theo ngành Marketting”, nam sinh nói.
“Đầu tiên là tiền đâu”?
JobWay đặt mục tiêu tới kỳ thi tuyển sinh 2022-2023, sẽ tiếp cận khoảng 1 triệu học sinh cuối cấp, được tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp.
Trong tương lai xa hơn, ứng dụng sẽ được nâng cấp, đa dạng hoá các tính năng, chuyển tải phòng “tư vấn tâm lý học đường” từ trực tiếp lên trực tuyến, học sinh sẽ được tiếp cận với sự hỗ trợ tâm lý 24/7, thực hiện livestream trên nền tảng App, đăng ký chọn trường trực tiếp…
JobWay không chỉ cung cấp thông tin hướng nghiệp mà còn tư vấn sức khỏe tâm sinh lý, vấn đề nảy sinh với cha mẹ mà các em học sinh thường gặp phải trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thông qua phản hồi, nhiều học sinh bày tỏ niềm cảm kích vì nỗi niềm của mình được giải tỏa. So với hình thức tư vấn hướng nghiệp trực tiếp, JobWay hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh dịch dã phức tạp, ngoài việc tăng tính tương tác còn tiết kiệm chi phí thời gian cho các học sinh lẫn các trường đại học trong công tác tuyển sinh.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Quyền trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Cần Thơ
Để đạt được mục tiêu này, ông Hòa An cho biết, ít nhất JobWay phải xây dựng mạng lưới thành viên cộng tác lên tới cả triệu người, theo phân cấp về lĩnh vực và trình độ từ sinh viên đến người đi làm có kinh nghiệm và chuyên gia cao cấp.
“Hiện chi phí trung bình chúng tôi phải chi trả cho mỗi câu trả lời từ các chuyên gia khoảng 50.000 đồng/câu. Với mục tiêu tiếp cận khoảng 1 triệu học sinh cuối cấp III, đặt giả thiết chỉ khoảng 10% người dùng tương tác, có nghĩa ít nhất 100 nghìn câu hỏi gửi về trong riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT, chi phí tối thiểu lên tới 5 tỷ đồng, chưa kể thiết kế đồ họa, vận hành công nghệ IT… thì quả thật sẽ là con số lớn”, ông An nói.
Trong khi vẫn kiên định mục tiêu “miễn phí” thì chi phí vận hành và phát triển từ nay tới 2023 của JobWay được dự tính sẽ “ngốn” khoảng 20 tỷ đồng. “Học sinh được dùng miễn phí nhưng chúng tôi vẫn có kinh phí hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa như các trường học, đơn vị giáo dục và DN… Đổi lại, thương hiệu và hình ảnh của họ cũng được quảng báo trên JobWay”, ông An thông tin.
Tuy nhiên, không phải nguồn hỗ trợ nào cũng được JobWay đón nhận. “Thời gian qua, đã có đơn vị muốn đầu tư 10 tỷ đồng và muốn JobWay trở thành ứng dụng độc quyền nên team đã từ chối”, ông An nói và chia sẻ : “JobWay luôn muốn giữ sự trung lập và khách quan nhất trong câu chuyện hướng nghiệp, hướng nghề và hướng trường. Ở mỗi sân ga tiếp theo, chúng tôi luôn sẵn sàng chào đón những người đồng hành mới và đôi khi là tạm biệt những thành viên không còn chia sẻ giá trị chung”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận