Liên quan vụ tài xế xe bán tải Lê Tiến Dũng (SN 1987, trú tại Ý Yên, Nam Định) chạy trốn cảnh sát và gây tai nạn liên hoàn, Công an Hà Nội đang điều tra dấu hiệu chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng đối với người này.
Trước đó, Dũng bị người dân chặn lại, đập vỡ kính xe bán tải khi tài xế lên đường Vành đai 3. Ngay sau đó, lực lượng công an đến hiện trường, phối hợp người dân bắt giữ đối tượng đưa về trụ sở làm việc.
Theo dõi vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hành động chặn xe như trên của một số người đi đường để ngăn chặn hành vi của tài xế Dũng là cần thiết và hợp pháp.
Nêu lý do, ông Cường cho biết trước khi bị người dân giữ lại, nam tài xế đã có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Quá trình bị Công an phường Trương Định kiểm tra, anh ta tiếp tục có dấu hiệu chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng.
Chưa dừng lại ở đó, khi trốn chạy cảnh sát, người này còn gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông khiến ba xe máy và một xe tải khác bị thiệt hại.
"Đó là dấu hiệu vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và cố ý làm hư hỏng tài sản", luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Chuyên gia nhấn mạnh, người dân chặn giữ tài xế đang trên đường bỏ chạy sau khi gây ra nhiều hành vi là cần thiết. Mục đích để ngăn chặn hậu quả các tai nạn giao thông có thể xảy ra tiếp theo, bảo vệ tính mạng sức khỏe và tài sản của những người tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, luật sư cho rằng sau khi được công an đưa về trụ sở, Lê Tiến Dũng còn bị xác định dương tính với chất ma túy. Điều này rất nguy hiểm bởi tài xế có thể mất kiểm soát về hành vi do ma túy gây ra.
Hơn nữa, ông Cường nhìn nhận một tài xế dương tính với chất ma túy mà điều khiển ô tô (là nguồn nguy hiểm cao độ theo luật định), thì rất dễ dẫn đến mất khả năng kiểm soát hoặc dễ bị kích động. Lúc đó, mức độ nguy hiểm của hành vi sẽ tăng gấp bội, chiếc xe bán tải có thể trở thành "xe điên".
Do đó, theo luật sư, người dân đập phá kính, đưa tài xế xe bán tải ra rời xa vô lăng để cơ quan chức năng bắt giữ là trường hợp bắt người phạm tội quả tang. Đây có thể coi là phòng vệ chính đáng hoặc là tình thế cấp thiết, không phải tội phạm.
"Điều 24 Bộ luật Hình sự cho phép công dân được quyền giữ những đối tượng như thế này để ngăn chặn hậu quả tiếp theo, quá trình bắt giữ có thể gây ra thiệt hại hoặc thương tích nhưng vẫn được loại trừ trách nhiệm hình sự", luật sư phân tích.
Ngoài ra, theo Điều 23 Bộ luật Hình sự, hành vi của một số người dùng mũ bảo hiểm đập vỡ kính chắn gió xe bán tải để bắt giữ tài xế bán tải là cần thiết, được pháp luật cho phép. Vì vậy, họ không bị xử lý và sẽ không phải bồi thường thiệt hại.
Clip: Tài xế xe bán tải chạy trốn cảnh sát, gây tai nạn liên hoàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận