Bị cáo Trần Đình Lương tại phiên xét xử phúc thẩm
Thực tế đau lòng người chết, kẻ vào tù cùng lời nhắc nhở “một điều nhịn, chín điều lành” của vị thẩm phán tại phiên tòa khiến nhiều người giật mình suy ngẫm.
Án mạng từ mâu thuẫn nhỏ
Gần 1 năm trôi qua, nhưng người dân xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An vẫn chưa thôi ám ảnh vụ án mạng đau lòng giữa hai người hàng xóm. Việc Trần Đình Lương (SN 1989) được xác định là hung thủ của vụ án mạng càng khiến nhiều người bất ngờ hơn.
Trần Đình Lương lớn lên trong gia đình không trọn vẹn khi bố mẹ ly hôn sớm. Sau khi bố mẹ đường ai nấy đi, Lương sống cùng người mẹ nghèo. Để có tiền nuôi con, người mẹ ấy đành gửi Lương cho ông bà rồi đi làm thuê xa. Mẹ đi biền biệt, Lương sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm. Ông bà già yếu, gia cảnh khó khăn, hết lớp 9, Lương bỏ học đi làm thuê để trang trải cuộc sống.
Đến tuổi trưởng thành, Lương xây dựng tổ ấm với người phụ nữ cùng cảnh ngộ. Đôi vợ chồng trẻ tá túc trong căn nhà nhỏ mà bà con lối xóm xây cho người mẹ trước đó. Không lâu sau, vợ chồng Lương sinh được hai đứa con có nếp, có tẻ. Tưởng chừng cuộc sống gia đình từ đây sẽ bình yên thì mẹ của Lương qua đời.
Mất đi chỗ dựa tinh thần, Lương càng buồn sầu và hiểu rằng bản thân phải tự đứng lên bằng đôi chân của mình. Chăm chỉ làm ăn nhưng cái nghèo vẫn bám riết gia đình Lương. Dù vậy, vợ chồng Lương vẫn động viên nhau cùng cố gắng vì các con. Hoàn cảnh thiệt thòi cùng sự nghèo khó đeo bám riết con người vốn hiền lành, chịu khó ấy càng khiến hàng xóm thương cảm, quý mến.
Vì vậy, việc anh chàng Lương cần cù, hiền như đất bỗng vung dao giết hàng xóm khiến người dân nơi đây bàng hoàng, không muốn tin vào sự thật.
Vụ án xảy ra vào ngày 8/5/2020, sau khi ăn tối xong, Lương đi xe máy đến nhà hàng xóm uống nước chè. Ngồi cùng Lương, ngoài chủ nhà còn có anh Nguyễn Công Hoan. Cuộc nói chuyện càng thêm vui khi Lương và anh Hoan có màn cá cược “máy cày của ai khỏe hơn”. Lương về nhà, điều khiển máy cày của gia đình đến nhưng anh Hoan thì không.
Sau đó, mọi người tiếp tục ngồi uống nước chè thì anh Phan Trọng Minh đến chung vui. 22h cùng ngày, Lương điều khiển máy cày đi về thì va chạm với xe máy của anh Minh. Vụ va chạm nhẹ, anh Minh chỉ bị đổ xe máy, xây xước nhẹ nhưng Minh đã đánh Lương. Hai bên sau đó có cự cãi nhau.
Sau khi về nhà, dù bị đánh, Lương vẫn muốn quay lại xin lỗi anh Minh để giữ hòa khí hàng xóm láng giềng. Tại quán tạp hóa nơi trước đó mọi người ngồi, Lương mua 1 két bia để xin lỗi anh Minh nhưng không được chấp nhận. Lúc này, giữa Lương và Minh cãi nhau. Minh gọi điện cầu cứu bạn và anh trai là Phan Trọng V. (SN 1968).
