Bỏ nhà ra rẫy ở... vì ô nhiễm
Theo phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống tại thôn 5 (xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk), thời gian qua họ thường xuyên phải sống trong cảnh khói bụi, tiếng ồn phát ra từ nhà máy xay gỗ, sản xuất viên nén gỗ nằm giữa khu dân cư khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Người dân đã gửi đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền đề nghị xử lý tình trạng ô nhiễm nhưng chưa được giải quyết khiến người dân càng thêm bức xúc.
Nhà máy băm gỗ, sản xuất viên nén gỗ gây bụi bặm, ô nhiễm khiến người dân bức xúc. Ảnh: N.H
Bà Đỗ Thị Nga (45 tuổi, ngụ thôn 5), sinh sống cách nhà máy khoảng 50m bức xúc: “Từ ngày nhà máy hoạt động, cả thôn phải sống trong bụi bặm, mùi hôi thối, chúng tôi ở trong nhà cũng phải đeo khẩu trang. Cả tháng nay, không chịu được sự ô nhiễm trên cả nhà dẫn nhau vào trong rẫy ở. Tôi đề nghị cơ quan chức năng sớm xử lý để đảm bảo sức khỏe cho người dân, con trẻ”.
Cũng theo bà Nga, ban ngày, bà đóng cửa để hạn chế bụi bặm bay vào nhà rồi vào rẫy để ở. Tối về phải đeo khẩu trang để đi ngủ. Nhiều hôm đang ngủ thì hai mẹ con giật mình thức giấc vì mùi hôi xộc vào mũi không ngủ được.
Cùng chung bức xúc, gia đình bà Đinh Thị Vân (52 tuổi) cũng phải bỏ nhà dẫn nhau vào rẫy sống để tránh ô nhiễm. Gia đình bà đã kiến nghị lên thôn, xã và đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan chức năng.
“Chúng tôi chịu hết nổi, phản ánh lên xã, xã xuống kiểm tra thì nhà máy ngưng hoạt động. Sau khi cán bộ về, họ lại tiếp tục hoạt động, nhất là vào đêm khuya”, bà Vân khẳng định.
Ông Nguyễn Đỗ Tuấn, Trưởng thôn 5 (xã Cư Mốt) cho biết: "Người dân đã nhiều lần phản ánh về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, khói, bụi từ nhà máy băm dăm, sản xuất viên viên nén gỗ. Sau đó, thôn đã kiến nghị với UBND xã chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng trên, nhưng đến nay sự việc vẫn tồn tại khiến người dân bức xúc".
Yêu cầu tạm dừng, xem xét cho di dời
Theo ông Bùi Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Cư Mốt, địa phương đã nhận được phản ánh của nhiều hộ dân trên địa bàn thôn 5 về tình trạng ô nhiễm môi trường và đang vào cuộc để xử lý theo quy định.
Nhà máy liên tục thu mua gỗ của người dân để chế biến. Ảnh: N.H
Cũng theo ông Hoàng, năm 2008, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê diện tích khoảng 5.400m2 đất tại thôn 5 để làm cơ sở kinh doanh, xây dựng chế biến lâm sản. Tháng 7/2022, công ty Lâm nghiệp Ea Wy đã liên kết với Công ty TNHH MTV Nguyên Đạt cho xây mới một số hạng mục, nâng cấp công nghệ chế biến gỗ băm dăm, viên nén gỗ. Trước sự việc, chính quyền xã đã yêu cầu đơn vị này tạm ngừng việc xây dựng để hoàn tất hồ sơ xây dựng, môi trường và các giấy tờ liên quan.
“Từ cuối tháng 2 năm nay, nhà máy hoạt động, phát hiện sự việc, xã xuống kiểm tra, đơn vị nói chỉ hoạt động thử nghiệm. Xã đã có biên bản làm việc, yêu cầu đơn vị tạm ngừng hoạt động nhưng đơn vị vẫn hoạt động gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc.
Bức xúc của nhân dân là đúng bởi khi đến khu vực này có mùi rất khó chịu, cùng với đó là bụi bẩn. Quan điểm của xã là sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, nếu vượt thẩm quyền, xã sẽ báo cáo huyện. Xã không đồng ý để nhà máy băm dăm, sản xuất viên nén gỗ tại khu dân cư nói trên.
Vị trí Công ty Lâm nghiệp Ea Wy xây dựng các hạng mục chế biến gỗ như băm dăm, viên nén gỗ... là không phù hợp vì nằm giữa khu dân cư. Nhà máy đưa vào hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sống khu dân cư khu vực này", Chủ tịch UBND xã Cư Mốt khẳng định.
Bụi bẩn bủa vây nhà dân. Ảnh: N.H
Ông Lê Ngọc Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Ea H’leo cho biết: "Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Ea H’leo được UBND tỉnh phê duyệt thì phần diện tích 5.400m2 công ty Lâm nghiệp Ea Wy đang quản lý sẽ quy hoạch xây dựng thành trung tâm hành chính của xã Cư Mốt.
Sau khi có thông tin phản ánh, huyện yêu cầu công ty tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh sản xuất viên nén từ gỗ băm dăm, giao UBND xã Cư Mốt kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính (nếu có) đối với các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất viên nén gỗ. Trong quá trình thực hiện, trường hợp cơ sở không đảm bảo các quy định về đất đai, môi trường, UBND huyện sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét di dời cơ sở sản xuất để đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận