Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng chiều 4/8.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với Đoàn giám sát UBTVQH chiều 4/8 |
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, kết quả rà soát, thống kê của Bộ cho thấy: Số lượng người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở hiện đã lên tới 335.253 hộ - tăng khoảng 4,6 lần so với số lượng 72.153 hộ mà các địa phương đã báo cáo Đoàn giám sát của UBTVQH năm 2012.
Một số địa phương có số lượng tăng nhiều như: tỉnh Hòa Bình tăng hơn 45 lần, tỉnh Nghệ An tăng hơn 13 lần, tỉnh Thanh Hóa tăng hơn 17 lần, tỉnh Phú Thọ tăng hơn 8 lần, Hà Nội tăng 17 lần… Như vậy, số tiền cần thực hiện hỗ trợ lên tới hơn 10.537 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ là 9.912 tỷ đồng), vượt xa so với dự kiến 2.451 tỷ đồng trước đó.
Về chất lượng nhà ở, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng nhà ở cho người có công cần phải nâng chất lượng nhà để đáp ứng tiêu chí tuổi thọ tối thiểu cho mỗi căn nhà là 20 năm; đảm bảo cả các tiêu chí như an toàn, phòng chống thiên tai...
"Người có công phải có nhà ở đảm bảo an toàn, chất lượng", Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, yêu cầu đối với trường hợp xây dựng mới nhà ở chỉ cần có tuổi thọ 10 năm trở lên; đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo thì có tuổi thọ từ 10 năm trở lên. Hiện mức kinh phí mà ngân sách Nhà nước hỗ trợ đối với trường hợp phải xây dựng mới nhà ở là 40 triệu đồng/hộ; đối với trường hợp sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở là 20 triệu đồng/hộ.
Về vấn đề này, Trưởng đoàn giám sát – Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhận định, nên nghiên cứu phương án bổ sung nguồn vốn cho các hộ vay với lãi suất ưu đãi để xây dựng nhà có chất lượng cao hơn.
"Đối tượng được hưởng chính sách theo thống kê mới nhất do các địa phương báo cáo về tăng nhưng cần có sự phối hợp rà soát từ chính quyền cấp cơ sở. Việc giám sát đúng đối tượng là trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh & xã hội với sự tham gia phối hợp của Bộ Xây dựng. Mục tiêu đặt ra là tháng 9 tới sẽ chốt con số trước khi rà soát lần 2. Bên cạnh đó, vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư cũng rất cần thiết", bà Mai cho hay.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị Bộ Tài chính cấp số kinh phí hỗ trợ được Chính phủ bổ sung năm 2014 (khoảng 800 tỷ đồng) để các địa phương tiếp tục thực hiện hỗ trợ trong năm nay. Theo đó, kinh phí cần để hoàn thành việc hỗ trợ cho số lượng người có công mà các địa phương báo cáo lên vẫn còn thiếu 366 tỷ đồng (tổng kinh phí từ ngân sách trung ương cần hỗ trợ là 2.232 tỷ đồng, đến nay đã cấp cho các địa phương là 956,7 tỷ đồng, còn lại 109,3 tỷ đồng Bộ Tài chính đang quản lý).
Quỳnh Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận