“Không biết đất đá đổ xuống vùi nhà lúc nào”
Chiều muộn 16/11, chúng tôi đi đò về xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định), khắp nơi nước lũ còn bủa vây.
Con đường dẫn vào thôn Chánh Thắng ngập ngụa trong bùn đất và nước lũ. Dấu vết của cơn sạt lở đất kinh hoàng trên núi Cấm vẫn còn hiện hữu trong mỗi góc nhà. Trên gương mặt những người dân nơi đây vẫn còn vẹn nguyên sự lo sợ. Phía lưng chừng núi, nước vẫn không ngừng cuốn bùn đất ồ ạt trôi về khắp các tuyến đường bê tông, tràn vào nhà dân.
Bà Mai lo sợ khi chứng kiến cảnh đất đá sạt lở từ trên núi cao. Hàng nghìn khối bùn đất theo nước xuống phủ đầy khu dân cư
Bà Mai Thị Huệ đội chiếc nón lá rách tả tơi, lật đật chạy ra xem phía tường nhà đã hỏng. Bà cho biết những ngày qua mưa tầm tã, nước trên cao cuồn cuộn đổ xuống. Tối 14/11, người dân hốt hoảng khi nghe tiếng nước chảy ào ào từ phía đỉnh núi Cấm. Cả đêm không ai dám ngủ. Sáng ra, mọi người hốt hoảng khi thấy một mảng núi lớn bị sạt lộ đất đá trơ trọi. Hàng nghìn khối bùn đất kéo xuống tràn vào nhà dân.
“Chưa bao giờ tôi thấy cảnh tượng sạt lở kinh hoàng như thế. Đất đá trôi xuống khiến nhà cửa hư hỏng, tường rào bể nát. Chúng tôi không tài nào ngủ được. Nguy hiểm rình rập, không biết đất đá trên cao kia sẽ tràn xuống khi nào. Không biết sống chết lúc nào nên ai nấy cũng lo sợ. Mong chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ chúng tôi có một nơi ở tốt hơn để sớm ổn định cuộc sống”, bà Mai lo lắng.
Người dân thôn Chánh Thắng tất bật về dọn dẹp bùn đất, sửa lại nhà cửa hư hỏng
Cách đó không xa, chị Đặng Thị Hiền (thôn Chánh Thắng) trở về xem nhà cửa có hư hỏng gì không sau khi được di dời lên nơi cao ráo. Đôi mắt chị rưng rưng khi chứng kiến toàn bộ ngôi nhà của mình từ trong ra ngoài vườn đều bị ngập trong bùn, lớp chỗ sâu gần 1m, bờ tường phía sau nhà chị cũng bị hư hỏng.
"Nhiều thứ đồ đạc trong nhà không kịp chuyển đi cũng bị nước, bùn đất tràn vào làm cho hư hỏng. Giờ dọn dẹp nhưng cũng rất sợ vì còn mưa và có thể sạt lở vẫn còn", chị Hiền vừa nói vừa hướng đôi mắt về phía núi.
Ghi nhận của PV tại hiện trường, hàng nghìn khối bùn đất trôi vào nhiều nhà dân. Có nơi bùn đất ngập đến đầu gối, di chuyển rất khó khăn. Tường rào, cổng ngõ của nhiều nhà dân bị hư hỏng do đất đá sạt vào. Một số hộ dân đã sử dụng bao cát để chắn nước, bùn đất trôi vào nhà khi nước trên cao vẫn không ngừng chảy về phía khu dân cư.
Ông Nguyễn Đức Chiêu, Chủ tịch UBND xã Cát Thành (huyện Phù Cát) cho biết, trong sáng nay (16/11), địa phương tiếp tục di dời thêm 20 hộ dân vùng nguy hiểm dưới chân núi đến nơi an toàn. Đến nay, tổng cộng có gần 100 hộ chưa thể về nhà. Địa phương tiếp tục cắt cử lực lượng đóng chân tại khu vực núi Cấm để ngăn không cho người dân về nhà để đảm bảo an toàn, ít nhất là trong tối 16/11. Địa phương cũng đang tiến hành thống kê thiệt hại để hỗ trợ người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết, sẽ cho đánh giá lại địa chất ở những khu vực sạt lở vừa qua để có giải pháp tổng thể nhằm xử lý hiệu quả, đảm bảo an toàn
Sẽ đánh giá lại địa chất vùng sạt lở
Người dân thôn Chánh Thắng cho biết, từ trước đến nay, chưa bao giờ nơi này sạt lở như vậy. Liên tiếp từ ngày 14-16/11, tại khu vực núi Cấm đã xảy ra 3 điểm sạt lở. Trong đó, điểm sạt lở vào tối vừa qua với một lượng đất đá lớn, tạo nên một vệt dài và rộng từ đỉnh xuống chân núi kéo dài 300m. Khối lượng đất đá sạt lở khoảng 6.000m3.
Theo họ, do mưa lớn xảy ra liên tiếp trong nhiều ngày qua, cùng với việc người dân trồng cây keo trên núi và các phương tiện máy móc vào đào đất mở đường lên khai thác keo có thể là nguyên nhân khiến núi Cấm bị sạt lở.
Núi Cấm bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa khu dân cư phía chân núi
Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay nhiều khu vực đồi núi ở Bình Định đang sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt là những khu vực đồi núi đá phong hóa, nguy cơ sạt lở rất cao. Do đó, đã chỉ đạo địa phương lập các chốt chặn ở những nơi có nguy cơ sạt lở, giống như QL1D và các địa điểm khác trên địa bàn toàn tỉnh để kịp thời ứng phó. Trước mắt bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân là ưu tiên hàng đầu.
Sau đợt mưa lũ lớn này, tỉnh sẽ chỉ đạo các ban, ngành tập trung khảo sát, đánh giá lại địa chất ở những khu vực sạt lở vừa qua để có giải pháp tổng thể nhằm xử lý hiệu quả, đảm bảo an toàn cho những đợt mưa lũ ở những năm tiếp theo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận