Nhà lãnh đạo Raul Castro và ông Miguel Diaz-Canel |
Sau 6 thập kỷ cầm quyền của hai anh em nhà lãnh đạo Castro, ngày hôm nay, Cuba lần đầu tiên bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa thế hệ lãnh đạo cách mạng đất nước và một thế hệ sinh sau cách mạng 1959.
Chủ tịch Hội đồng nhà nước Raul Castro vừa từ nhiệm ngày 19/4 theo giờ địa phương (sáng 20/4 giờ Việt Nam) và người thay thế ông, không ai xứng đáng hơn là ông Miguel Diaz-Canel.
Ứng viên duy nhất
Ông Miguel Diaz-Canel, chính khách 58 tuổi hiện giữ chức vụ Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng nhà nước Cuba, là ứng viên duy nhất trong cuộc bỏ phiếu vào chức vụ Chủ tịch Hội đồng nhà nước Cuba hôm 18/4 (giờ địa phương) tại Havana.
Chính trị gia này là “cánh tay phải” quan trọng của ông Castro và được chuẩn bị chu đáo cho một quá trình chuyển giao quyền lực.
Tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật điện, ông Diaz-Canel từng là giảng viên và bắt đầu sự nghiệp chính trị với vai trò là thành viên của Liên đoàn Cộng sản trẻ ở Santa Clara khi mới 20 tuổi. Dù được sinh ra sau thời kỳ Cách mạng Cuba, nhưng Chủ tịch Cuba Raul Castro ca ngợi ông Miguel Diaz-Canel có một “sự vững chắc, kiên định về ý thức hệ”.
Ông Raul Castro và ông Diaz-Canel |
Một số tờ báo Pháp nhận định rằng ông Diaz-Canel được miêu tả là “người được Chủ tịch Raul Castro đỡ đầu trên chính trường” và là một nhân vật trung kiên với nền chính trị hiện tại ở quốc gia châu Mỹ.
Có thể nói, sự nghiệp của ông Diaz-Canel đã tiến xa, ông là chính trị gia kiệm lời, kiên nhẫn thăng tiến từng bước dưới sự dìu dắt của Chủ tịch Raul Castro.
Trong khi đó, một số báo chí phương Tây khác nhận xét rằng so với thế hệ chính trị gia cách mạng, ông Diaz-Canel nổi lên như một nhân vật thực tế, kỹ trị và thậm chí ôn hòa hơn. Họ nhắc lại thời trẻ khi ông Miguel để tóc dài và mê nghe nhạc The Beatles. Vì thế, nhà lãnh đạo mới của Cuba từng được cho là khá thân thiện với lối sống phương Tây.
Dù vậy, quan chức ngoại giao hàng đầu Cuba khẳng định, lãnh đạo mới của đất nước này có tư tưởng tân tiến hơn nhưng cũng có một phần tiếp nối bởi vì ông Raul Castro sẽ tiếp tục đồng hành với người kế nhiệm trong vai trò lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Cuba.
Khẳng định đi theo đường lối của cố lãnh tụ Fidel Castro, vị chính trị gia xuất thân từ một kỹ sư trả lời báo giới rằng: “Chúng tôi có được tính kế thừa, chúng tôi đang tái khẳng định điều đó và bảo vệ thành quả cách mạng”.
Người dân Cuba mong đợi điều gì?
Ông Diaz-Canel và ông Raul Castro vẫy tay chào |
Theo cuộc phỏng vấn mới nhất về nguyện vọng của người dân Cuba của hãng tin AP, việc chuyển giao quyền lực này đặt ra nhiều kỳ vọng về những sự thay đổi mới mẻ cho quốc đảo này.
Đa phần người dân, cả trẻ lẫn già đều mong muốn thế hệ lãnh đạo mới sẽ tiếp nối những gì lãnh tụ Fidel Castro đã làm và mong muốn Mỹ bãi bỏ lệnh cấm để giúp cải thiện nền kinh tế Cuba, mà cụ thể là giá cả giảm cũng như mức sống của người dân được cải thiện.
Liên quan đến việc bãi bỏ lệnh cấm vận, giới phân tích cho rằng, ngoài một số lý do liên quan đến tuổi tác, việc ông Raul Castro tuyên bố từ chức Chủ tịch Cuba là vì Quốc hội Mỹ có lần đã nêu điều kiện bãi bỏ cấm vận là hai anh em nhà Castro phải từ chức lãnh đạo Cuba.
Am hiểu về vấn đề này, ông Nikolai Kalashnikov, Phó Giám đốc Viện Châu Mỹ Latinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nói rằng: “Đây là cơ hội và lý do để Mỹ xem xét bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế Cuba, vì chiểu theo Luật Helms-Burton (siết chặt trừng phạt các công ty nước ngoài, trong đó có Cuba), việc các nhà lãnh đạo Cuba rời chức vụ được xem là một trong các điều kiện để nối lại quan hệ kinh tế với La Habana”.
Mối quan hệ được cải thiện giữa Mỹ và Cuba bắt đầu dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng đã bị đảo lộn dưới sự điều hành của chính quyền ông Trump. Vì thế, hiện chưa có gì đảm bảo cho một mối quan hệ cải thiện nếu có sự chuyển giao quyền lực lãnh đạo tại Cuba.
Ông Diaz-Canel |
Giới phân tích phương Tây cho rằng, nhà lãnh đạo kế cận của Cuba sẽ kế thừa một đất nước trong tình trạng kinh tế không như mong đợi và một thế hệ người trẻ mong mỏi sự thay đổi đột phá đối với đất nước.
Ngoài ra, ông Miguel Diaz-Canel cũng có thể sẽ vấp phải khó khăn khi lãnh đạo đất nước mà không có quá khứ cách mạng sâu sắc như hai ông Raul và Fidel Castro.
Tiến trình chuyển giao quyền lực tại đây diễn ra trong bối cảnh phức tạp: Cấm vận của Mỹ chưa được giải tỏa theo lệnh của Tổng thống Donald Trump, Cuba tiếp tục phải nhập khẩu 80% nhu cầu lương thực.
Trong khi đó, đồng minh Venezuela, nguồn viện trợ năng lượng cho Cuba bị khủng hoảng chính trị và cạn kiệt tài chính.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận