Hỏi - Đáp

Người dân được đốt pháo hoa: Đừng vui quá đà dễ sa vào vi phạm

30/11/2020, 11:22

Theo Nghị định 137/2020/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, tết.

img
Ảnh minh hoa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 137/2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo. Trong đó, nghị định mới bổ sung thêm nhiều điểm về các trường hợp được phép sử dụng pháo cũng như các hành vi bị nghiêm cấm về pháo nổ.

Điểm đáng chú ý, tại điều 17, Nghị định 137 cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Tuy nhiên tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa.

Quy định này đang nhận được nhiều sự quan tâm và chú ý của người dân. Lưu ý về điểm mới của Nghị định vừa mới ban hành, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, người dân cần phải chú ý loại pháo nào được phép sử dụng theo quy định của nghị định này, đừng "vui quá đà dễ dính vào sai phạm".

Trong đó, pháo hoa được Nghị định giải thích là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Còn pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m. Các loại pháo này được Nhà nước sử dụng trong các dịp lễ, Tết.

"Như vậy, theo quy định tại Nghị định này, các tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng các loại pháo hoa không gây ra tiếng nổ trong dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi... còn đối với các loại pháo hoa được đốt lên trời gây ra tiếng nổ là pháo hoa nổ tầm thấp và pháo hoa nổ tầm cao vẫn bị cấm. Người dân cần hiểu rõ về quy định này, tránh bị nhầm lẫn", luật sư Lực nêu rõ.

Cùng trao đổi về việc này, Luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, cơ quan chức năng cần xác định rõ loại pháo hoa nào được sử dụng để người dân nắm rõ.

Đồng thời, trong thời gian tới nhằm tránh việc người dân mua nhầm, sử dụng nhầm pháo hoa không được cho phép, cơ quan quản lý cần lưu tâm kiểm soát chặt các sản phẩm pháo hoa bán ra thị trường, bảo đảm sản phẩm bán đến tay người dân sử dụng chỉ là pháo hoa theo quy định.

Ngoài ra, luật sư lo ngại sau khi mở rộng quy định cho người dân được mua pháo hoa để sử dụng, thì sẽ xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh loại sản phẩm này.

Vì thế, cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ việc cấp phép cho các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh pháo hoa sau khi Nghị định có hiệu lực.

Năm 1994, trước tình trạng đốt pháo tràn lan làm nhiều người chết và bị thương, Thủ tướng ra chỉ thị từ ngày 1/1/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Các tổ chức, cá nhân vi phạm ngoài việc tịch thu tang vật, tiêu hủy pháo và thuốc pháo còn bị phạt tiền.

Ngoài bị xử phạt hành chính 1-2 triệu đồng, người đốt pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng hoặc Cố ý gây thương tích theo Bộ luật hình sự 2015.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.