Nghe em trai “cầu cứu”, V. chạy đến, chỉ tay vào Lương nói “chú mi mới đến mà láo rứa”. Thấy hai bên xảy ra mâu thuẫn, mọi người đã can ngăn khuyên Lương về nhà. Tuy nhiên, sau đó, Lương lại cầm dao đến đâm 4 - 5 nhát vào người anh V. khiến nạn nhân tử vong. Sau đó, Lương ra đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Lời xin lỗi muộn màng
Cuối tháng 3, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Đình Lương về tội Giết người, bị cáo khai không cố tình làm ngã xe máy của anh Minh.
Tuy nhiên, khi biết mình có 1 phần lỗi, bị cáo đã chủ động xin lỗi, mua bia đến xem như tạ tội những vẫn không được chấp nhận. Bị cáo cũng cho rằng, việc sau đó thấy anh Minh gọi hai người đến uy hiếp, đe dọa khiến bị cáo bực tức, dẫn đến hành vi mất kiểm soát. Bị cáo gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại.
Trước sự có mặt của đông đảo người dân, một vị hội thẩm phân tích, nguyên nhân của vụ án mạng có một phần lỗi từ em trai bị hại. Đáng ra, vụ án mạng đã không xảy ra nếu anh Minh không gọi điện cho người bạn nhờ kêu anh trai mình đến.
Nếu khi đó, anh Minh chấp nhận lời xin lỗi của bị cáo Lương thì có lẽ câu chuyện đã đi theo hướng khác. Đây cũng là bài học cho nhiều người trong việc ứng xử với nhau. Bởi trong cuộc sống không thể tránh khỏi những va chạm, nhưng việc những người trong cuộc làm căng, đẩy sự việc đi quá xa, để rồi giờ đây người chết, kẻ vào tù.
Với các tình tiết giảm nhẹ như thật thà khai báo, thành khẩn nhận tội, gia đình thuộc thành phần lao động nghèo, có nhân thân tốt, chưa tiền án, tiền sự, khi phạm tội đã đầu thú, HĐXX tuyên phạt Trần Đình Lương án chung thân về tội Giết người. Về phần dân sự, tòa buộc bị cáo bồi thường 179 triệu đồng, cấp dưỡng cho bố mẹ bị hại 1 triệu đồng/tháng/người.
Sau đó, bị cáo đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra mới đây, bị cáo Lương khai không cố tình giết người mà do hôm đó đã uống bia nên không làm chủ được hành vi của mình. Tòa cho rằng, tình tiết bị cáo có men trong người không giúp bị cáo giảm nhẹ hình phạt mà có thể ngược lại.
Tại phiên tòa này bị cáo đã đưa ra việc từng tham gia vụ đuổi đối tượng trộm chó cùng người dân địa phương, có thu được một số vật dụng như dụng cụ bắt chó; gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo để xin giảm nhẹ hình phạt.
Luật sư bào chữa cho bị cáo cũng trình bày số phận éo le của bị cáo. Theo vị luật sư sau khi sự việc xảy ra, gia đình bị cáo định bán đi thửa đất mẹ để lại để bồi thường cho gia đình bị hại nhưng do thiếu giấy tờ nên vẫn chưa bán được.
Tòa phúc thẩm nhận định, dù tại phiên tòa hôm nay bị cáo có đưa ra một số tình tiết giảm nhẹ mới nhưng hành vi giết người của bị cáo là nghiêm trọng, có tính côn đồ. Do đó, tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo, tuyên y án chung thân đối với Trần Đình Lương.
Kết thúc phiên tòa, Lương mắt đỏ hoe ngoái nhìn về phía vợ, người từ đây phải gồng gánh thay Lương nuôi hai con nhỏ dại trong hoàn cảnh nghèo khó vẫn bủa vây…
Quá trình xét xử phúc thẩm, đã hơn 1 lần chủ tọa nhắc mọi người về sự nhường nhịn trong cuộc sống. “Ông bà ta thường nói “một điều nhịn, chín điều lành”, nếu bị cáo biết nhịn, sống vị tha hơn thì sự việc đã không như vậy. Đây là bài học không chỉ riêng của bị cáo và những người khác”, vị chủ tòa nhắc nhở.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận