Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, trước khi xảy ra dịch Covid-19, Vụ Thị trường trong nước đã xây dựng 3 kịch bản để nhằm ứng phó tốt nhất với dịch bệnh. Trong đó có kịch bản ứng phó khi dịch kéo dài...
Theo đó, công tác ứng phó ngay sau khi phát hiện ca nhiễm thứ 17 của Việt Nam sau 22h đêm 6/3, đã được thực hiện khẩn trương và kịp thời. Sáng sớm 7/3, Sở công thương Hà Nội đã đi kiểm tra, đôn đốc các đơn vị cung ứng, đảm bảo nguồn cung, nắm bắt tình hình thực tế lượng hàng hóa tích trữ. Sẵn sàng điều nguồn hàng từ ngoài Hà Nội để cung ứng cho thị trường thủ đô, huy động nhân viên làm việc tối đa để phục vụ người dân...
Cụ thể, các doanh nghiệp như Vinmart, hàng hóa cung ứng tăng 40 lần, các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội…; Hệ thống siêu thị Coopmart tăng lượng dự trữ ngay tại các kho của Hà Nội, Bắc Ninh, lượng hàng tăng 30 %, huy động tăng các cán bộ đi phục vụ 100%; Hệ thống BigC lượng hàng tăng từ 30-40%, bố trí cán bộ liên tục phục vụ hàng trong siêu thị, vận chuyển hàng hóa từ các kho về hệ thống phân phối ...; Các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử để phục nhu cầu nhân dân khi phòng chống dịch.
Bà Trần Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, thành phố vẫn đang đặt nhiệm vụ bình ổn lên hàng đầu bằng việc dự trữ hàng hóa lên 30-40%. Ngoài ra, sở đã yêu cầu những doanh nghiệp báo cáo lượng hàng và giá cả hàng ngày để kịp thời cung ứng điều phối giá.
Tất cả các phương án được triển khai rõ ràng, sở cũng đã xây dựng kịch bản cung ứng khi Hà Nội có 1.000 người mắc dịch.
Bà Lan khẳng định: Hà Nội luôn đáp ứng được nhu cầu cho người dân, đủ hàng, không để ngày nào thiếu hàng. Kế hoạch bình ổn thị trường các nhu yếu phẩm luôn luôn được xây dựng theo kế hoạch cụ thể. Đặc biệt, các mặt hàng nhu yếu phẩm đã được các sở công thương địa phương chuẩn bị đảm bảo trong bất kể hoàn cảnh nào và sẵn sàng cung ứng cho Hà Nội.
Clip: Ông Nguyễn Thái Dũng, TGĐ BRG khẳng định siêu thị tích trữ hàng gấp 5 lần, bổ sung hàng ngày và giá cam kết không tăng.
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc Central Retail cho biết: 15 tấn thịt lợn nhập khẩu đang về các siêu thị BigC. Siêu thị sẽ mở cửa từ 7h thay vì 8h sáng và đóng của lúc 22-23h giờ đêm cho đến khi hết khách hàng... Ngoài ra, để giảm thiểu sự hoang mang, lo lắng của khách hàng, Big C cam kết không tăng giá.
Đại diện chuỗi siêu thị Coop Food khẳng định nguồn hàng dự trữ trên 100 tỷ đồng và sẽ thực hiện chuyển hàng từ các kho hàng từ Đà Lạt, TP HCM, Bắc Ninh để cung ứng cho Hà Nội. Đặc biệt, các mặt hàng thịt lợn đông lạnh cũng được chuẩn bị đầy đủ, không thiếu hàng trong tình huống cấp bách nhất.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền để người dân yên tâm, không nên dự trữ hàng hóa khi có dịch xảy ra, tăng cường hình thức mua sắm online để tránh tập trung đông người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận