Người dân đồng thuận cao
Xã Sơn Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) có 131 hộ dân có đất nông nghiệp và 8 hộ dân có 11 lô đất ở bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn. Đến thời điểm này các hộ dân có đất nông nghiệp và đất ở bị ảnh hưởng đều đã chấp thuận mức giá đền bù GPMB.
Khu đất 0,6 héc tại xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên - vị trí được chọn làm lễ khởi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh đã cơ bản xong phần san lấp mặt bằng
Gia đình ông Nguyễn Hữu Thống, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc có khoảng 2.000m2 vuông đất nông nghiệp bị thu hồi để làm đường. Đến nay, ông Thống đã nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho các đơn vị để làm dự án đường cao tốc.
Ông Thống nói, mức giá đền bù hiện tại sát với khung giá đất theo quy định của nhà nước: “Ngay từ khi mới nghe thông tin về dự án cao tốc đi qua trên phần đất để gia đình sản xuất nông nghiệp thì gia đình và bản thân tôi có hơi băn khoăn. Bởi, từ bao đời nay, gia đình sống nhờ vào làm nông. Nếu thu hồi đất rồi thì lấy gì mà làm ăn?!”.
Xã Cẩm Duệ có 64 hộ có đất và nhà ở bị ảnh hưởng bởi dự án.
Sau nhiều cuộc họp từ huyện đến xã, được cán bộ các cấp tuyên truyền, giải thích, và hiểu được mục đích ý nghĩa của dự án, tôi đã nhận tiền bàn giao diện tích đất để làm dự án.
Khác với gia đình ông Thống chỉ ảnh hưởng đất sản xuất, gia đình ông Nguyễn Hữu Đa có 2 lô đất ở nằm trọn trong phạm vi đường cao tốc Bắc - Nam. Chia sẻ với PV, ông Đa cho rằng, chẳng ai muốn rời bỏ đất tổ tiên, hương hỏa để lại đã gắn bó với bao thế hệ trong gia đình để đến vùng ở mới cả. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức được ý nghĩa to lớn của dự án cao tốc và được tận mắt xem khu đất được làm TĐC thì tôi cũng phần nào yên tâm mà rời đi.
Tương tự xã Sơn Lộc, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên cũng là địa phương được Chủ đầu tư dự án cao tốc Băc - Nam lựa chọn để làm nơi diễn ra lễ khởi công dự án cao tốc.
Ông Đặng Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ thông tin, dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn xã có 7 thôn bị ảnh hưởng. Trong đó, đất nông nghiệp có 243 hộ và đất và nhà ở có 64 hộ bị ảnh hưởng.
Đến thời điểm này, thông qua các cuộc đối thoại giữa người dân với các cấp chính quyền, đa số người dân đều đồng tình chủ trương cao. Hiện xã đang rà soát lại một số hộ dân nằm trong diện được cấp đất TĐC.
Gia đình ông Lê Đức Cảnh, thôn Thống Nhất, xã Cẩm Duệ có nhà và nhà thờ họ bị thu hồi để phục vụ dự án. Sau khi được nghe cán bộ tuyên tuyền, giải đáp các thắc mắc tại các cuộc họp dân, nhận thấy đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, gia đình ông Cảnh đã đồng ý hoàn toàn với chủ trương.
Theo ông Cảnh, căn nhà với nhà thờ họ nằm trong phạm vi dự án, phải rơi bỏ nơi đã gắn bó cũng không đành lòng lăm. Nhưng, vì mục tiêu chung để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh nhà, gia đình hoàn toàn đồng ý.
Khẩn trương san lấp mặt bằng để làm lễ khởi công dự án.
Địa điểm giáp gianh 2 xã Sơn Lộc (huyện Can Lộc) và xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên) là nơi được Chủ đầu tư dự án lựa chọn để làm lễ khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam.
Ghi nhận của PV, vào chiều 23/12, tại xã Sơn Lộc, liên danh nhà thầu là Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng đang cho san lấp mặt bằng ở khu vực đồng ruộng nằm sát Quốc lộ 15B để chuẩn bị cho lễ khởi công cao tốc Bắc - Nam gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi.
Ông Nguyễn Đăng Cường - cán bộ Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) thông tin, khu vực san lấp mặt bằng có diện tích 0,5 ha. Trước khi tiến hành san lấp, Bộ GTVT, Ban QLDA Thăng Long và đại diện nhà thầu đã kiểm tra thực địa vị trí.
Tại khu vực giao giữa cao tốc Bắc - Nam với tỉnh lộ 551 đoạn qua thôn xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên - địa điểm diễn ra lễ khởi công gói thầu 11 -XL đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, đang được Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường - Công ty CP 471 - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập tích cực chuẩn bị mặt bằng cho lễ khởi công.
Dự kiến, trong ngày 24/12, các đơn vị sẽ hoàn thiện công tác san lấp mặt bằng để các đơn vị tiến hành làm lễ khởi công cao tốc vào ngày 1/1/2023.
Ông Cường cho biết thêm, quan điểm của Bộ GTVT, sau khi làm lễ khởi công thì các đơn vị bắt tay triển khai thi công các gói thầu luôn. Tuy nhiên, tại các gói mà Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư vấn đề đất đắp đang khiến các đơn vị thi công lo lắng.
Trong phạm vi dự án có 6 mỏ được chọn để phục vụ dự án, hiện mới chỉ có 2 mỏ hoàn thiện các thủ tục, còn 4 mỏ còn lại đang vướng các thủ tục. Phía Ban mong muốn, địa phương hỗ trợ nhanh hơn nữa các thủ tục để sớm đưa 4 mỏ còn lại vào khai thác.
12 gói thầu đầu tiên sẽ được khởi công vào ngày 1/1/2023, gồm: gói thầu 11 - XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (35,28 km); gói thầu 11 - XL đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng (30 km); gói thầu XL02 đoạn Vũng Áng - Bùng (23,54 km); gói thầu XL02 đoạn Bùng - Vạn Ninh (19,27 km); gói thầu XL02 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ (32,54 km); gói thầu XL1 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (30 km); gói thầu 11 - XL đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (23,5 km); gói thầu 12 - XL đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (22,1 km); gói thầu XL02 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (24,05 km); gói thầu XL02 đoạn Vân Phong - Nha Trang (30,85 km); gói thầu XL đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (37,65 km) và gói thầu XL02 đoạn Hậu Giang - Cà Mau (22,4 km).
Đối với 13 gói thầu còn lại, các Ban QLDA tập trung chỉ đạo tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra và các đơn vị liên quan hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán; phấn đấu khởi công toàn bộ các gói thầu trước ngày 15/1/2023 (trước Tết Nguyên đán Quý Mão).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận