Xã hội

Người dân có thể kiện đòi bồi thường do vỡ đường ống gây mất nước

03/04/2014, 15:26

Theo luật sư, trong trường hợp xác định rõ chất lượng đường ống dẫn nước không đảm bảo, người tiêu dùng hoàn toàn có thể kiện Công ty CP Nước sạch Vinaconex do chất lượng dịch vụ kém.

Người dân Hà Nội khốn khổ chầu chực từng xô nước từ xe bồn mỗi khi mất nước
Người dân Hà Nội khốn khổ chầu chực từng xô nước từ xe bồn mỗi khi mất nước


Sự cố lần thứ 5 cho sản phẩm “Giải vàng”

Như Báo Giao thông số 53 (ngày 2/4) đã đưa tin, chiều 1/4, sự cố vỡ đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội đã làm mất nước trên diện rộng tại các quận, huyện: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Từ Liêm, Hoài Đức... khiến 70.000 hộ dân gặp khó khăn trong sinh hoạt. 


Theo điều tra của PV Báo Giao thông, hệ thống cấp nước sông Đà do Công ty CP tư vấn xây dựng Vinaconex (viết tắt là Vinacosult - một công ty thành viên thuộc Tổng Công ty CP xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam - Vinaconex) tư vấn thiết kế, với tổng công suất 600.000m3/ngày đêm. Trên website của đơn vị tư vấn thiết kế này, hệ thống cấp nước sông Đà được giới thiệu là “đã mở ra bước ngoặt lịch sử cho ngành cấp nước Việt Nam”. 
 

"Dù là trường hợp bất khả kháng thì trách nhiệm vẫn thuộc về đơn vị cấp nước. Hơn nữa việc vỡ ống nước sông Đà đã xảy ra nhiều lần rồi, không thể đổ lỗi cho ngoại cảnh được”.

 

Ông Lê Anh Diệp
Phó Chủ tịch Hiệp hội
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Theo hợp đồng ống cấp thoát nước số 07-2005/HĐKT-NSĐ ngày 8/9/2005, tổng giá trị của việc cung cấp 47km ống và phụ kiện cho hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội là hơn 331 tỷ đồng. Đơn vị cung cấp hệ thống đường ống và phụ kiện composite cốt sợi thủy tinh là Viglafico (cũng là một đơn vị thành viên của Vinaconex). Năm 2010, hệ thống cấp nước Vinaconex đã được nhận giải thưởng “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam”. 

Tuy nhiên, trong một lần tiếp xúc báo chí sau sự cố đường dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội, ông Nguyễn Sỹ Trung - kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ GTVT) đã cảnh báo, ở thời điểm năm 2006, có lẽ ống composite được sử dụng lần đầu tiên cho dự án cấp nước sông Đà. Loại ống này nếu lắp đặt trên nền đất yếu, chưa được xử lý kỹ thì chỉ cần nền đất lún không đều, ống sẽ biến dạng, vỡ. Bởi vật liệu composite không chịu được lực tác động trực tiếp hoặc uốn cong. 


Liên hệ với 5 lần xảy ra sự cố vỡ đường ống nước từ tháng 2/2012 đến nay, đơn vị vận hành và khai thác đều đưa ra nhận định nguyên nhân là do... nền đất yếu.

Không chỉ đền bù về tài chính


Sự cố vỡ đường ống nước sông Đà xảy ra vào ngày 1/4 không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hơn 70.000 hộ dân Thủ đô mà còn gây thiệt hại không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp, tiểu thương có cơ sở kinh doanh tại khu vực mất nước. 


Theo ông Lê Anh Diệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hà Nội, mức chi phí đền bù mà người tiêu dùng được hưởng trong trường hợp này sẽ được tính tổng thiệt hại từ thời điểm xảy ra mất nước cho đến khi nước được cấp lại bình thường. Ngoài việc đền bù về tài chính, bên cấp nước cũng phải có trách nhiệm xin lỗi khách hàng và cam kết không để xảy ra tình trạng tương tự trong tương lai. 


Chiều 2/4, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Tốn - TGĐ Công ty CP Nước sạch Vinaconex cho biết, sự cố đã được khắc phục từ 1h ngày 2/4, muộn nhất đến 24h cùng ngày tất cả các khu vực bị ảnh hưởng được cấp nước trở lại. “Khi sự cố xảy ra thì chúng tôi kêu gọi các đơn vị thành viên của Vinaconex cùng xử lý, giá cả thì cũng hữu nghị bởi toàn anh em trong tổng cả”, ông Tốn khẳng định, công tác sửa chữa và kinh phí khắc phục sự cố do Công ty nước sạch Vinaconex thực hiện và chi trả. Chi phí này không tính vào giá thành bán nước sinh hoạt cho người dân. 


Để khắc phục tình trạng vỡ đường ống nước, ông Tốn cho biết, công ty đang lập phương án nghiên cứu khả thi đường ống thứ hai, song song với đường ống thứ nhất để khi có sự cố ở đường ống này thì đường ống kia sẽ hoạt động đảm bảo cấp nước lâu dài cho dân.


M. Thành - Đ. Quang - N. Quý

 

Muốn kiện đơn vị cấp nước phải làm gì?

 

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng Luật sư Quang & cộng sự cho rằng, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nên vào cuộc kiểm tra chất lượng đường ống dẫn nước, bởi liên quan đến quyền lợi của hàng trăm nghìn người sử dụng, với những vấn đề cần làm rõ như: Nguyên nhân vỡ do nền đất yếu, hay do chất lượng công trình? Nếu là nền đất yếu, doanh nghiệp phải gia cố cho tất cả những khu vực có khả năng gây tác động. Trong trường hợp vỡ do chất lượng công trình không đảm bảo, nhất thiết phải khắc phục, xử lý nghiêm và bồi thường thiệt hại cho người dân! 


Trong trường hợp xác định rõ chất lượng đường ống dẫn nước không đảm bảo, người tiêu dùng hoàn toàn có thể kiện Vinaconex do chất lượng dịch vụ kém. 


Cũng theo Luật sư Quang, Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể đứng ra bảo vệ quyền lợi cho những hộ dân bị ảnh hưởng. Mặt khác, nên đề xuất cơ chế bồi thường. Chẳng hạn, công ty CP Nước sạch Vinaconex có thể không được tính tiền 3 ngày trước hoặc sau khi mất nước. Kể cả trong trường hợp Luật chưa quy định, doanh nghiệp cũng nên có một cam kết như vậy, với tư cách là một nhà cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn.

 

Xuân Thu

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.