Y tế

Người dân đổ xô tiêm phòng bạch hầu sau khi bé 4 tuổi tử vong

08/07/2020, 06:42

Bầu không khí ảm đạm bao trùm ngôi làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai kể từ khi cháu bé 4 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu.

img
Lập chốt kiểm soát tại vùng dịch ở làng Bông Hiot

Đây cũng là nơi phát tác ổ dịch bạch hầu đầu tiên tại Tây Nguyên.

Nhiều người lo lắng

Kể từ ngày cháu V. (4 tuổi, trú ở làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa) tử vong do bạch hầu, không khí trong làng trở nên ảm đạm hơn. Người dân lo lắng, ngại đi lại và ngại giao tiếp với mọi người nhưng vẫn giữ bình tĩnh và lắng nghe sự chỉ dẫn của cơ quan chức năng. Ông H. (56 tuổi, người dân làng Bông Hiot) cho biết: “Đồng bào Ba Na chúng tôi lâu lắm rồi mới “sợ” đến như vậy. Cháu bé bị nhiễm bệnh và qua đời nhanh quá. Cả ngôi làng giờ ai cũng nghe ngóng thông tin và uống thuốc, thực hiện phòng dịch theo chỉ dẫn của cán bộ y tế”.

Ông H. cho hay, theo phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số, khi có người chết ở trong làng thì đám tang tổ chức linh đình theo phong tục, với cồng chiêng, giết bò, giết lợn, uống rượu nhiều ngày để chia buồn cùng gia đình. Thế nhưng, khi cháu V. mất, đám tang tổ chức đơn giản, chỉ một vài người đi đưa tang, tiệc tùng cũng cắt bỏ để phòng dịch.

Còn chị G., người thân trú gần nhà của gia đình có cháu bé mới tử vong vì bệnh dịch tỏ ra rất lo lắng. “Mình có nghe người ta nói bị bệnh bạch hầu thôi, không ngờ bệnh nguy hiểm đến vậy. Ai cũng lo vì không biết có bị lây không. Nhưng hôm rồi có cán bộ đưa máy về phun thuốc, cho uống thuốc nên cũng đỡ lo hơn”.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Minh Trung, Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa cho biết, những ngày qua, ngành chức năng ra sức tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh, nhất là phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tụ tập đông người…“Chúng tôi cho nhân viên y tế gõ cửa từng nhà nhắc người dân phải uống thuốc phòng dịch đúng giờ, và điều này tạo hiệu ứng rất rõ”, ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, hiện tại làng Bông Hiot đã được cách ly, chính quyền địa phương đã lập 4 chốt kiểm soát người đi lại ở vùng ngoài làng Bông Hiot; cho học sinh nghỉ học 1 tuần, bắt đầu từ ngày 6/7 trên toàn xã Hải Yang. “Chúng tôi đã cho người kiểm tra xem người dân có đủ ăn để phòng dịch không, đồng thời chỉ đạo cấp xã và hiệp hội doanh nghiệp huyện chung tay giúp người dân trong thời điểm dịch như: Xuất ngân sách mua gạo, thức ăn, nhu yếu phẩm để giúp người dân không lo lắng trong thời điểm này”, vị chủ tịch huyện cho biết.

Trước thông tin dịch bạch hầu bùng phát tại Gia Lai, nhiều người dân bắt đầu tỏ ra lo lắng và tự tìm đến các cơ sở y tế được cấp phép tiêm phòng vaccine. Chị Phạm Mỹ Hạnh (41 tuổi, trú tại TP. Pleiku) cho biết: “Mấy ngày nay đi đâu cũng nghe đến câu chuyện dịch bạch hầu. Bệnh này lây lan và nguy hiểm. Tôi đến cái tuổi này cũng không nhớ là mình đã tiêm phòng vaccine bạch hầu hay chưa”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, chủ phòng khám Đa khoa Bình An (129, Phan Đình Phùng, TP Pleiku) cho biết, những ngày gần đây lượng người đến tiêm vaccine phòng bạch hầu tăng lên đột biến. “Chỉ trong thời điểm ngày 5-6/7, chúng tôi mua 50 liều vaccine và đã sử dụng hết. Trong lúc chờ mua thuốc từ TP HCM chuyển về, đã có hơn 100 người đăng ký đặt trước tiêm. Có gia đình đặt tới 30 liều để cho gia đình, người thân tiêm phòng dịch”, ông Dũng nói.

Ai phải tiêm nhắc lại vaccine phòng bạch hầu?

Tính đến sáng 7/7, Gia Lai đã ghi nhận 10 ca dương tính với bạch hầu (đều trú tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang). Trong đó có 1 trường hợp bé trai 4 tuổi tử vong do diễn biến bệnh quá nặng. Tổng số trường hợp phải cách ly tại cơ sở y tế lên tới 35 người.

Bác sĩ Phạm Thế Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết, hiện tại bệnh viện đang theo dõi và điều trị các bệnh nhân bị nhiễm bạch hầu tại Khoa Nhiệt đới. Theo đó, các bệnh nhân đang được dùng kháng sinh đặc hiệu để điều trị. “Hiện, sức khỏe của các bệnh nhân đều đang tiến triển ổn định, qua giai đoạn nguy hiểm”, ông Mỹ cho biết.

Được biết, Sở Y tế Gia Lai đang khẩn trương rà soát, điều tra đối tượng chưa được tiêm, tiêm chưa đủ mũi, hoặc không rõ tiền sử tiêm vaccine phòng bạch hầu cũng đang được khẩn trương tiến hành. “Sở Y tế sẽ đề nghị Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ vaccine để triển khai tiêm phòng cho người dân trong thời gian tới”, ông Hải thông tin thêm.

Trước băn khoăn có nên tiêm nhắc lại vaccine phòng bạch hầu, BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1, TP.HCM khẳng định, nếu tiêm chủng đầy đủ thì khả năng phòng bệnh lên tới gần 100%. Bạch hầu thường xuất hiện ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa là do nơi đây có tỉ lệ tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu thấp, khi gặp yếu tố thuận lợi sẽ gây bệnh và bùng dịch. Nên tiêm lại cho trẻ khi đủ 4, 5 tuổi và 9-12 tuổi tiêm phòng nhắc lại tiếp, sau đó cứ sau 10 năm phải tiêm phòng nhắc lại một lần... Ở người lớn, nếu sinh sống hoặc công tác tại khu vực có dịch, cũng nên chủ động tiêm phòng vaccine phòng bạch hầu”.

Còn BS. Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư cho biết, biến chứng bạch hầu thường rất nặng. Bệnh nhân có thể bị tắc nghẽn đường hô hấp trên, viêm cơ tim, tổn thương các tế bào cơ tim... Tuy nhiên, bệnh có thể phòng bằng vaccine. Hiện nay, vaccine phòng bệnh bạch hầu thường được kết hợp với các vaccine phòng bệnh uốn ván, ho gà… và được đưa vào trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

“Để phòng bệnh, trẻ nhỏ cần tiêm 3 mũi đầu cách nhau 1 tháng, 1 mũi nhắc lại cách 1 năm, tiếp theo sau đó là mũi nhắc lại cách 7-10 năm. Đối với trẻ lớn và người lớn, cần tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng, mũi nhắc lại cách 9-12 tháng, và mũi nhắc lại cách khoảng 10 năm”, ông Hải khuyến cáo.

Liên tiếp phát hiện ca nhiễm mới

Chiều 7/7, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, tổng số người bị sốt, đau họng đưa vào diện cách ly nghi nhiễm dịch bạch hầu là 42 trường hợp.

Cũng trong ngày hôm qua, Gia Lai công bố thêm 6 ca dương tính với bệnh bạch hầu, nâng tổng số lên 16 người nhiễm, trong đó có 1 người tử vong. “Đây chưa phải là kết quả cuối cùng, hiện vẫn còn 9 mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm, đang chờ kết quả”, ông Hải nói.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, từ đầu năm 2020 đến chiều 7/7, tại 3 tỉnh Tây Nguyên ghi nhận 61 ca bệnh bạch hầu, trong đó 3 ca đã tử vong. Cụ thể: Tỉnh Đắk Nông có 26 bệnh nhân, Kon Tum 22 bệnh nhân và Gia Lai 16 bệnh nhân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.