Hưng Yên là một trong hai địa phương xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi sớm nhất trên cả nước, thế nhưng tới nay người dân có lợn bị tiêu hủy vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Ngày 7/5, chia sẻ với Báo Giao thông, anh Văn Đình Khánh, thôn Dũng Tiến, xã Đông Tảo, Khoái Châu, Hưng Yên, một trong những trại có số lợn mắc dịch tả Châu Phi lớn nhất phải tiêu hủy cho biết, tới giờ này vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.
“Lợn trại tôi được tiêu hủy tới hơn 1 tháng nay với khoảng 60 tấn nhưng tới giờ vẫn chưa thấy tiền hỗ trợ. Hỏi chính quyền thì được trả lời "cứ chờ đấy, đợi hết dịch mới tổng kết chi trả". Nhưng với tình hình này chưa biết bao giờ mới hết dịch!”.
Tuy nhiên, điều khiến anh Khánh lo lắng chính là số tiền hơn 3 tỷ đồng đang nợ ngân hàng đã tới kỳ đáo hạn.
“Mỗi tháng, nhà tôi phải trả hơn 20 triệu đồng tiền lãi. Giờ đã tới kỳ đáo hạn nhưng vốn đã cạn sạch. Để khoanh giãn nợ bắt buộc phải có biên bản tiêu hủy lợn mắc dịch. Tuy nhiên, tới nay tôi vẫn chưa nhận được. Hỏi cán bộ thú y xã thì bảo còn đang trình lên huyện xin chữ ký và con dấu của đầy đủ cơ quan chức năng”, anh Khánh nói.
Tính tới thời điểm này, hơn 90% hộ chăn nuôi lợn tại xã Đông Tảo đã mắc mắc dịch tả lợn Châu Phi, số lợn bị tiêu hủy lên tới 7 nghìn con, tương đương khoảng 400 tấn. Đây cũng là xã có số lợn tiêu hủy lớn nhất của Hưng Yên.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến chủ tịch UBND xã Đông Tảo, tình hình dịch lả lợn Châu Phi vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Vấn đề hỗ trợ chúng tôi cũng đã đặt câu hỏi nhưng trên huyện trả lời dịch vẫn chưa hết, số lợn tiêu hủy quá lớn đang tổng hợp trình tỉnh để xin kinh phí”, ông Chiến cho biết.
Ông Chiến cũng thừa nhận tình trạng chậm hoàn thiện biên bản tiêu hủy lợn mắc dịch. “Biên bản cần lấy đủ chữ ký của các bên liên quan, trình lên huyện hoàn thiện thủ tục. Ngay trong cuộc họp chiều nay (7/5) chúng tôi sẽ có ý kiến”.
Trước đó, ngày 20/3, UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định hỗ trợ cho người dân có lợn mắc dịch tả Châu Phi phải tiêu hủy ở mức 32 nghìn đồng/kg hơi. Mức hỗ trợ này sẽ được điều chỉnh cho phù hợp khi thị trường có biến động tăng hoặc giảm từ 20% trở lên. Bên cạnh đó, chủ vật nuôi được hỗ trợ khi có lợn buộc phải tiêu hủy không nhất thiết phải đáp ứng điều kiện đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận khi bắt đầu nuôi lợn.
Riêng những trường hợp lợn bị mắc bệnh tiêu hủy trên địa bàn tỉnh trước ngày mức hỗ trợ tại Quyết định 790 được áp dụng, sẽ thực hiện hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ cho tất cả các loại lợn khi bị tiêu hủy do dịch bệnh là 38 nghìn đồng/kg hơi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận