Có nhiều người rất muốn cứu người bị TNGT, nhưng sợ bị công an giữ lại lấy lời khai hoặc gặp các phiền toái khác như bị hiểu lầm là người gây tai nạn |
Nên ghi giấy tránh phiền toái cho người cứu nạn
Sau vụ lái xe Camry tông chết 3 người ở Hà Nội hôm 29/2 vừa qua, nhiều người phẫn nộ trước những lái xe không dừng lại để đưa nạn nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng ai cũng muốn làm điều tốt nhưng họ sợ bị công an giữ lại hoặc gặp các phiền toái hay sợ không có kiến thức sơ cứu sẽ khiến nạn nhân bị thương nghiêm trọng hơn. Thậm chí còn sợ người nhà nạn nhân và những người khác hiểu lầm họ chính là kẻ gây tai nạn và bắt đền, thậm chí hành hung, đập phá xe cộ, tài sản.
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Chuyên ngành Hồi sức Cấp cứu Phạm Thành Lâm (Phó Cục trưởng Cục Y tế GTVT) cho rằng nên ghi giấy tránh phiền toái cho người cứu nạn.
"Chúng ta cũng nên ghi giấy tránh phiền toái cho người cứu nạn. Bởi những người cứu nạn là những người cứu nhân độ thế, có nhiều trường hợp họ xuống khu vực TNGT để cứu nạn nhân lại bị công an yêu cầu giữ lại làm nhân chứng, lấy lời khai như lấy khẩu cung khiến họ rất khó chịu. Vì thế, có nhiều người họ rất muốn cứu người bị TNGT nhưng sợ bị công an giữ lại hoặc gặp các phiền toái. Tôi cho rằng, cần thiết phải ghi giấy tránh phiền toái cho người cứu nạn", bác sĩ Lâm nói.
Ngoài ra, theo bác sĩ Lâm, những kỹ năng sơ cứu ban đầu cho người bị TNGT tưởng như đơn giản nhưng nhiều người lại không nắm rõ. Mỗi người nên cần trang bị những kinh nghiệm sơ cứu cần thiết, vừa để bảo vệ bản thân vừa có thể giúp đỡ những người gặp tai nạn trên đường. Nếu có sự sơ cứu ban đầu đúng cách trong các trường hợp đó, thì có thể giảm thiểu thương tích mà những người bị tai nạn gặp phải.
Trước hết hãy học nhường đường xe cứu thương
Trong khi đó, độc giả Phạm Việt Hà nhận định, trước khi học sơ cứu hay đổ lỗi cho vô cảm, cứu hay không cứu người bị TNGT thì rất nhiều người Việt nên học cách nhường đường cho xe cứu thương, hay nói rộng hơn là tham gia giao thông có ý thức. Chỉ cần cứu thương đến nhanh thì đã cứu được rất nhiều người rồi.
Cùng chung ý kiến trên, độc giả Vũ Lê Thúy Quỳnh cho rằng nạn nhân có thể tử vong do đưa tới viện không đúng cách. Theo chị Quỳnh, ở Thụy sỹ thì phải học, thực hành và có chứng chỉ sơ cứu mới cho thi lý thuyết lái xe. Chẳng hạn như khi gặp nạn nhân bị TNGT mà vẫn tỉnh thì không nên di chuyển mà phải chờ cấp cứu tới. Trừ phi nạn nhân nằm trong vùng nguy hiểm, có thể xe sắp cháy nổ thì mới kéo tay hay túm vào hai mắt cá chân lôi ra. Cũng không nên tự nhấc MBH của người đi xe máy bị tai nạn... Những trường hợp chấn thương nặng, nếu bê vác sai tư thế trong một đoạn đường xa, xóc thì nạn nhân hoàn toàn có thể tử vong do di chuyển.
Người dân cần trang bị cho bản thân những kỹ năng sơ cứu cơ bản cho người bị tai nạn. (Trong ảnh: Hội Chữ thập đỏ TP HCM diễn tập sơ cứu người bị nạn) |
Cấp cứu tại hiện trường chủ yếu do người đi đường thực hiện
Tại Việt Nam, nghiên cứu của Bệnh viện Quân y 103, chỉ có trên 60% nạn nhân TNGT được chuyển đến bệnh viện trong 6 giờ đầu, trong đó có đến hơn 8% đến bệnh viện sau 72 giờ.
Theo PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện cấp cứu tại hiện trường chủ yếu do người đi đường thực hiện, chiếm hơn 90%. Tỷ lệ được nhân viên y tế cấp cứu chỉ chiếm gần 5%.
Tuy nhiên, những ca cấp cứu tại hiện trường do người dân thực hiện đa số không đạt yêu cầu về chuyên môn. Nhiều nạn nhân không được vận chuyển đến bệnh viện bằng xe cấp cứu chuyên dụng mà bằng các phương tiện như: Taxi, xe ôm, thậm chí bằng cả xe tải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận